16:24 02/11/2010

Giá trị tài sản của Vinashin được yêu cầu đánh giá lại

Nguyên Vũ

Những quan điểm về Vinashin vẫn tiếp tục làm nóng nghị trường tại phiên thảo luận về kinh tế, xã hội

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh phát biểu trước Quốc hội, sáng 2/11 - Ảnh: CTV.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh phát biểu trước Quốc hội, sáng 2/11 - Ảnh: CTV.
Sau những ý kiến nhiều chiều của cả đại biểu và một số thành viên Chính phủ về Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), sáng 2/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã đăng đàn trước Quốc hội, để “báo cáo một số nội dung liên quan đến giám sát tập đoàn này”.

Đã kiểm tra nhiều lần

Viện dẫn các điều luật, quy định liên quan về việc tách rõ chức năng của cơ quan đại diện quyền chủ sở hữu Nhà nước với chức năng điều hành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kiên quyết chấm dứt tình trạng cơ quan hành chính Nhà nước can thiệp trực tiếp cụ thể vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Bộ trưởng Ninh cho biết: Vinashin hoạt động theo mô hình tập đoàn từ giữa năm 2006, đến đầu năm 2007 Bộ Tài chính đã tổ chức một cuộc thanh tra và mỗi một năm tiếp theo từ đó đến nay thì có 4 cuộc kiểm tra vào tháng 6/2007, tháng 4/2008, tháng 4/2009 và tháng 4/2010 có kiểm tra về quản lý vốn và tài sản.

Theo Bộ trưởng, qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện Vinashin thành lập thêm quá nhiều "công ty con, công ty cháu", đầu tư dự án dàn trải, cân đối nguồn vốn không hợp lý và chủ yếu dựa vào vốn vay.

“Vay lớn, nợ trên vốn chủ sở hữu là 13,7 lần. Mua sắm tài sản không đúng quy định, ví dụ như mua tàu. Việc phân bổ nguồn vốn dàn trải cho quá nhiều đơn vị. Hệ số khả năng thanh toán rất thấp”, Bộ trưởng Ninh nói.

Cũng theo Bộ trưởng, từ kiến nghị của Bộ Tài chính và các bộ ngành, ngay từ năm 2008, Chính phủ đã yêu cầu rà soát các hạng mục đầu tư, rà soát lại và tập trung vào các ngành, lĩnh vực kinh doanh chính; kiểm tra việc sử dụng vốn, trái phiếu quốc tế cho Vinashin vay lại, nhất là việc danh mục các dự án sử dụng vốn trái phiếu quốc tế năm 2005, sắp xếp cắt giảm các dự án chưa thực sự cần thiết, chưa sát với mục tiêu, tập trung hơn nữa cho các dự án hiện đại hóa, và nâng cấp đóng mới tàu biển; yêu cầu Hội đồng Quản trị phải tập trung rà soát và đầu tư vào các dự án trọng điểm có chiến lược phát triển và đóng tàu phục vụ dầu khí, đánh bắt xa bờ, tàu sông…; yêu cầu tập đoàn rà soát điều chỉnh chiến lược dài hạn, cắt giảm các dự án đầu tư.

Bộ trưởng cho biết cụ thể, thực hiện tái cơ cấu, Vinashin đã cắt giảm số dự án đầu tư từ 104 xuống còn 40 dự án. Sau đó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát cắt giảm xuống 28 dự án, đến nay cắt giảm xuống 13 dự án và đàm phán với các chủ nợ để cơ cấu lại nợ, cân đối lại dòng tiền.

“Qua tình hình triển khai như vậy bài học rút ra, chúng tôi thấy rằng chủ trương tách bạch chức năng quản lý Nhà nước và chức năng kinh doanh của doanh nghiệp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp là đúng đắn và nhất quán, không can thiệp vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là một chủ trương của Đảng và Nhà nước đã được khẳng định trong thiết chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên cũng cần phải rút ra và nghiên cứu tiếp là khi phân cấp, phân công và giao quyền thì phải phù hợp với năng lực, trình độ quản lý của cán bộ doanh nghiệp, đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp. Đại diện các chủ sở hữu cần phải làm rõ khi có vấn đề phát hiện ra và trong thực tế cũng có những vấn đề khi phát hiện ra thì chỉ có thông qua kiểm tra, thanh tra và thông qua kiểm tra, thanh tra thì thường phát hiện ra sau”, Bộ trưởng nói.

Từ những phân tích nói trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện các hành lang pháp lý và phân định rõ hơn chức năng và trách nhiệm của từng cấp trong việc quản lý doanh nghiệp. Phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và phải có một chế tài đồng bộ, đủ mạnh để bắt buộc các doanh nghiệp phải chấp hành và thực hiện nghiêm các kiến nghị của cơ quan thanh tra và kiểm tra.

Liên quan đến các ý kiến đã phát biểu trước đó về Vinashin, Bộ trưởng Ninh nói: “Có ý kiến cho rằng hiện nay Vinashin vay nợ tới 86 nghìn tỷ và toàn bộ nguồn vốn này đã mất. Theo số liệu chúng tôi nắm được của Hội đồng Quản trị Vinashin báo cáo Ban chỉ đạo tái cơ cấu, thì đến thời điểm 30/6 /2010 số nợ của Vinashin là 86.031 tỷ, nhưng mà tài sản trên sổ sách hiện nay của Vinashin 103.774 tỷ, như vậy tiền vay này nó đang nằm trong các tài sản, các dự án, cũng có thể có dự án thì hiệu quả và có dự án chưa hiệu quả. Hiện nay Chính phủ đang yêu cầu các cơ quan kiểm toán đánh giá lại các giá trị của tài sản này”.

Cần nhìn Vinashin “trong tổng thể”

Tiếp tục đề cập đến Vinashin, đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng “cần phải đặt vấn đề Vinashin trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ năm 2003 đến nay”.

Theo phân tích của đại biểu Kiên, Vinashin là một trong 8 tập đoàn kinh tế có vốn của Nhà nước, và trong quá trình hoạt động thì có sai phạm, có khuyết điểm. Nhưng nhìn lại các tập đoàn kinh tế khác như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam... thì nay, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã có dòng dầu đầu tiên trong liên doanh ở Liên bang Nga. Vietnam Airlines từ một hãng chỉ có 6 máy bay TU-134 thì đến thời điểm này có gần 70 tàu bay của Airbus, ATR-72 và Boeing…

“Như vậy, chúng ta không thể nói được đây là cái sai của hệ thống, vấn đề ở đây là công tác cán bộ. Đối với Vinashin thì việc để quá lâu một cá nhân vừa là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, vừa là Tổng giám đốc, vừa là Bí thư Đảng ủy của tập đoàn thì đấy cũng là một trong những điều kiện tạo cho sai sót của Vinashin nặng nề hơn”, ông Kiên phân tích.

Đại biểu Kiên cũng đề nghị Chính phủ nên có một báo cáo phân tích rõ các vấn đề xảy ra ở Vinashin. Theo các báo cáo hiện nay, tổng tài sản có của Vinashin là khoảng 103.000 tỷ, tổng tài sản nợ ghi trên sổ sách kế toán là khoảng 86.000 tỷ. “Như vậy nếu đứng về mặt kinh tế cân đối của Vinashin là vẫn còn, vốn của chủ sở hữu vẫn còn. Vấn đề ở đây là hiệu quả vốn đầu tư của vốn vay đối với Vinashin như thế nào, chứ không phải Vinashin đã phá sản”, ông Kiên nói.

Cũng theo quan điểm của đại biểu Kiên thì Chính phủ đã xử lý sự việc Vinashin với các biện pháp “hết sức quyết liệt”. Như hạn chế ngành nghề kinh doanh, hoặc chia nhỏ doanh nghiệp để phù hợp với khả năng quản lý điều hành đối với đội ngũ cán bộ, thực hiện kiểm toán để xử lý nợ xấu… Bên cạnh đó, đối với cán bộ quản lý điều hành doanh nghiệp qua kiểm tra khi phát hiện những dấu hiệu sai phạm thì xử lý về mặt hình sự.

Cuối cùng, đại biểu Kiên “tha thiết đề nghị trong nhiệm kỳ tới, Chính phủ nên thành lập một cơ quan chuyên quản về quản lý phần vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, điều đó sẽ được thể hiện như nghị quyết giám sát tối cao tại kỳ họp thứ sáu của Quốc hội về việc xây dựng luật, về quản lý vốn và tài sản nhà nước”.