12:09 18/06/2010

Đối thoại hải quan - doanh nghiệp: Những chuyện không “chịu” cũ

Anh Quân

Ngành hải quan đối thoại tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp xuất nhập khẩu

Những kiến nghị của doanh nghiệp được nêu lên với ngành hải quan vẫn chủ yếu là các vấn đề không mới.
Những kiến nghị của doanh nghiệp được nêu lên với ngành hải quan vẫn chủ yếu là các vấn đề không mới.
Chuyện các đơn vị xuất nhập khẩu Việt Nam thuộc diện phân luồng đỏ, luồng vàng (buộc phải kiểm tra hồ sơ, hoặc cả hồ sơ và hàng hóa) vẫn còn nhiều, gây phiền hà cho doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã nhắc nhở cán bộ ngành hải quan tại hội nghị ngành này cuối năm ngoái.

Gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong năm hải quan và doanh nghiệp 2010, vì thế, đương nhiên cũng là mục tiêu của cơ quan “bạn đồng hành” doanh nghiệp này.

Nhưng dù chương trình cải cách thủ tục hành chính của Bộ Tài chính đã đi đến giai đoạn thứ hai với rất nhiều thủ tục được xác định bãi bỏ, sửa đổi, với ước tính có thể giảm chi phí tuân thủ hơn 3 nghìn tỷ đồng mỗi năm, thì sự hài lòng của doanh nghiệp dường như chưa rộng khắp.

Hơn 500 đại biểu ngồi kín khán phòng khách sạn Deawoo trong ngày mà tại đây mất điện, cho thấy sự quan tâm rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp tới sự kiện Bộ Tài chính và Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng tổ chức hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục thuế và hải quan trong ngày 16/6.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thư ký VCCI Phạm Gia Túc lưu ý các đại biểu về tập tài liệu giải đáp kiến nghị về hải quan đã trả lời gần 70 câu hỏi được tập hợp trước đó. Ông đề nghị các doanh nghiệp “đã tham gia đối thoại nhiều năm, có kinh nghiệm, chỉ nêu những vấn đề không trùng lặp”.

Nhưng trong phần khái quát của mình, những kiến nghị của doanh nghiệp được vị này nêu lên với ngành hải quan vẫn chủ yếu là các vấn đề không mới. Ví dụ như nhiều quy định chậm được đổi mới gây phiền hà cho doanh nghiệp; hay việc thực hiện khác nhau ở các cục hải quan địa phương; hải quan điện tử còn chưa đồng bộ; hay cán bộ hải quan cá biệt còn gây phiền hà doanh nghiệp…

Điều này được thể hiện trên thực tế hoạt động của doanh nghiệp, không phải cứ doanh nghiệp lớn, hoạt động xuất nhập khẩu nhiều, và tuyển dụng được cán bộ ngoại thương giỏi là giải quyết rố ráo được các thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu.

Trong phần đối thoại trực tiếp giữa doanh nghiệp và hải quan hôm qua, nhiều doanh nghiệp lớn như Samsung, Toyota, hay Vinaconex, Cofico… đã chuyển đến 11 vị trụ tọa rất nhiều kiến nghị, vốn đã không ít lần được cấp chi cục, cục hải quan địa phương trả lời mà chưa được thỏa đáng.

Đại diện cho Samsung Electronic tại Hà Nam, ông Phí Văn Cương cho biết, doanh nghiệp này nhập công nghệ từ nước ngoài, nhưng riêng một số chi tiết máy đi kèm như bulông, dây điện… vẫn phải nộp các loại thuế nhập khẩu, giá trị gia tăng…, trong khi máy chính thì được hưởng ưu đãi thuế suất bằng 0%, gây phức tạp về thủ tục giấy tờ và khó khăn cho doanh nghiệp.

Trả lời từng vấn đề nêu, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn ghi nhận kiến nghị của doanh nghiệp và thông báo ngành tài chính sẽ phối hợp với các ngành khác để đồng bộ hơn vấn đề cải cách thủ tục đối với hoạt động xuất nhập khẩu và doanh nghiệp có hoạt động liên quan.

Rất nhiều doanh nghiệp nêu kiến nghị về những khó khăn trong hoàn thuế giá trị gia tăng chậm, hay thậm chí hoàn thuế do thay đổi chính sách của ngành hải quan, do áp dụng mức thuế khác nhau giữa các cửa khẩu… đến nay chưa được thực hiện.

Chuyện nộp thì nhanh, hoàn thì lâu, hay nộp thừa xin hoàn lại khó khăn khiến các doanh nghiệp rất bức xúc. Đại diện Tổng công ty Đầu tư Phát triển hạ tầng đô thị lên tiếng: “Doanh nghiệp nộp chậm thì phạt, ngành hài quan, thuê chậm thì không sao, thế là không công bằng”.

Khá nhiều doanh nghiệp ở xa, tận Nghệ An, Thanh Hóa, Lào Cai… cũng về dự để tìm cơ hội kể những khó khăn tại doanh nghiệp mình đến vị Thứ trưởng phụ trách Tổng cục Hải quan.

Đại diện doanh nghiệp tư nhân Hải Anh ở Lào Cai cho rằng, quy định mỗi lần mở tờ khai nhập khẩu phân bón lại phải kiểm định chất lượng một lần, trong khi một hợp đồng phải chuyển rất nhiều lần mới hết khiến doanh nghiệp phải chi phí thêm.

Điều này được Thứ trưởng Tuấn cho là do quy định về rào cản thương mại để kiểm soát nhập siêu, khiến có doanh nghiệp hưởng lợi, doanh nghiệp thiệt.

Cũng Công ty Samsung kể trên nêu, tham gia hải quan điện tử được 2 tháng, nhưng khi có quan hệ công tác với các đơn vị khác như ngân hàng, thuế, kiểm toán, hay thậm chí là hải quan cửa khẩu… thì vẫn bị buộc phải xuất trình chứng từ gốc. “Không giảm được chứng từ thủ tục, cũng không giảm được thời gian đi lại”, đại diện doanh nghiệp này bức xúc.

Vấn đề này, ngành hải quan cho rằng mới triển khai nên tính đồng bộ còn chưa cao giữa nội bộ hải quan cùng như với các ngành liên quan. Tuy nhiên, cũng có những điểm doanh nghiệp nêu được xác định phần sai thuộc cơ quan hải quan. Ví dụ, chuyện doanh nghiệp kiến nghị giải đáp nhiều lần nhưng các cục hải quan địa phương chỉ chuyển xuống chi cục, sau đó không có nơi nào trả lời là trái quy định 15 ngày của pháp luật.

Đáng chú ý hơn, theo kiến nghị của một số doanh nghiệp, trong số các văn bản trả lời của ngành hải quan, có những nội dung trả lời ở các cấp khác nhau lại trái nhau khiến doanh nghiệp rất bối rối, khó thực hiện. Đại diện Cofico thậm chí cho rằng nên có kênh tiếp nhận và trả lời ý kiến ở cấp cao để thống nhất quan điểm của ngành và dễ dàng hơn cho doanh nghiệp tuân thủ.

Tới tận cuối buổi chiều, vẫn còn 21 câu hỏi đọng lại, chưa được trả lời trực tiếp. Thứ trưởng Tuấn buộc phải xin được trả lời bằng văn bản trong 15 ngày tới, theo quy định của pháp luật.

Tổng kết lại, các vị lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và các vụ liên quan cũng thừa nhận rằng các hoạt động của ngành mình khá phức tạp do chịu sự chi phối của nhiều quy định thuộc các ngành, lĩnh vực khác, thậm chí nhiều khi bị nhầm lẫn với các lực lượng khác cùng làm việc tại cửa khẩu.

Cho nên, có những cải cách của ngành hải quan trong thời gian tới, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đề nghị các doanh nghiệp giúp sức, đứng trên góc độ của doanh nghiệp để nhìn nhận vấn đề theo đúng thực tế, cùng với ngành hải quan đơn giản hóa và cải cách thủ tục cho phù hợp và đảm bảo quyền lợi doanh nghiệp