17:32 08/07/2008

“Doanh nhân là trí thức”

Thúy Nhung - Duy Cường

“Trí thức chưa chắc đã biết làm kinh tế, nhưng doanh nhân chắc chắn phải là trí thức”, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan nhìn nhận

GS. Đào Nguyên Cát, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Mạnh Thắng.
GS. Đào Nguyên Cát, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Mạnh Thắng.
Trước thềm Hội nghị Trung ương 7 khóa X, hội thảo với chủ đề “Xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam - Tri thức và doanh nhân” đã được tổ chức sáng nay (8/7), tại Hà Nội.

Tại hội thảo, GS.TS Phùng Hữu Phú, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, việc “xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa” là một trong những chủ đề quan trọng được thảo luận trong hội nghị Trung ương lần này.

Theo ông, công cuộc xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam trước hết phải thể hiện ở việc xây dựng đường lối, chính sách đúng. Khi có một cơ chế hợp lý, nhất là cơ chế phát huy dân chủ, tự do sáng tạo đối với trí thức, sẽ làm cho họ gắn bó hơn nữa với dân tộc và quê hương mình. Khi chính sách tạo được niềm tin, thì niềm tin sẽ giúp trí thức có nhiều sáng tạo mới.

Nói về mối quan hệ giữa trí thức và doanh nhân, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan nhìn nhận: “Trí thức chưa chắc đã biết làm kinh tế, nhưng doanh nhân chắc chắn phải là trí thức.”

Ông phân tích, trong quá trình hội nhập và phát triển của nền kinh tế toàn cầu, nếu doanh nhân không được trang bị kiến thức, không nắm bắt được diễn biến thị trường thì bản thân họ không thể tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.

Đồng tình với quan điểm này, GS. Đào Nguyên Cát, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam nói: “Doanh nhân là lớp người mới, trưởng thành trong kinh doanh. Trong đó có những người tuy học vấn chưa cao nhưng không ngừng tự học và vươn lên. Họ có lòng yêu nước, sáng tạo và thành đạt. Họ chính là trí thức”.

Còn theo nhà nghiên cứu Việt Phương, doanh nhân, hơn ai hết, chính là những người không bao giờ ngồi chờ. Họ chính là lực lượng tiên tiến và luôn sẵn sàng tiếp cận và làm theo những cái mới. Vì vậy, cần có cơ chế mới để khuyến khích họ phát triển những ý tưởng của mình.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cũng cho rằng, doanh nhân là những người không bao giờ hài lòng với hiện tại. Đây chính là động lực cho sự phát triển kinh tế và đất nước. Khi những cơ chế và tư duy đã lỗi thời được thay đổi, họ sẽ có điều kiện đóng góp tiếng nói phản biện phục vụ cho sự phát triển xã hội.

Ở một góc độ khác, GS. Hà Tôn Vinh, Giám đốc Chương trình Cao học Quản trị kinh doanh Đại học Hawaii cho hay: Việt Nam có một bộ phận Việt kiều trí thức khá thành đạt trên thế giới. Trong số đó, có không ít những người là doanh nhân. Họ chính là một bộ phận có thể tạo nên sức mạnh của nền kinh tế và là lực lượng quan trọng đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, hiện nay do nhiều yếu tố khách quan, tiếng nói của họ còn chưa thực sự được biết đến dẫn tới nhiều người chưa có điều kiện mang hết tài lực để phát triển đất nước.

Đại diện cho các doanh nhân, bà Đặng Hoàng Yến, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Tân Tạo chia sẻ: trước đây có thời, doanh nhân được coi là những công dân hạng hai, nhưng tới nay, cách nhìn nhận đánh giá đã có nhiều thay đổi. Doanh nhân ngày càng được cộng đồng và xã hội tại Việt Nam tôn vinh.

Tuy nhiên, bà Yến cũng thẳng thắn thừa nhận, doanh nhân Việt Nam vẫn chưa đạt tầm như các doanh nhân thế giới về kinh nghiệm trong quản lý.

Tán đồng với ý kiến trên, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái nói: hiện vẫn còn không ít doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động theo cách “lách luật”. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đối với những người kinh doanh chân chính. Tuy nhiên, cách làm ăn theo kiểu “chộp giật” đó cũng sẽ khó tồn tại trong nền kinh tế tri thức.

Và theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, chỉ khi nào trả lời được câu hỏi “Doanh nhân đứng ở đâu trong các tầng lớp xã hội?”, khi ấy vai trò của họ mới được phát huy ở mức cao nhất.