12:01 19/05/2017

IPO Lọc hóa dầu Bình Sơn: Cơ hội cho các nhà đầu tư

Ngân Hà

Trong giai đoạn 5 năm 2016-2020, BSR đặt mục tiêu đạt sản lượng sản xuất 28 triệu tấn

Kể từ khi chính thức vận hành thương mại vào ngày 1/6/2010 đến nay, BSR đã sản xuất và tiêu thụ hơn 47 triệu tấn sản phẩm các loại, đáp ứng trên 35% nhu cầu sản lượng xăng dầu trong nước và nộp ngân sách Nhà nước 7 tỷ USD.
Kể từ khi chính thức vận hành thương mại vào ngày 1/6/2010 đến nay, BSR đã sản xuất và tiêu thụ hơn 47 triệu tấn sản phẩm các loại, đáp ứng trên 35% nhu cầu sản lượng xăng dầu trong nước và nộp ngân sách Nhà nước 7 tỷ USD.
Công ty TNHH Một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị vận hành, quản lý Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ chào bán cổ phiếu lần đầu ra thị trường  vào cuối năm 2017.

Kể từ ngày 1/1/2017, BSR đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép hoạt động theo cơ chế tự chủ (Quyết định số 1725/QĐ-TTg ngày 3/9/2016). Theo đó, Công ty được cạnh tranh sòng phẳng với hàng nhập khẩu, trên cơ sở được bán sản phẩm theo giá thị trường, nhà nước không thu điều tiết và cũng không cấp bù cho BSR như trước đây.

Vì vậy, BSR không chỉ có điều kiện tốt nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí hạ giá thành sản phẩm mà còn giúp minh bạch hóa các hoạt động, tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Cũng nhờ cơ chế tự chủ này mà sản phẩm xăng dầu Dung Quất đã có lợi thế cạnh tranh so với sản phẩm xăng dầu nhập khẩu do chi phí vận chuyển và bảo hiểm rẻ hơn. Đặc biệt, các công ty phân phối xăng dầu tại thị trường Việt Nam được dùng nội tệ thanh toán thay vì phải trả đôla Mỹ như mua hàng nhập khẩu nên không gặp phải rủi ro khi có sự biến động về tỷ giá.

Doanh nghiệp phân phối xăng dầu cũng được hưởng lợi thế trả chậm 30 ngày so với việc phải trả ngay thuế khi mua sản phẩm nhập khẩu. Ngoài ra, việc rút ngắn được thời gian giao hàng, vận chuyển hàng về kho khi mua xăng dầu Dung Quất cũng sẽ giúp doanh nghiệp phân phối hạn chế được rủi ro khi giá xăng dầu thế giới giảm.

Với nền tảng vững chắc từ hoạt động kinh doanh, vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực lọc - hóa dầu cả nước và tình hình thị trường thuận lợi để mở rộng kinh doanh, BSR hiện đang thực hiện tiến trình cổ phần hóa với mục tiêu thu xếp tài chính cho các dự án đầu tư chiến lược có hiệu quả trong tương lai, tăng tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp và tạo giá trị gia tăng cho các cổ đông.

“Chúng tôi tin rằng chiến lược mở rộng thị trường và định hướng hóa dầu của BSR trong thời gian tới sẽ đặt nền tảng cho sự phát triển bền vững của BSR trong dài hạn, đồng thời là tiền đề cho quá trình hợp tác lâu dài với các nhà đầu tư. Quá trình cổ phần hóa của BSR trong năm 2017 sẽ là cơ hội tốt cho nhà đầu tư tham gia đầu tư vốn cổ phần và phát triển dự án tại BSR để cùng phát triển thị trường lọc hóa dầu đầy tiềm năng” - Tổng giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên cho biết.

Hơn nữa, hiện dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã hoàn thành thiết kế kỹ thuật tổng thể, đang chuẩn bị lựa chọn nhà thầu EPC. Tính đến hết tháng 4/2017, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã đạt 98% và theo kế hoạch tỉnh Quảng Ngãi sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho BSR triển khai dự án vào ngày 30/6 tới đây.

Sau khi dự án hoàn thành vào cuối năm 2021, công suất lọc dầu Dung Quất sẽ tăng từ 6,5 triệu tấn dầu thô/năm hiện nay lên 8,5 triệu tấn dầu thô/năm, đáp ứng tới 60% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước. Đặc biệt, với công nghệ cho dự án có thể chế biến tới 300 loại dầu thô so với 15 loại như hiện nay. Như vậy, giá sản phẩm Dung Quất sẽ rất cạnh tranh nhờ sử dụng được rộng rãi nguồn dầu thô giá rẻ nhập khẩu.

Kể từ khi chính thức vận hành thương mại vào ngày 1/6/2010 đến nay, BSR đã sản xuất và tiêu thụ hơn 47 triệu tấn sản phẩm các loại, đáp ứng trên 35% nhu cầu sản lượng xăng dầu trong nước và nộp ngân sách Nhà nước 7 tỷ USD. Trong hai năm 2015 và 2016, tổng lợi nhuận của BSR đạt gần 500 triệu USD. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 17%.

Trong giai đoạn 5 năm 2016-2020, BSR đặt mục tiêu đạt sản lượng sản xuất 28 triệu tấn, trong đó riêng sản phẩm DO chiếm 50% sản lượng với 14,064 triệu tấn, theo sau là xăng A92/E5 hơn 6,383 triệu tấn và xăng A95 với 4,140 triệu tấn.