10:14 18/06/2007

Hai khâu yếu của doanh nghiệp Việt Nam

Trang Linh

Công tác khảo sát thị trường và đổi mới công nghệ yếu kém đang đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam thời hội nhập

Không ít doanh nghiệp Việt Nam đang sử dụng công nghệ của những năm 1950-1960.
Không ít doanh nghiệp Việt Nam đang sử dụng công nghệ của những năm 1950-1960.
Khi Việt Nam hội nhập kinh tế sâu hơn, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội mở rộng xuất khẩu cũng như tiếp cận với những thành quả của công nghệ và kinh nghiệm quản lý hiện đại của thế giới.

Nhưng thực tế hiện nay, tình trạng doanh nghiệp làm ăn “xổi”, “chụp giật” thiếu chiến lược phát triển đang đặt ra không ít thách thức.

Theo TS. Lê Xuân Bá, Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, mặc dù số lượng doanh nghiệp Việt Nam tăng nhanh trong thời gian qua nhưng khả năng mở rộng thị phần của doanh nghiệp lại không lớn. Để mở rộng thị trường xuất khẩu, vấn đề nghiên cứu thị trường và xác định thị trường mục tiêu là rất quan trọng.

Tuy vậy, công tác này vẫn còn nhiều hạn chế. Đa số các doanh nghiệp dựa trên cơ sở thông tin thu thập được rồi tiến hành phân tích bằng cảm tính và đưa ra dự báo, dẫn đến tình trạng đa số các doanh nghiệp kinh doanh còn thụ động.

Chỉ có 10% doanh nghiệp thường xuyên khảo sát thị trường

Điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đối với doanh nghiệp quy mô lớn cho thấy, chỉ chưa đầy 10% số doanh nghiệp thực hiện thường xuyên công tác khảo sát thị trường nước ngoài, 42% doanh nghiệp mới thỉnh thoảng khảo sát thị trường nước ngoài và khoảng 20% chưa bao giờ khảo sát thị trường ngoài nước. Các doanh nghiệp nhỏ và các doanh nghiệp tư nhân thì hầu như không khảo sát và tham quan thị trường nước ngoài.

So với nhiều công cụ cạnh tranh khác, hệ thống kênh phân phối của hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Có rất ít doanh nghiệp xây dựng được chương trình xúc tiến hỗ hợp để giới thiệu sản phẩm cho khách hàng. Chi phí dành cho quảng cáo còn quá thấp, chỉ chiếm dưới 1% tổng doanh thu. Hình thức quảng cáo của các doanh nghiệp còn đơn điệu, không mang dấu ấn của cách quảng cáo cho thị trường hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Mặc dù giá lao động thấp được coi là lợi thế so sánh của Việt Nam, tuy nhiên, chất lượng và năng suất lao động còn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Nguồn nhân lực chất lượng cao đang thiếu trầm trọng. Ví dụ như trong ngành công nghệ thông tin, hiện có tới hơn 60% doanh nghiệp phần mềm trong nước thiếu nhân lực trình độ cao. Đáng lưu ý, phần lớn người lao động của Việt Nam được đào tạo tay nghề tại các doanh nghiệp chứ không phải qua hệ thống trường dạy nghề tập trung. Điều này dẫn đến chi phí đào tạo cho lao động cao, nhưng trình độ tay nghề lại thấp.

Công nghệ sản xuất lạc hậu từ 2-3 thế hệ

Năng suất của doanh nghiệp Việt Nam thấp một phần do năng lực công nghệ còn yếu. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch Đầu tư, hầu hết các doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2-3 thế hệ. Có đến 76% máy móc, thiết bị và dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam là công nghệ thuộc thế hệ những năm 1950-1960; 75% số thiết bị đã hết khấu hao và 50% là được tân trang lại. Tính chung cho các doanh nghiệp, tỷ trọng thiết bị hiện đại chỉ có khoảng 10%, lạc hậu chiếm trung bình 38% và rất lạc hậu tới 52%.

Hơn nữa, việc đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam chưa được coi trọng đúng mức. Theo Bộ Khoa học Công nghệ, tốc độ đổi mới công nghệ ước tính bình quân khoảng 10%/năm. Các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ đầu tư khoảng 0,2%-0,3% doanh thu cho việc đầu tư đổi mới công nghệ, thấp hơn nhiều so với mức 10% ở Hàn Quốc hay 5% ở Ấn Độ.

Nhìn chung, khả năng thích ứng, đổi mới của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp vẫn chỉ “dám” đầu tư vào các lĩnh vực an toàn, đã có sẵn thị trường, thích đi theo lối mòn và hành động theo thói quen, thường chọn phương án “ăn theo” để khỏi sai. Trong những năm tới, khi quá trình hội nhập càng ngày càng sâu rộng hơn, Nhà nước sẽ không thể can thiệp sâu để hỗ trợ cho doanh nghiệp như trước đây nữa, thì việc doanh nghiệp phải tự trang bị cho mình sức mạnh để có thể cạnh tranh là công việc của bản thân doanh nghiệp.

Theo TS. Lê Xuân Bá, các doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động trong tất cả các mặt, bao gồm hiệu quả kỹ thuật, phân bổ nguồn lực và sản phẩm, hiệu quả về quy mô. Bên cạnh đó, năng lực tiếp cận thị trường, xây dựng hình ảnh và thương hiệu cũng cần được nâng cao. Các doanh nghiệp cần dành nhiều nguồn lực hơn nữa cho việc quảng bá cho sản phẩm, quảng cáo về doanh nghiệp, xây dựng lòng tin ở bạn hàng và người tiêu dùng trong và ngoài nước về sản phẩm và về doanh nghiệp. Có chiến lược nâng cao chất lượng sản phẩm, bao gồm cả giá trị sử dụng và giá trị cảm quan.

Đồng thời, doanh nghiệp cần thiết lập hoặc tham gia vào hệ thống kênh phân phối sản phẩm phù hợp. Các doanh nghiệp cũng cần tăng đầu tư cho công tác nghiên cứu và triển khai, công tác đổi mới công nghệ. Công việc này đòi hỏi phải gắn liền với công tác đào tạo, nâng cao chất lượng lao động, đảm bảo người lao động sử dụng thành thạo công nghệ, máy móc thiết bị mới.

TS. Lê Xuân Bá cho rằng những phương hướng nêu trên nếu được thực hiện tốt sẽ phần nào giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể tự đưa mình lên những thang cao hơn trong chuỗi giá trị của thị trường trong nước và thế giới.