09:24 15/10/2009

“Không có ý định” kéo dài gói hỗ trợ lao động

Lý Hà

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nói về chính sách hỗ trợ lao động của Chính phủ

Từ đầu năm đến nay, có khoảng hơn 100.000 người mất việc làm.
Từ đầu năm đến nay, có khoảng hơn 100.000 người mất việc làm.
Kinh tế toàn cầu đã có những dấu hiệu hồi phục cộng với việc hàng loạt chính sách của Chính phủ được thực hiện kịp thời, các kịch bản về ảnh hưởng của suy thoái tới nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực việc làm, đã không như tính toán ban đầu.

Mặc dù vậy chính sách hỗ trợ lao động mất việc do suy giảm kinh tế theo QĐ 30/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vẫn còn hiệu lực đến hết năm 2009,

Ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Bộ không có ý định đề xuất kéo dài thêm gói hỗ trợ vì hiện nay tình trạng mất việc tạm thời không xảy ra nữa.

Trái với dự đoán ban đầu về ảnh hưởng của suy thoái kinh tế đến vấn đề việc làm ở Việt Nam, hiện nay nhiều doanh đang tuyển dụng lao động số lượng lớn và thậm chí không tuyển được lao động. Thống kê cụ thể của Bộ về số lượng lao động mất việc thời gian qua như thế nào, thưa ông?

Tại thời điểm tháng 12/2008, dựa vào tình hình lúc đó, chúng tôi đã dự báo trên 300.000 lao động sẽ mất việc vào cuối năm 2009 do ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Thực tế là tình trạng mất việc làm ở nước ta chỉ xảy ra nhiều nhất từ cuối năm 2008 đến hết quý 1/2009, sau đó giảm dần. Tính đến hết tháng 9/2009, số lao động mất việc là khoảng hơn 100.000 người. Con số này thấp hơn nhiều so với mức dự báo của Bộ.

Từ tháng 6/2009 đến nay, vấn đề người lao động mất việc hầu như không còn xảy ra, thay vào đó là việc thiếu lao động trầm trọng tại các tỉnh, thành phố. Đơn cử như tại Tp.HCM hiện đang thiếu trên 100.000 lao động. Đồng Nai, Bình Dương mỗi tỉnh cũng thiếu đến 40.000 lao động. Trước tình hình đó, Bộ đang có dự định sẽ họp với các tỉnh để tìm  nguyên nhân và giải pháp để giải quyết tình trạng này.

Thưa ông, như vậy là chính sách hỗ trợ người lao động mất việc làm theo Quyết định 30/2009/QĐ-TTg của Chính phủ đã có những tác động tích cực?

Quyết định 30/2009/QĐ-TTg là một phần trong chính sách kích cầu của Chính phủ, nhằm hỗ trợ kịp thời cho lao động mất việc trong năm 2009. Để triển khai thực hiện quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan soạn thảo và ban hành Thông tư liên tịch 06/2009 TTLT- BLĐTBXH-BTC ngày 27/3/2009 hướng dẫn thực hiện Quyết định này.

Bên cạnh đó, Bộ cũng tích cực chỉ đạo các sở nắm nhu cầu vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, nhu cầu học nghề và nhu cầu đi lao động ở nước ngoài của người lao động bị mất việc để ưu tiên bố trí kinh phí; hướng dẫn giới thiệu người lao động đến các địa chỉ thuận tiện nhất để tiếp cận được các chính sách; chỉ đạo các Trung tâm giới thiệu việc làm và các cơ sở dạy nghề thuộc Bộ tổ chức dạy nghề và giới thiệu việc làm cho người lao động bị mất việc, như một nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2009.

Đây là một chính sách tích cực của Chính phủ nhằm tạo điều kiện cho người lao động ổn định cuộc sống. Đối với các doanh nghiệp, chính sách này đã hỗ trợ doanh nghiệp vay trả nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội với lãi suất 0%, hỗ trợ cho lao động mất việc vay vốn từ Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm và vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội trong 12 tháng...

Hiện việc hỗ trợ cho người lao động vay trực tiếp các quỹ vẫn được tiến hành tốt nhưng cũng không nhiều lao động tiếp cận với nguồn vốn vay này. Trong khi đó, gói hỗ trợ cho doanh nghiệp vay trả nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội thì có rất ít doanh nghiệp vay, số hồ sơ trên cả nước chỉ ở con số vài chục.

Thưa ông, với lãi suất hấp dẫn như vậy tại sao các doanh nghiệp lại không “mặn mà” với khoản vay này?

Tôi cho rằng, một trong các nguyên nhân khiến doanh nghiệp không vay hỗ trợ lãi suất 0% là vì doanh nghiệp chưa khó khăn đến mức cần đến khoản vay này. Thêm nữa, do Quyết định 30/2009/QĐ-TTg chỉ cho phép các doanh nghiệp vay trả nợ lương trong năm 2009 trong khi phần lớn doanh nghiệp gặp khó khăn là từ cuối năm 2008 khi tình hình khủng hoảng tác động mạnh mẽ đến tình hình sản xuất kinh doanh. Do đó, Bộ đã có công văn đề nghị mở rộng đối tượng hỗ trợ nhưng đến nay vẫn chưa có chỉ đạo từ Chính phủ.

Hiện có một số ý kiến đang đề nghị Chính phủ triển khai gói kích cầu thứ hai, nếu ý kiến này được chấp thuận thì liệu ngành lao động có đề xuất sẽ tiếp tục kéo dài chính sách hỗ trợ số lao động đang mất việc làm như đã thực hiện từ đầu năm không? Bộ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ có đề xuất nào khác để duy trì phát triển thị trường lao động trước tình hình này?

Bộ không có ý định đề xuất kéo dài thêm gói hỗ trợ vì hiện nay tình trạng mất việc tạm thời không xảy ra nữa.

Trong phạm vi của mình, Bộ cũng đã có những ý kiến tham mưu với Chính phủ về việc nếu có triển khai gói kích cầu thứ hai thì nên tập trung vào các ngành nghề có sử dụng nhiều lao động để tạo việc làm ổn định. Đồng thời việc tăng lương tối thiểu trong các doanh nghiệp nên được xem xét và có thể thực hiện vào đầu năm 2010. Đây cũng là một hình thức nhằm hỗ trợ cho người lao động được hưởng mức lương hợp lý hơn.