10:46 11/09/2009

Dự luật an toàn thực phẩm: Chặt mà không chặt

Y Nhung

Đã qua 14 lần chỉnh sửa, nhưng nhiều ý kiến vẫn cho rằng dự thảo luật an toàn thực phẩm không ít quy định vừa thừa lại vừa thiếu

Đảm bảo an toàn thực phẩm với thức ăn đường phố là nội dung được đề cập nhiều tại dự thảo luật.
Đảm bảo an toàn thực phẩm với thức ăn đường phố là nội dung được đề cập nhiều tại dự thảo luật.
Đã qua 14 lần chỉnh sửa, nhưng nhiều ý kiến vẫn cho rằng dự thảo luật an toàn thực phẩm đã đưa ra không ít quy định vừa thừa lại vừa thiếu. 

Dự thảo luật an toàn thực phẩm gồm 11 chương 64 điều, do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo, sáng 10/9 đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức lấy ý kiến, tại Hà Nội. Theo dự kiến, dự thảo sẽ được trình Quốc hội xem xét và cho ý kiến vào kỳ họp thứ sáu tới đây. 

Theo dự thảo, phạm vi điều chỉnh của luật quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm, hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; quảng cáo, ghi nhãn về thực phẩm; thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu; kiểm soát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, ứng phó, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; thẩm quyền, hồ sơ, trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thực phẩm; kiểm nghiệm thực phẩm; thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm.

Theo ý kiến chung của nhiều đại biểu, dự thảo luật này có những vấn đề đã được quy định quá chi tiết, trong khi nhiều vấn đề khác vẫn còn bỏ ngỏ.

Thạc sỹ Trần Thị Quang Hồng, Viện Khoa học pháp lý cho rằng: Quy định tại Mục 5, Chương III về các điều kiện đảm bảo an toàn đối với thức ăn đường phố như: Phải xa cống rãnh, bãi rác và các nguồn gây ô nhiễm; dụng cụ chứa đựng thực phẩm phải được rửa sạch, khử trùng trước khi sử dụng; có phương tiện che nắng, che mưa, bụi bẩn và côn trùng… là không cần thiết.

Bà Hồng phân tích: Thức ăn đường phố là một vấn đề xã hội. Ở góc độ pháp lý việc kinh doanh thức ăn đường phố hay thức ăn trong các nhà hàng khách sạn đều là kinh doanh thực phẩm chế biến sẵn. Việc kinh doanh này đều phải tuân theo các điều kiện tối thiểu để đảm bảo an toàn thực phẩm đối với thực phẩm chế biến sẵn.

Trên thực tế thức ăn đưòng phố cũng chỉ là một loại hình trong các khâu phân phối thực phẩm. “Nếu đã đưa thức ăn đường phố vào luật thì còn nhiều vấn đề khác cũng phải nêu như an toàn thực phẩm tại các bếp ăn công nghiệp, trường học…”, ông Trần Đáng, Nguyên cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) tán đồng với ý kiến trên.

Bên cạnh đó, chủ thể của các hành vi bị nghiêm cấm như: sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; sử dụng phương tiện bị ô nhiễm, phương tiện đã vận chuyển các chất độc hại để vận chuyển thực phẩm… lại không nêu rõ là những đối tượng nào. Điều này sẽ khiến khó áp dụng hoặc tạo ra sự tùy tiện khi triển khai trên thực tế.

Ngoài ra, trách nhiệm của những người cung cấp, chế biến thực phẩm cho người khác không vì mục đích lợi nhuận chẳng hạn như khi biết con gà bị bệnh vẫn mang cho người khác ăn sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào… chưa hề được nói tới.

Ông Nguyễn Tử Cương, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Dịch vụ thuỷ sản Việt Nam lại góp ý ở một khía cạnh khác: Việt Nam đã là thành viên của WTO, theo đó khi xây dựng luật mà luật đó có ảnh hưởng đến quan hệ thương mại quốc tế  thì phải đảm bảo được các nguyên tắc công khai, khách quan, công bằng và hài hoà.

Như vậy, các quy định được áp dụng đối với thực phẩm sản xuất trong nước cũng sẽ được áp dụng đối với thực phẩm nhập khẩu từ nước ngoài. Trong khi đó, các quy định trong dự thảo luật này lại chủ yếu hướng tới yêu cầu việc sản xuất, chế biến thực phẩm phải an toàn mà chưa quan tâm nhiều tới  làm thế nào để bảo vệ sức khoẻ cho người dân.

Ông Cương dẫn ra: để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng nhiều nước trên thế giới đã quy định khi xuất khẩu nông sản sang nước họ phải đạt các yêu cầu này, quy định kia...  Giám tiếp đã khiến các nước muốn xuất khẩu sản phẩm vào thị trường của họ phải nâng cấp nhà xưởng, bỏ chi phí để kiểm định… Như vậy, các chi phí đầu vào sẽ tăng lên làm giảm tính cạnh tranh của các sản phẩm.

Trong khi đó, các quy định đối với thực phẩm nhập khẩu trong dự thảo luật này của nước ta hết sức sơ sài (với 3 điều, chiếm 1,5 trang A4). Ông Cương nói một cách hình ảnh, chúng ta phải chải chuốt, complê, càvạt để đi vào nhà người khác còn nhà mình lại không hề có hàng rào, mọi người có thể tuỳ ý ra vào.

Ngoài các đóng góp trên, ông Trần Đáng còn có thêm gợi ý, trong luật này cũng nên có một chương để quy định về các tiêu chí đối với thực phẩm chức năng.

Hiện nước ta có 500 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng và khoảng hơn 1.500 sản phẩm đang được lưu hành. Với các tác dụng như: kéo dài tuổi thọ, chăm sóc sức khoẻ, hỗ trợ làm đẹp… ước tính khoảng 30% dân số nước ta đã và đang sử dụng những sản phẩm này.

Thực phẩm chức năng là sản phẩm đặc thù là nằm giao thoa giữa thuốc và thực phẩm. Ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Australia đều đã ban hành luật riêng đối với sản phẩm này. Ở nước ta chưa thể ra một luật riêng đối với thực phẩm chức năng thì trong luật này cũng nên có một chương để quy định về các tiêu chí đối với thực phẩm chức năng; phân loại thực phẩm chức năng; điều kiện để thực phẩm chức năng được lưu  hành, thử nghiệm thực phẩm chức năng trên người… để có cơ sở pháp lý cho việc quản lý.