18:49 16/01/2010

Dùng dằng... cột điện

Mạnh Chung

EVN không chịu “hạ giá", VNPT không chấp nhận giá mới, câu chuyện dùng chung cột điện vẫn đang dùng dằng

Dây cáp điện đang là "thủ phạm" làm mất mỹ quan đô thị.
Dây cáp điện đang là "thủ phạm" làm mất mỹ quan đô thị.
EVN không chịu “hạ giá", VNPT cũng không chịu thuê cột điện để treo cáp thông tin theo biểu giá mới của EVN. Câu chuyện dùng chung cột điện giữa những tập đoàn lớn vẫn đang dùng dằng.

Hơn một năm đã trôi qua, song đàm phán về giá thuê cột điện để treo cáp thông tin giữa Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn chưa đến hồi kết.

Ngày 13/1/2010, sau khi có đề nghị của Bộ Công Thương, EVN và VNPT đã ngồi lại với nhau để thống nhất về giá thuê cột điện. Tuy nhiên, các bên vẫn giữ nguyên quan điểm của mình: EVN phải bỏ hàng trăm triệu tiền túi đi dọn dẹp, bó lại cáp treo, giữ an toàn cho người dân. VNPT vẫn cho rằng giá thuê của EVN đưa ra là quá cao và doanh nghiệp không thể chấp nhận được. Vì thế, lãnh đạo của hai tập đoàn đã chấp thuận sẽ giao cho các đơn vị chức năng tiếp tục đàm phán để thống nhất về giá.

"VNPT có thể còn phải thuê giá cao hơn"

Theo đề nghị của Bộ Công Thương, nếu EVN và VNPT không đi được thống nhất về giá thì phải báo cáo lên Bộ cơ sở và phương pháp tính giá của mình để Bộ có hướng giải quyết.

Đã ngồi lại với nhau, tại sao hai bên vẫn chưa đi đến thống nhất về giá thuê cột điện?  Trả lời câu hỏi này của VnEconomy, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN cho biết, VNPT vẫn đề nghị được giảm xuống còn 50% ở khu vực nông thôn và 70% ở 5 thành phố lớn, nhưng EVN “không thể bỏ tiền túi đi làm không công để đi dọn cáp cho các doanh nghiệp được”.

Vẫn như trước đây, với EVN, cơ sở để khẳng định biểu giá mới của mình là khách quan, hợp lý, là EVN không tăng giá cột trong 6 năm qua, dù chi phí đầu tư cho cột điện lại liên tục tăng, cột điện loại rẻ nhất cũng khoảng 4,5 triệu đồng. Đấy chưa kể trong suốt năm 2009, EVN đã phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để đi bó lại cáp thông tin cho các doanh nghiệp có cáp treo, chi phí trung bình là hơn 100 triệu đồng cho 1 km.

Trong khi đó, VNPT lập luận: tổng chi phí đầu tư cho một cột điện của EVN chỉ khoảng 3,6 triệu đồng, gồm chi phí cho cả vật liệu, nhân công, lắp đặt hệ thống tiếp đất và chống sét, cát vàng, đá dăm… và chi phí tối đa VNPT và các doanh nghiệp viễn thông phải trả cho EVN chỉ khoảng 15.000 đồng một tháng để thuê cột. Nhưng việc biểu giá mới của EVN, theo VNPT, cao hơn từ 4 - 8 lần là không thể chấp nhận được.

Ông Đinh Quang Tri cho biết, hiện tại EVN đang xây dựng phương pháp tính giá thuê theo sợi/cột chứ không phải thuê theo cột và dự kiến đầu tháng Hai sẽ chính thức thông báo và áp dụng cho các doanh nghiệp có cáp treo thông tin.

Tuy chưa tiết lộ mức giá thuê theo sợi là bao nhiêu, nhưng theo ông Tri, với phương thức tính giá thuê theo sợi/cột, những doanh nghiệp thông tin nào có ít cáp treo thì sẽ rẻ hơn, còn với những doanh nghiệp có nhiều cáp treo như VNPT, giá thuê cột điện còn có thể cao hơn mức biểu giá mới mà EVN đã đưa ra.

Doanh nghiệp viễn thông bắt đầu dựng cột

Theo EVN, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã chịu mức giá thuê mới, tuy nhiên mới đây tập đoàn này đã họp bàn kế hoạch với VNPT chung nhau dựng cột.

Cụ thể, hai bên dự tính sẽ bỏ ra khoảng 4.000 – 5.000 tỷ đồng cho khoảng trên 2 triệu cột điện để treo cáp thông tin. Trong đó, VNPT cũng đã yêu cầu các cơ sở của VNPT ở các tỉnh thành, cùng với các chi nhánh của đối tác Viettel xác định số lượng cột cần xây dựng để đáp ứng nhu cầu mở rộng mạng lưới, phương án hợp tác, chia sẻ hạ tầng.

Nếu “đường ai nấy đi” như tính toán này thì EVN sẽ bị mất một khoản thu hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng từ việc cho thuê cột điện. Nhưng đại diện EVN vẫn “động viên” các doanh nghiệp viễn thông cứ nên dựng cột riêng, để không làm ảnh hưởng an toàn đến ngành điện và cho người dân.

Trên thực tế thì chưa kịp đợi đến ngày đàm phán giá hôm 13/1, dọc một số tuyến đường ngoại thành của các thành phố lớn đã xuất hiện cột điện của Viettel và VNPT. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel cho biết, hiện Viettel đã đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng để xây dựng 250 nghìn cột để treo cáp.

Theo ông Hùng, so với giá thuê cột của EVN thì chi phí tự dựng cột của Viettel thấp hơn 4 -5 lần, chưa kể doanh nghiệp hoàn toàn có thể thu lại được một phần vốn  nhờ cho các doanh nghiệp khác không có cột treo cáp thuê lại với giá thấp hơn của EVN.

Vì với mức giá thuê theo biểu giá mới mà EVN đưa ra, nhiều doanh nghiệp viễn thông đã “than thở” với các cơ quan chức năng chi phí thuê cột điện năm 2009 đã tăng gấp 4 lần so với 2008. Giá thuê cột điện tăng cao dẫn đến đã làm tăng đột biến về chi phí, ảnh hưởng đến chi tiêu tài chính của doanh nghiệp.

Nhưng cái khó ở đây, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, khi doanh nghiệp dựng cột riêng của mình, dù “tiền không là vấn đề” nhưng sẽ gặp phải nhiều khó khăn về thủ tục cấp phép, nhất là ở các trung tâm đô thị. “ Giá thuê cột điện của EVN rõ ràng là giá độc quyền, vì vậy các bộ chủ quản cần nhanh chóng có phương án đứng ra giải quyết giúp doanh nghiệp”, ông Hùng kiến nghị.

Còn nếu như các doanh nghiệp - cụ thể ở đây là hai tập đoàn viễn thông lớn nhất nước - đều cùng nhau dựng cột, thì sự thiếu mỹ quan của bộ mặt đô thị sẽ càng thêm trầm trọng.