18:15 19/08/2013

Hoàng Anh Gia Lai “rứt ruột” để tái cấu trúc

Tú Uyên

Tái cấu trúc sẽ giảm nợ của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai xuống 10.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu trên 13.000 tỷ đồng

Mục đích tái cấu trúc của Hoàng Anh Gia Lai lần này là nhằm cô đọng lại, tập trung 
vốn và nhân lực cho lĩnh vực cần thiết nhất.<br>
Mục đích tái cấu trúc của Hoàng Anh Gia Lai lần này là nhằm cô đọng lại, tập trung vốn và nhân lực cho lĩnh vực cần thiết nhất.<br>
Tại buổi tiếp xúc các nhà đầu tư chiều ngày 19/8/2013 tại Tp.HCM, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG - HOSE) đã công bố kế hoạch tái cấu trúc và chiến lược kinh doanh của tập đoàn từ nay đến 2015.

Cụ thể, hướng phát triển của Hoàng Anh Gia Lai từ nay đến năm 2015 là phát triển dựa vào hai mảng chính là nông nghiệp (cao su, mía đường, dầu cọ) và bất động sản. Những lĩnh vực còn lại như thuỷ điện, khoáng sản, ngành gỗ đá sẽ được bán bớt hoặc thu hẹp; riêng dự án bất động sản tại Việt Nam, Hoàng Anh Gia Lai sẽ tách các công ty con sở hữu các dự án căn hộ ra khỏi tập đoàn, chỉ giữ lại dự án tại Myanmar và một số dự án trực thuộc Công ty Phát triển nhà Hoàng Anh.

Ông Đoàn Nguyên Đức ví von đợt tái cấu trúc lần này là "rứt những đứa con thân thiết của mình ra đi". Mục đích tái cấu trúc lần này là nhằm “cô đọng lại, tập trung vốn và nhân lực cho lĩnh vực cần thiết nhất, đồng thời giảm nợ của tập đoàn xuống 10.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu trên 13.000 tỷ đồng”.

Cụ thể, về lĩnh vực thuỷ điện, tập đoàn đã hoàn tất bán 6 dự án tại Việt Nam trong tháng 6/2013, thu được 2.099 tỷ đồng, giảm dư nợ vay là 1.876 tỷ đồng; riêng dự án Nậm Kông 2 (Lào), công suất 66MW (dự kiến hoàn thành cuối năm 2014) sẽ xem xét bán hoặc giữ lại tuỳ theo điều kiện kinh doanh. Lĩnh vực khoáng sản cũng đang đàm phán với các đối tác. Lĩnh vực bất động sản, dự kiến đến 31/12 thực hiện xong tái cấu trúc.

“Việc cái cấu trúc ngành bất động sản sẽ giúp Hoàng Anh Gia Lai giảm dư nợ vay, cải thiện các chỉ số tài chính”, ông Đức nói.

Được biết, Hoàng Anh Gia Lai vừa hoàn tất việc thu tiền bán dự án Thanh Bình với giá 158 tỷ đồng. Tập đoàn sẽ dùng khoản tiền này tiếp tục đầu tư cho dự án khu phức hợp trị giá 440 triệu USD tại Yagoon, Myanmar. Dự kiến 6 tháng cuối năm, tập đoàn tiếp tục bán các dự án bất động sản khác tại Việt Nam để thu về tiền mặt.

Theo ông Nguyễn Văn Sự, Tổng giám đốc Hoàng Anh Gia Lai, cụm công nghiệp với vốn đầu tư 100 triệu USD bên Lào đã đi vào hoạt đồng. Đồng thời, nhà máy mía đường đã ra mẻ đường trắng kết tinh đầu tiên, toàn bộ hơn 40.000 tấn đường sản xuất ra đã tiêu thụ hết. Nhờ thêm khoản doanh thu từ đường, quý 2/2013, lãi sau thuế của Hoàng Anh Gia Lai tăng trên 4 lần, đạt gần 332 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần Hoàng Anh Gia Lai đạt gần 1.414 tỷ đồng, tăng trên 20% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 455 tỷ đồng. Kế hoạch 6 tháng cuối năm của Hoàng Anh Gia Lai là đạt 600 tỷ đồng lợi nhuận, trong đó riêng lợi nhuận từ cao su chiếm 50% (300 tỷ đồng).

Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Hoàng Anh Gia Lai, tính đến 30/6/2013, tổng tài sản của tập đoàn đạt 32.980 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả là 19.367 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 12.657 tỷ đồng

Mục tiêu đến cuối năm 2013, Hoàng Anh Gia Lai giảm nợ xuống 10.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu trên 13.000 tỷ đồng.