10:05 08/09/2010

EVN lo chính sách giá điện bị lợi dụng

Từ Nguyên

Tập đoàn Điện lực Việt Nam "kêu” việc các dự án thép của nhà đầu tư ngoại và dự án ngoài quy hoạch tiêu tốn quá nhiều điện

EVN  cho rằng, tình trạng thiếu hụt nguồn điện trong thời gian qua có liên quan đến việc quá nhiều dự án thép nằm ngoài quy hoạch.
EVN cho rằng, tình trạng thiếu hụt nguồn điện trong thời gian qua có liên quan đến việc quá nhiều dự án thép nằm ngoài quy hoạch.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa “kêu” với Chính phủ về việc các dự án thép của nhà đầu tư ngoại và dự án ngoài quy hoạch tiêu tốn quá nhiều điện.
 
Công văn do Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh ký gửi Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải và một số bộ, ngành liên quan mới đây đã nêu thực tế hiện có quá nhiều nhà đầu tư dự án sản xuất thép trên phạm vi cả nước đã phá vỡ quy hoạch ngành thép, gây khó khăn cho việc đầu tư hệ thống điện và ảnh hưởng tới việc cung cấp điện.
 
Công văn của EVN nêu rõ, đến cuối tháng 8/2009 cả nước có 65 dự án sản xuất gang, thép có công suất từ 100.000 tấn/năm trở lên (chưa kể một số nhà máy thép do Tổng công ty Thép Việt Nam quản lý).
 
Trong đó, chỉ có 17 dự án trong quy hoạch, 16 dự án được bổ sung quy hoạch, còn 32 dự án được các địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng chưa có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ hoặc thỏa thuận của Bộ Công Thương.
 
Điều đáng nói là mặc dù mới sử dụng chưa tới 50% công suất song theo ước tính của ngành điện, hàng năm các nhà máy thép đã tiêu thụ tới khoảng 3,5 tỷ kWh, làm phá vỡ quy hoạch về điện do phải liên tục điều chỉnh, bổ sung, đồng thời làm cho lưới điện hiện hữu bị phá nát, manh mún.
 
Điển hình như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ năm 2006 đến nay đã qua 7 lần điều chỉnh, bổ sung quy hoạch điện. Trong khi đó, hệ thống điện quốc gia chưa có dự phòng công suất, làm tăng khối lượng đầu tư xây dựng của ngành điện, ảnh hưởng lớn tới việc cung cấp điện cho các ngành khác và sinh hoạt của nhân dân.
 
Về giá bán điện, hiện nay EVN đang bán cho các nhà máy thép bình quân là 909,28 đồng/kWh (tương đương 4,78 USD cent/kWh), trong khi đó giá bán điện bình quân cho công nghiệp (trong đó có thép) tại các nước trong khu vực rất cao như Thái Lan là 8,12 cent/kWh, cao hơn 3,34 cent/kWh (169,9%), Singapore là 14,1 cent/kWh, cao hơn 9,32 cent/kWh (294,4%), Indonesia là 6,7 cent/kWh, cao hơn 1,92 cent/kWh (140%).
 
“Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài muốn tranh thủ giá điện rẻ để đầu tư ồ ạt vào Việt nam và xuất khẩu thép sang nước khác”, công văn của EVN khẳng định.

EVN đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc quy hoạch phát triển ngành thép Việt Nam.
 
Cụ thể, đối với các dự án sản xuất thép có nhu cầu công suất điện lớn (từ 100MVA trở lên) đề nghị giao cho chủ đầu tư xây dựng nguồn điện để sử dụng, phần dư công suất điện sẽ bán lại cho hệ thống điện quốc gia.
 
EVN cho rằng, hiện hệ số sử dụng công suất của các nhà máy thép mới chỉ đạt khoảng 50% công suất thiết kế, do đó, việc phát triển thêm các dự án mới cần phải được cân nhắc kỹ.
 
Đồng thời, EVN cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hàng giá điện theo công suất đăng ký, để các nhà đầu tư đăng ký đúng nhu cầu điện, tránh lãng phí trong việc đầu tư công trình điện.
 
Thừa nhận thực tế trên, trao đổi với báo chí chiều 7/9, Chủ tịch hiệp hội Thép Việt Nam Nguyễn Chí Cường cho rằng, không ít doanh nghiệp thép hiện nay đang sử dụng công nghệ không đạt chuẩn. Điều này không những khiến giá thành sản phẩm bị đội lên, ảnh hưởng tới môi trường mà còn gây tốn rất nhiều điện năng.
 
Cũng theo ông Cường, hiện có nhiều trường hợp công nghệ của Trung Quốc đã thải loại nhưng lại được một số doanh nghiệp Việt Nam ở các địa phương nhập về.

Ngoài ra, việc sử dụng các lò luyện thép công suất nhỏ như lò điện công suất 20 - 30 tấn/mẻ  hay loại lò cao công suất 200 - 300 m3 đã làm tiêu tốn điện năng nhiều hơn, nhiên liệu sử dụng nhiều hơn so với lò tiêu chuẩn, làm tăng giá thành sản phẩm.
 
Ngay sau khi nhận được công văn của EVN, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã khẳng định, trong thời gian tới Bộ sẽ không cấp phép cho các dự án nhà máy thép ngoài quy hoạch và sử dụng công nghệ lạc hậu.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, thời gian qua, một số địa phương đã cấp phép các dự án nhà máy thép ngoài quy hoạch, sử dụng công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, quy mô nhỏ, tiêu hao năng lượng lớn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho phụ tải điện năng tăng đột biến trong thời gian qua.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho biết, theo Quy hoạch phát triển ngành Thép Việt Nam giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến 2025 đã được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2020 Việt Nam sẽ sản xuất 15 - 18 triệu tấn thép, trong đó  có 8 - 10 triệu tấn thép dẹt, 7 - 8 triệu tấn thép dài để tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, kết quả rà soát của Bộ Công Thương trong năm 2009 cho thấy, đã xuất hiện hàng chục dự án nằm ngoài quy hoạch, trong đó 24 dự án do địa phương cấp phép đầu tư vượt thẩm quyền. Với việc cấp phép tràn lan, tổng công suất thiết kế của các dự án ngoài quy hoạch đã lên tới 60 triệu tấn/ năm.