18:37 09/03/2009

Kích cầu và câu chuyện đổi cũ lấy mới

Hoàng Oanh

Chính phủ Đức mới đây đã có quyết định thưởng 2.500 Euro cho những người dân bỏ đi chiếc ôtô cũ của mình

Tại một showroom xe hơi tại Berlin, Đức, ngày 27/2 vừa qua. Ngành công nghiệp ôtô của Đức đã chịu không ít khó khăn do suy thoái kinh tế toàn cầu - Ảnh: Getty Images.
Tại một showroom xe hơi tại Berlin, Đức, ngày 27/2 vừa qua. Ngành công nghiệp ôtô của Đức đã chịu không ít khó khăn do suy thoái kinh tế toàn cầu - Ảnh: Getty Images.
Tại Đức, để cứu ngành công nghiệp ôtô lâu đời đang đứng trên bờ vực phá sản đe dọa tới công ăn việc làm của hơn 700.000 lao động, chính phủ nước này đã có một quyết định táo bạo, đó là thưởng 2.500 Euro cho những người dân bỏ đi chiếc ôtô cũ của mình.

Chuyện của nước Đức

Kế hoạch kích cầu trị giá khoảng 1.5 tỷ Euro nói trên ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân và sự đồng thuận rộng rãi trong dư luận.

Tuy không phải là một gói kích cầu hoành tráng, nhưng rõ ràng đây chính là một ý tưởng đáng chú ý của Chính phủ Đức. Bởi cái mà nó đạt được không chỉ là 1.2 triệu người được hưởng lợi nếu chính sách này thành công, mà còn thể hiện ở rất nhiều mặt khác.

Về mặt kinh tế, nó đã hỗ trợ đáng kể cho một ngành công nghiệp khổng lồ có đóng góp lớn vào nền kinh tế Đức. Chính phủ Đức đã không trao tiền vào tay những hãng sản xuất ôtô để lấp vào những khoản thua lỗ của họ như cách mà người Mỹ làm, mà họ tác động vào chính yếu tố cầu - yếu tố sống còn của một doanh nghiệp, chứ không chỉ đơn thuần là một liều thuốc giảm đau tức thời.

Về mặt xã hội, việc đổi cái cũ lấy cái mới đã giúp nâng cao mức sống của người dân, khiến người dân Đức có cảm giác được hưởng những phúc lợi mà chính phủ nước họ mang lại ngay cả trong cơn khủng hoảng. Chưa kể là việc xe mới sẽ giúp nước này giảm đáng kể lượng khí thải do những chiếc xe cũ gây ra vào môi trường.

Về phía dư luận, việc trao tiền vào tay người dân chứ không phải doanh nghiệp sản xuất ôtô đã xoa dịu phần nào sự ưu tiên cho một số ngành vốn vẫn được coi là “bất bình đẳng” trong các gói kích cầu.

Có thể nói, Chính phủ Đức đã cùng người dân Đức gián tiếp cứu những thương hiệu làm nên một phần hình ảnh của nước này bằng chính sức cầu trong nước.

Chuyện của Việt Nam

Việt Nam cũng đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng toàn cầu. Những khó khăn của các hãng ôtô của Đức chắc chắn cũng là tình thế mà không ít doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt. Song, do cơ cấu kinh tế đặc thù của mỗi nước nên có thể nhận thấy là chúng ta sẽ không dễ dàng áp dụng rập khuôn những mô hình của nước ngoài.

Thế nhưng, sẽ rất sai lầm khi cho rằng kích cầu chỉ là câu chuyện của chính phủ. Việc quản lý điều tiết vĩ mô chịu tác động của rất nhiều yếu tố, nếu Chính phủ Việt Nam không thể tác động trực tiếp như nước Đức thì không có nghĩa là các doanh nghiệp chúng ta không thể tự cứu chính bằng chính mô hình đó.

Doanh nghiệp có thể không cần trao tiền vào tay người dân, mà trao chính sản phẩm của mình. Việc đổi hàng cũ lấy hàng mới này không còn xa lạ trong maketing, tuy nhiên maketing thời khủng hoảng vẫn phải có những nét riêng biệt mang tính kích cầu lâu dài.

Trước tiên, việc đổi hàng cũ lấy hàng mới không nên chỉ là một đòn "tấn công" chớp nhoáng nhằm lôi kéo người tiêu dùng. Trong khủng hoảng, doanh nghiệp phải thực hiện điều này với tôn chỉ là phục vụ người tiêu dùng khiến họ luôn có cảm giác được chăm sóc ngay cả trong điều kiện khó khăn.

Việc giảm giá hàng bán đôi khi không hiệu quả, trong lúc khó khăn người dân sẽ không bỏ tiền ra mua hàng mới dẫu rẻ, nếu đồ cũ vẫn còn có thể dùng không đến nỗi quá tệ. Nhưng, sức kích thích từ việc chỉ cần bỏ thêm một chút tiền có thể đổi lấy đồ mới vẫn rất mạnh mẽ, và nhiều người coi đó là một biện pháp tiết kiệm.

Để làm được điều này, doanh nghiệp có thể sẽ phải chấp nhận là không thể có được lợi nhuận như trước kia, nhưng nâng cao mức sống cho người dân cũng chính là góp phần đảm bảo tương lai lâu dài cho chính doanh nghiệp, và ít nhất trong ngắn hạn việc này sẽ giải quyết được phần nào vấn đề ngưng trệ sản xuất.