15:23 22/04/2009

Khủng hoảng toàn cầu và ứng phó của Việt Nam

Vũ Khoan

Mỗi cuộc khủng hoảng đều như một bộ lọc khổng lồ, gạn đi những gì không hợp lý, chôn vùi những gì không hiệu quả

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan.
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan.
Trong nhiều tháng nay đề tài khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu đã được nói đến ở mọi nơi, mọi lúc.

Các chuyên gia kinh tế, các nhà kinh doanh, những người hoạch định chính sách và lãnh đạo quốc gia, các phương tiện thông tin đại chúng, các hội nghị khu vực và toàn cầu và cả những người dân thường đồng thanh phân tích, mổ xẻ nguyên nhân, dự báo diễn biến, tiên đoán hậu quả của nó đối với mỗi người, mỗi quốc gia và cả thế giới.

Bản thân người viết bài này cũng đã có dịp bày tỏ ý kiến trong bài “Nỗi bận tâm trong Mậu Tý” đăng trên Thời báo Kinh tế Việt Nam ngày 1-2/2/2008 và “Khủng hoảng tài chính toàn cầu và nền kinh tế nước ta” đăng trên báo Nhân Dân ngày 1/11/2008, cùng một số bài khác.

So sánh hai cuộc khủng hoảng

Cuộc đại suy thoái lớn nhất nửa đầu thế kỷ 20 (1929-1933) và cuộc khủng hoảng đầu tiên và nghiêm trọng nhất từ khi thế giới bước vào thế kỷ 21 có nhiều điều giống nhau.

Cả hai cuộc đều bùng nổ ở khâu nhạy cảm nhất là thị trường chứng khoán, tài chính tiền tệ. Cả hai cuộc đều nổ ra tại nước Mỹ - một nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Cả hai cuộc đều bắt nguồn từ những nguyên nhân na ná giống nhau. Nếu ta “cắt lớp” chúng ra thì nguyên nhân trực tiếp là những sự bất ổn trong sự vận hành của hệ thống tài chính - tiền tệ, cho vay bừa bãi; ở lớp sâu hơn là chính sách tài chính dễ dãi kéo dài đưa tới tình trạng “xài quá cái làm ra” và ở tầng sâu kín bên trong là nghịch lý của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa (hay nền kinh tế thị trường tự do?) thể hiện trong sự chiếm hữu và hoành hành của một nhúm người vì những lợi ích ích kỷ trong một nền kinh tế được xã hội hoá cao.

Diễn biến của cả hai cuộc đều theo một kịch bản đại thể như nhau: hệ thống tài chính - ngân hàng rung chuyển, gây tắc nghẽn đối với dòng vốn đầu tư, kéo theo sự suy giảm sản xuất, tiêu dùng, xuất - nhập khẩu, làm cho hàng triệu người thất nghiệp, đưa tới những xáo động chính trị - xã hội.

Phác đồ chữa trị hai cuộc khủng hoảng tương tự như nhau, trong đó có hai vị thuốc nổi trội là sự can thiệp của nhà nước và mở hầu bao kích cầu nội địa đi liền với các biện pháp bảo hộ công khai hoặc trá hình.

Cả hai cuộc đều dẫn đến những thay đổi sâu sắc trong cơ cấu kinh tế và tài chính tiền tệ. Lần trước, chế độ bản vị vàng bị thay bằng các khu vực tiền tệ và sau Thế chiến thứ hai đã hình thành hệ thống Bretton Wood. Lần này, đang xuất hiện những ý tưởng về việc nâng cao vai trò của cơ chế quyền rút vốn đặc biệt (SDR), “đồng tiền quốc tế”, dùng nội tệ của nước này hay nước khác để thanh toán xuất - nhập khẩu, thậm chí có nơi còn quay về cơ chế cổ lỗ sĩ là “hàng đổi hàng”.

Những điều nói trên nhắc nhở chúng ta nhiều điều: phải theo dõi sát sao, quản lý chặt chẽ hệ thống tài chính - ngân hàng, thị trường chứng khoán; phải ngăn ngừa những lợi ích nhóm phá hoại nền kinh tế; không xài quá cái làm ra và để nền kinh tế quá nóng; khi xuất hiện những biểu hiện bất ổn cần tính ngay tới tác động dây chuyền và xử lý đồng bộ chứ không thể xử lý từng khâu riêng lẻ; cần thường xuyên theo dõi diễn biến trong nền kinh tế thế giới, nhất là các nền kinh tế lớn, đặc biệt là kinh tế Mỹ...

Tuy khủng hoảng chu kỳ hay cơ cấu là bạn đồng hành của kinh tế thị trường; sự phát sinh, diễn biến của nó thuận theo những quy luật nhất định song mỗi cuộc lại có những nét đặc thù riêng, do vậy hai cuộc khủng hoảng lớn cách nhau gần 8 thập kỷ cũng có những nét khác biệt.

Lần này khủng hoảng tài chính, kinh tế diễn ra đồng thời với những xáo động về năng lượng, lương thực và cả khí hậu, môi trường. Do đó, giải quyết khủng hoảng ở mỗi nước và trên phạm vi toàn cầu phải tính đến đặc điểm này và mang tính tổng thể.

Khác trước, với xu thế toàn cầu hoá và công nghệ thông tin, một lượng khổng lồ các phi vụ giao dịch tài chính được thực hiện qua mạng toàn cầu với tốc độ cực nhanh, tạo nên đồng tiền ảo có giá trị gấp trăm ngàn lần giá trị đồng tiền thật và không một ai có thể kiểm soát nổi. Đã hội nhập sâu với kinh tế thế giới và sống trong thời đại thông tin, chúng ta không thể không chú trọng tới đặc điểm mới này.

Tuy khủng hoảng lần này rất trầm trọng, song chưa được gắn danh hiệu “đại khủng hoảng” vì tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay được dự báo sẽ ở mức âm một vài phần trăm, trong khi sản xuất những năm 1929-1933 sụt giảm tới 15-20%; lần này thương mại toàn cầu sụt giảm gần 10% so với trên 20% lần trước, tỷ lệ thất nghiệp dao động xung quanh 10% so với 25-30% lần trước... Tất nhiên đây mới là sự so sánh cho tới thời điểm hiện nay, kết cục cuối cùng chỉ có thể biết được sau khi kinh tế thế giới hồi phục.

Ngày nay những xáo động chính trị - xã hội chưa nghiêm trọng như lần trước, mới chỉ có vài chính phủ ở các nước nhỏ bị sụp đổ do khủng hoảng tài chính - kinh tế, chính quyền ở các nước lớn chưa bị thay đổi như những năm 30 thế kỷ trước và đặc biệt khó có khả năng nổ ra chiến tranh thế giới.
Nay cũng sẽ diễn ra quá trình cải tổ hệ thống tài chính-tiền tệ song có nhiều khả năng không đưa tới những biến động cơ bản như lần trước.

Một khác biệt lớn nữa là lần này đã xuất hiện một cơ chế xử lý khủng hoảng đại diện cho cả các nền kinh tế phát triển lẫn các nền kinh tế đang phát triển; đó là G-20. Điều đó chứng tỏ tính tuỳ thuộc lẫn nhau sâu sắc giữa các nền kinh tế trong một thế giới bị toàn cầu hoá rất cao, mọi nền kinh tế đều ở trên một con thuyền. Cho dù cơ chế này chứa đựng không ít khuyết tật, song nó là một “hiện tượng” mới của thời đại.

Những tác động lớn lao trên phạm vi toàn cầu

Cho tới nay chưa ai có thể dự báo được chuẩn xác bao giờ kinh tế thế giới sẽ phục hồi cho dù đã xuất hiện vài “tia hy vọng”.

Người ta đưa ra mấy kịch bản khác nhau (theo hình chữ V, U, L, W...). Dù có diễn ra kịch bản nào thì cuộc khủng hoảng lần này cũng đã gây ra sự tàn phá ghê gớm, đẩy hàng trăm quốc gia và hàng triệu người vào cảnh gian khó, để lại nhiều hậu quả lâu dài.

Sau cuộc khủng hoảng lần trước đã xuất hiện lý thuyết kinh tế Keynes đề cao vai trò điều tiết của nhà nước. Những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ trước đã thịnh hành trường phái “tân tự do” dựa trên 3 trụ cột: tự do hoá, tư nhân hoá và phi điều tiết hoá. Cuộc khủng hoảng lần này đã lật nhào học thuyết đó và khơi dậy lý thuyết Keynes. Không biết rồi ra có hình thành lý thuyết kinh tế nào mới không, chúng ta cần đợi thêm.

Mỗi cuộc khủng hoảng đều như một bộ lọc khổng lồ, gạn đi những gì không hợp lý, chôn vùi những gì không hiệu quả. Cuộc khủng hoảng lần này cũng không phải là ngoại lệ; rồi ra sẽ diễn ra cả một quá trình cơ cấu lại nền kinh tế toàn cầu. Đó là quá trình cơ cấu lại nền sản xuất theo hướng tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường do đi đôi với khủng hoảng kinh tế là khủng hoảng năng lượng và khủng hoảng khí hậu, môi trường.

Đó là quá trình cơ cấu lại hệ thống tài chính tiền tệ song song với quá trình cơ cấu lại cơ chế quản lý, giám sát trong từng quốc gia và trên toàn cầu. Đó là việc điều chỉnh lại mối tương quan giữa chính sách hướng mạnh ra xuất khẩu và chính sách coi trọng thị trường nội địa vì vừa qua những nước gắn quá sâu với xuất khẩu đều chịu tác động mạnh.

Trước mắt xu hướng bảo hộ gia tăng và sẽ gây ra nhiều khó khăn song nhiều khả năng không diễn ra cuộc “đại chiến” thương mại, xu thế toàn cầu hoá và vòng đàm phán Doha tuy bị chững lại song chắc rằng sẽ tiếp tục vì tính tuỳ thuộc lẫn nhau của các nền kinh tế quá lớn, không dễ gì xa rời, đối đầu nhau.

Còn một quá trình cơ cấu lại nữa sẽ diễn ra là vai trò, vị trí của các nền kinh tế thay đổi. Mặc dầu kinh tế và đồng Đô la Mỹ vẫn còn giữ vị trí hàng đầu song bị thách thức nghiêm trọng trong khi các nền kinh tế mới nổi, trong đó người ta quan tâm nhiều nhất tới kinh tế Trung Quốc, đóng vai trò ngày càng quan trọng. Ngày nay Mỹ trở thành con nợ lớn nhất và Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của nước Mỹ - một điều không ai có thể hình dung nổi vào những thập kỷ trước.

Cuộc đấu tranh để hình thành hệ thống tài chính - tiền tệ thế giới sẽ diễn ra gay gắt song trước mắt IMF vẫn được bơm thêm tiền để đóng vai trò điều tiết đi đôi với sự ra đời của cơ chế giám sát tài chính toàn cầu; đồng Đô la Mỹ vẫn đóng vai trò lớn, các ý tưởng về một đồng tiền quốc tế mới xem ra chưa thể trở thành hiện thực.

Tất cả những tác động trên đều liên quan tới nước ta; trong việc hoạch định chính sách kinh tế và cả đối ngoại không thể không tính đến chúng.

Ứng phó của Việt Nam

Là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế thế giới, vả lại ngày nay kinh tế nước ta đã hội nhập đầy đủ với nền kinh tế thế giới, chúng ta không thể không tính đến những tác động sâu xa, mạnh mẽ của cuộc khủng hoảng toàn cầu đối với Việt Nam, không thể không nghĩ tới một số vấn đề nảy sinh đối với nước ta.

Về tác động thì có lẽ nên tính tới cả những tác động ngắn hạn lẫn trung hạn và dài hạn. Về những tác động ngắn hạn đã được nói tới nhiều, thậm chí đang được xử lý, nên có lẽ không cần đề cập lại.

Ở tầm trung hạn, đã đến lúc nghĩ tới và chuẩn bị cho thời kỳ “hậu khủng hoảng”. Hiện nay chưa thể dự báo được quá trình phục hồi của kinh tế thế giới sẽ ra sao, nhanh hay chậm, mạnh hay yếu. Dù sao đi nữa thì thị trường thế giới hàng hoá và cả dịch vụ, trong đó có các dịch vụ du lịch, lao động..., sẽ sống động trở lại đi đôi với những biện pháp bảo hộ và sự cạnh tranh gay gắt hơn; nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài sẽ quay lại; giá cả hàng hoá trên thị trường thế giới, kể cả giá nhiên liệu sẽ gia tăng, có thể lạm phát sẽ diễn ra do vừa qua các nước tung ra lượng tiền cứu trợ quá lớn, thâm hụt ngân sách nghiêm trọng, lãi suất không còn thấp như hiện nay...

Trong hoàn cảnh đó sẽ nổi lên 4 yêu cầu lớn: khôi phục và mở rộng thị trường bên ngoài đi đôi với việc đề phòng các biện pháp bảo hộ mậu dịch, nhưng không lơi lỏng thị trường trong nước; tạo dựng môi trường kinh doanh thật thông thoáng để thu hút các nguồn vốn đầu tư cả trong lẫn ngoài nước; đề phòng lạm phát tái bùng nổ, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là giảm thiểu bội chi ngân sách, thu hẹp các biện pháp cứu trợ kinh tế từ ngân sách; chú trọng xử lý các vấn đề xã hội do kinh tế giảm sút gây ra, nhất là tình trạng tái nghèo.

Trong lúc bươn trải đối phó với những khó khăn trước mắt càng cần quan tâm tới các vấn đề lâu dài của nền kinh tế nước ta, chỉnh sửa những điểm yếu phát lộ rõ nét trong cơn khủng hoảng. Điều này càng trở nên bức thiết trong bối cảnh chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2001-2010 sắp kết thúc và nước ta bước vào thời kỳ chiến lược 10 năm mới nhằm một mục tiêu khác về chất; đó là biến nước ta về cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Đây là vấn đề lớn, cực kỳ quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với con đường phát triển của nước ta trong thời gian dài, cần có sự nghiên cứu thấu đáo, chưa thể lạm bàn. Tuy nhiên, đối chiếu với những gì đang diễn ra dưới tác động của cuộc khủng hoảng toàn cầu, sơ bộ có mấy vấn đề cần suy nghĩ.

Một là, sẽ diễn ra quá trình cơ cấu lại nền sản xuất thế giới theo hướng tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu; chú trọng các nguồn năng lượng tái sinh; sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy nước nào không bắt trúng mạch của xu thế phát triển đều lún sâu vào cảnh tụt hậu ngày càng xa. Vậy nước ta sẽ cơ cấu lại nền kinh tế ra sao? Chắc chắn rằng không thể tiếp tục con đường phát triển dựa vào khai thác và tiêu hao tài nguyên, phá hoại môi trường; cũng không thể tiếp tục chạy theo tốc độ, không chú trọng đúng mức tới hiệu quả và tính bền vững.

Hai là, sẽ tính toán sao đây về mối quan hệ giữa thị trường trong nước và thị trường thế giới, hay nói một cách khác, kim ngạch xuất - nhập khẩu nên chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong GDP là hợp lý? Xưa kia nhiều nước đi theo con đường thay thế nhập khẩu rồi có thời người ta đề cao tác dụng của chiến lược hướng mạnh ra xuất khẩu (và trên thực tế nó đã đem lại sự phát triển vượt bậc của hàng loạt quốc gia), vậy nay sẽ như thế nào?

Ba là, cơ cấu lại và hoàn thiện thể chế giám sát hệ thống tài chính tiền tệ, nhất là các ngân hàng này bao gồm rất nhiều ngân hàng tư nhân và cả ngân hàng nước ngoài, thị trường chứng khoán, bất động sản trở thành yêu cầu bức bách và cực kỳ quan trọng đối với sự ổn định kinh tế - xã hội.

Bốn là, trước thất bại của chủ nghĩa tân tự do, nay người ta nói nhiều tới vai trò điều tiết của nhà nước. Lâu nay, khi chuyển sang thể chế thị trường chúng ta vẫn coi trọng vai trò điều tiết của nhà nước. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc quay trở lại thể chế tập trung, quan liêu bao cấp, can thiệp vô lối vào hoạt động sản xuất kinh doanh; không đồng nghĩa với việc từ bỏ con đường cổ phần hoá, làm sống lại các doanh nghiệp quốc doanh theo kiểu cũ.

Năm là, với việc cơ cấu lại vị thế của các quốc gia trong nền kinh tế (và cả chính trị) cũng như hệ thống tài chính - tiền tệ quốc tế, chúng ta cần chủ động định vị vị thế của mình, trong một thế giới đã thay đổi ở thời kỳ “hậu khủng hoảng”.

* Tựa đề do tòa soạn đặt.