11:12 09/04/2013

Doanh nghiệp vẫn muốn hạ thuế thu nhập

Anh Minh

Cộng đồng doanh nghiệp vẫn muốn giảm thuế thu nhập và bỏ giới hạn trần chi phí tiếp thị quảng cáo

Theo Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), Bộ Tài chính 
không muốn giảm thuế suất với lý do giảm thu, cụ thể là với việc giảm 
thuế suất về hai mức 20% và 23% như trong dự thảo sẽ làm giảm thu ngân 
sách năm 2014 là 2.081 tỷ đồng.
Theo Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), Bộ Tài chính không muốn giảm thuế suất với lý do giảm thu, cụ thể là với việc giảm thuế suất về hai mức 20% và 23% như trong dự thảo sẽ làm giảm thu ngân sách năm 2014 là 2.081 tỷ đồng.
Góp ý cho Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi hiện đang được lấy ý kiến rộng rãi, các hiệp hội doanh nghiệp vẫn muốn kiến nghị hạ thấp hơn nữa thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, đồng thời nâng trần khống chế chi phí tiếp thị, quảng cáo.

Thuế suất thu nhập doanh nghiệp vẫn cao


Tại cuộc tọa đàm “Góp ý kiến cho Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi” tổ chức sáng nay (9/4) tại Hà Nội, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, cho biết các hiệp hội đã thống nhất việc kiến nghị giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20% hoặc ít nhất cũng giảm thêm 1% so với dự thảo và mức thuế suất mới sẽ là 22% nhằm khuyến khích doanh nghiệp tích lũy vốn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh.

Theo bà Loan, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 23% như dự thảo hiện hành vẫn còn cao hơn một số nước và vùng lãnh thổ. Ví dụ, tại thời điểm này, thuế suất của Singapore và Đài Loan là 17%, Thái Lan là 20% kể từ đầu năm 2013, một số nước Đông Âu đã cắt giảm từ mức 30% xuống còn 19%.

“Lộ trình giảm loại thuế này đang “phú quý giật lùi” khi lần sau giảm ít hơn lần trước, từ 32% xuống 28%, sau đó xuống 25% và lần này chỉ giảm có 2%, xuống 23%”, bà Loan ví von.

Đối với quy định về doanh nghiệp nhỏ được hưởng thuế suất 20%, các doanh nghiệp đề nghị nâng quy định về doanh nghiệp nhỏ là doanh nghiệp có doanh thu dưới 100 tỷ đồng/năm thay vì 20 tỷ đồng như dự kiến của Bộ Tài chính.

Theo Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), Bộ Tài chính không muốn giảm thuế suất với lý do giảm thu, cụ thể là với việc giảm thuế suất về hai mức 20% và 23% như trong dự thảo sẽ làm giảm thu ngân sách năm 2014 là 2.081 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong khi giảm thu thuế thu nhập doanh nghiệp, các khoản thuế khác như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt có thể tăng do doanh nghiệp gia tăng sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, VAFI cho rằng cần phải đánh giá định lượng các khoản thu này thay vì chỉ nói về khoản “thất thu”.

Trong khi đó, theo bà Đặng Phương Dung, Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam cho rằng, đối với những ngành đặc thù như dệt may, thậm chí thuế suất còn phải thấp hơn nữa.

“Với những doanh nghiệp trong các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, thủy sản, cần hạ thuế suất xuống thấp hơn, chẳng hạn 10-15% để các doanh nghiệp có điều kiện tăng thu nhập cho người lao động”, bà kiến nghị.

Nên nâng trần chi phí tiếp thị, quảng cáo?

So sánh với Luật hiện hành, Dự thảo luật sửa đổi đã điều chỉnh mức khống chế chi phí khuyến mại quảng cáo từ 10% lên 15% và bỏ các khoản chi như chiết khấu thanh toán, chi báo biếu, báo tặng của cơ quan báo chí ra khỏi danh sách về khống chế mức chi. Đây là sự thay đổi theo hướng tích cực nhưng theo nhiều doanh nghiệp, chỉ mới là “cải cách nửa vời”.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, trong 14 năm qua có không biết bao nhiêu đối thoại, kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp, ý kiến chuyên gia, hội thảo khoa học…, cả trước và sau kỳ sửa đổi thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 với đề xuất dỡ bỏ mức trần vô lý nói trên nhưng đến nay vẫn còn vướng mắc và những quy định này vẫn tồn tại, mặc dù nó là trở ngại đáng kể cho các doanh nghiệp phát triển.

“Có thể nói rằng, chính sách tận thu về thuế thu nhập doanh nghiệp với quy định khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mại như trên được coi là “lợi bất cập hại” đối với cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng và nền kinh tế”, bà Loan nói và nhấn mạnh rằng việc dỡ bỏ khống chế trần chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại sẽ góp phần kích cầu trong nước, đồng thời làm khởi sắc ngành công nghiệp quảng cáo và phụ trợ ở Việt Nam.

Đi vào phân tích chi tiết, bà Loan nói rằng việc dỡ bỏ mức trần chi phí quảng cáo và khuyến mại mang lại lợi ích cho Việt Nam từ cả 3 góc độ: cho nền kinh tế, cho người tiêu dùng và cho cộng đồng doanh nghiệp. Nhà nước cũng không thất thu bởi khoản chi của doanh nghiệp này đồng thời là khoản thu của doanh nghiệp khác cung cấp dịch vụ (ví dụ quảng cáo ...) và Nhà nước đã đánh thuế đối với khoản thu này. Ngoài ra, việc áp dụng Luật Quản lý thuế một cách hiệu quả cũng sẽ góp phần hạn chế gian lận và đảm bảo nguồn thu ngân sách.

Theo báo cáo của Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, các tính toán cho thấy chi phí thuế thực của doanh nghiệp tăng lên trung bình khoảng 42% - 80% so với chi phí thuế danh nghĩa tùy trường hợp (khoản chi quảng cáo và khuyến mại càng cao so với tỷ lệ doanh thu thì mức tăng chi phí thuế thực càng lớn).

Cũng theo Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, kết quả khảo sát khoảng 50 nước trên thế giới cho thấy, chỉ còn có Việt Nam và Trung Quốc thực hiện khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại ... Tuy nhiên mức khống chế này của Trung Quốc là 15% trên tổng doanh thu hàng năm. Thậm chí, một số ngành (mỹ phẩm, dược, đồ uống giải khát) được phép khấu trừ tối đa 30% doanh thu hàng năm. Số vượt mức khống chế có thể được chuyển sang khấu trừ vào các năm tiếp theo.

Các Hiệp hội doanh nghiệp thống nhất kiến nghi rằng cần dỡ bỏ qui định khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi trình Quốc hội phê duyệt vào tháng 5/2013. Trường hợp không thể thực hiện được điều này với những lý do chính đáng và thuyết phục được giải trình rõ ràng, cân nhắc nâng mức giới hạn lên nữa, trước mắt được nâng lên 15%-20% trên tổng doanh thu và tiếp theo đó sẽ có lộ trình dỡ bỏ hoàn toàn.