15:32 05/01/2009

Kích cầu, tập đoàn và giáo dục

Các quốc gia trên thế giới đang mạnh tay chi tiền cho cả ba đối tượng: kích cầu, giáo dục và các tập đoàn lớn

Các nước đang tập trung cho ba mặt trận chính là kích cầu, chi tiền cứu các tập đoàn lớn mà sự sụp đổ có thể tạo ra bất ổn xã hội nghiêm trọng và giáo dục để tăng tính cạnh tranh cho lực lượng lao động trong chu kỳ kinh tế khó khăn - Ảnh: Reuters.
Các nước đang tập trung cho ba mặt trận chính là kích cầu, chi tiền cứu các tập đoàn lớn mà sự sụp đổ có thể tạo ra bất ổn xã hội nghiêm trọng và giáo dục để tăng tính cạnh tranh cho lực lượng lao động trong chu kỳ kinh tế khó khăn - Ảnh: Reuters.
Các nước đang làm gì? Ngẫu nhiên, các quốc gia trên thế giới đang mạnh tay chi tiền cho cả ba đối tượng: kích cầu, giáo dục và các tập đoàn lớn.

Đầu tiên là cơ quan điều hành tiền tệ của Mỹ, FED, đã cho Ngân hàng JP Morgan vay tiền để mua lại ngân hàng đầu tư Bear Stearns khi cuộc khủng hoảng ở Mỹ bắt đầu trầm trọng vào nửa đầu năm nay.

Sau đó, thấy tình hình khó khăn hơn, Mỹ đã trực tiếp đứng ra “quốc hữu hóa một phần”, nghĩa là mua lại cổ phần của nhiều ngân hàng đang lâm vào cảnh túng quẫn đồng thời thông qua FED để bơm tiền cho nhiều tổ chức tài chính khác, bao gồm cả tập đoàn bảo hiểm khổng lồ AIG.

Mỹ cũng đang chuẩn bị một gói kích cầu mới trị giá hàng trăm tỉ USD cho nền kinh tế. Đồng thời, Bill Gates và nhiều doanh nghiệp Mỹ cũng đang chi tiền cải tổ hệ thống giáo dục nhằm tăng tính cạnh tranh cho nền giáo dục Mỹ.

Và các chính phủ châu Âu cũng mạnh tay quốc hữu hóa và hỗ trợ các tập đoàn, tiêu biểu nhất là Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Anh..., ngoài ra tiếp tục tính đến các gói kích cầu. Quay lại châu Á, trường hợp Trung Quốc cũng đáng suy ngẫm.

Với gói kích cầu dự kiến lên đến 500 tỉ USD cho nhà ở giá rẻ, giáo dục, hỗ trợ thuế và cơ sở hạ tầng (cầu, đường, sân bay, đường sắt...) thì rõ là nước này vừa đầu tư vào phúc lợi của người dân vừa tạo ra thêm “công việc” cho một số tập đoàn nhà nước (nhiều lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng ở Trung Quốc vẫn thuộc quốc doanh), lại vừa kích thích kinh tế, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế có thể giữ được việc làm và phát triển.

Nhưng họ cũng không quên đẩy mạnh giáo dục. Sẽ không ngạc nhiên với mức độ bùng nổ đại học tư ở Trung Quốc thời gian qua và việc có nhiều đại học Trung Quốc lọt vào bảng xếp hạng top 200 thế giới của Times Higher Education.

Các nước đang tập trung cho ba mặt trận chính là kích cầu, chi tiền cứu các tập đoàn lớn mà sự sụp đổ có thể tạo ra bất ổn xã hội nghiêm trọng và giáo dục để tăng tính cạnh tranh cho lực lượng lao động trong chu kỳ kinh tế khó khăn.

Và chuyện ở Việt Nam

Việt Nam ta cũng đang đưa ra dự án về gói kích cầu 6 tỉ USD và mục tiêu đến năm 2020 chúng ta có bốn trường đại học thuộc top 200 quốc tế theo mô hình đại học công lập phi lợi nhuận.

Ngoài ra, ngân sách còn phải cấp tiền cho các dự án của tập đoàn và tổng công ty nhà nước (như các nước kể trên) cùng nhiều mục tiêu khác.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận là việc đầu tư của các nước phương Tây vào tập đoàn là để làm dịu tình hình khủng hoảng tài chính của họ, để nó không lan tràn và ảnh hưởng toàn bộ nền kinh tế.

Chi tiền của Trung Quốc là thông qua phát triển cơ sở hạ tầng tạo lợi ích cho toàn bộ nền kinh tế, gồm cả kinh tế tư nhân dù không trực tiếp bỏ tiền vào dự án của tập đoàn.

Việt Nam không bị ảnh hưởng trực tiếp của khủng hoảng tài chính thì không nên dùng ngân sách kích cầu mà đổ vào dự án riêng của những tập đoàn có hiệu quả sử dụng vốn quá thấp.

Rõ ràng trong năm qua, nhiều tổng công ty và tập đoàn đã đầu tư sang những lĩnh vực không thuộc trách nhiệm chính của mình. Làm như vậy là không hoàn thành nhiệm vụ với Chính phủ và nhân dân, nhưng lại đang hưởng đặc quyền lớn là được độc quyền trong một số lĩnh vực.

Vì vậy, thiết nghĩ khi thực hiện gói kích cầu lần này cũng là lúc nên tính tới giải pháp giảm bớt độc quyền ngành ở một số lĩnh vực không đem lại hiệu quả. Khi người dân đã chấp nhận bỏ qua phúc lợi được dùng xăng giá rẻ mà chấp nhận cho Chính phủ thả nổi giá xăng và sử dụng công cụ thuế nhập khẩu xăng dầu, thì cũng đến lúc Chính phủ cần thả nổi nhiều cái khác và cho phép kinh tế phi nhà nước tham gia vào những lĩnh vực đó cũng như hoàn trả gián tiếp lợi ích của ngân sách tăng thêm nhờ thả nổi xăng dầu qua khu vực giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội.

Kinh nghiệm của ngành viễn thông đã cho thấy người dân được sử dụng dịch vụ rẻ hơn sau khi có cạnh tranh từ thành phần kinh tế khác. Nay khi ngân sách phải gánh mục tiêu quan trọng trong cải cách giáo dục (một lĩnh vực mà nhiều học giả trong và ngoài nước hình dung là cũng bị “khủng hoảng”), cần phải giảm bớt “trách nhiệm không cần thiết” của Nhà nước trong các tập đoàn và tổng công ty.

Trách nhiệm của các tổng công ty hay tập đoàn không chỉ là nộp ngân sách. Nếu vậy chỉ cần thuê một công ty nước ngoài hay công ty tư nhân đầu tư giùm Chính phủ số tiền đó chứ cần gì phải duy trì các tập đoàn. Nhiệm vụ của các tập đoàn là quản lý tài sản và tài nguyên quốc gia, tạo thuận lợi cho kinh tế phát triển chứ không phải là xao nhãng nhiệm vụ, làm cho ngành kinh doanh chính thì kém cạnh tranh với nước khác mà chỉ lo kiếm tiền nóng cho tập đoàn để báo cáo thành tích.

Thiết nghĩ trong những dự án kích cầu lần này, phải chăng ta nên theo kinh nghiệm các nước là nhắm vào cơ sở hạ tầng và những khu vực tạo ra nhiều việc làm cũng như khu vực xuất khẩu? Mà như vậy nên tạo một cơ chế cạnh tranh bình đẳng trong việc nhận các dự án này và nên cắt giảm ngân sách cho các dự án không cần thiết hay thiếu hiệu quả. Như vậy sẽ tạo được một số vốn đáng kể để đầu tư cho giáo dục.

Ngân sách có hạn, không thể ôm đồm quá nhiều mục tiêu, phải có sự sàng lọc hợp lý. Những lý lẽ này không mới, đã được nhiều học giả, nhà quản lý và nhiều vị lãnh đạo các bộ ngành của ta nói đến trước đây nhưng “còn vướng nhiều thứ”. Nay có lẽ là cơ hội để làm cho “sòng phẳng” một số vấn đề về trách nhiệm, tầm nhìn và quyền hạn của các công ty nhà nước.

Tại sao là bây giờ? Câu trả lời là vì ta đang có một tổ chức quản lý vốn nhà nước, vì ta đang cần kích cầu để chống khủng hoảng kinh tế và thay đổi bộ mặt giáo dục để tránh “khủng hoảng giáo dục”, và vì ta đã chấp nhận mở cửa thị trường tiêu dùng và thả nổi giá xăng dầu.

Vậy thì không lý gì các ngành khác lại không được “quan tâm” đến. Chẳng lẽ quyền lợi của một số nhóm lợi ích lại lớn hơn mối nguy khủng hoảng hay sao?

Trước nguy là cơ, đây là cơ hội để ta cải cách.

Hồ Quốc Tuấn - Nghiên cứu sinh tiến sĩ Đại học Manchester, Anh (Tuổi Trẻ)