16:54 02/02/2012

Kiếm hàng tỷ USD nhờ bán hàng bình dân

An Huy

Trên thực tế, không ít sản phẩm có giá chỉ vài USD, nhưng lại là nguồn doanh thu nhiều tỷ USD mỗi năm cho doanh nghiệp

Tuy là những mặt hàng có giá khiêm tốn, đây đều là những sản phẩm có thương hiệu mạnh, như nước giải khát Coke, kem đánh răng Colgate hay dao cạo râu Gillette.
Tuy là những mặt hàng có giá khiêm tốn, đây đều là những sản phẩm có thương hiệu mạnh, như nước giải khát Coke, kem đánh răng Colgate hay dao cạo râu Gillette.
Trên thực tế, không ít sản phẩm có giá chỉ vài USD, nhưng lại là nguồn doanh thu nhiều tỷ USD mỗi năm cho doanh nghiệp. Trang 24/7 Wall Street đã chọn ra 10 sản phẩm hàng tiêu dùng có giá dưới 5 USD ở Mỹ đã và đang giữ vị trí xương sống đối với các công ty lớn của nước này.

Tuy là những mặt hàng có giá khiêm tốn, đây đều là những sản phẩm có thương hiệu mạnh, như nước giải khát Coke, kem đánh răng Colgate hay dao cạo râu Gillette. Để đạt tới tầm sức mạnh thương hiệu này, các sản phẩm đã tạo dấu ấn với người tiêu dùng trong suốt nhiều năm, như Colgate có từ thế kỷ 19. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải bỏ ra chi phí quảng cáo khổng lồ mỗi năm, như hãng P&G năm 2010 đã chi khoảng 9,3 tỷ USD cho quảng cáo, tương đương 11,3% tổng doanh thu.

1. Dao cạo râu Gillette

Tên công ty: Procter & Gamble
Thị phần toàn cầu: 70%
Giá trung bình của sản phẩm: 5 USD/chiếc

P&G là doanh nghiệp chi nhiều nhất cho quảng cáo trên thế giới. Mỗi năm, hãng bỏ ra xấp xỉ 10 tỷ USD cho các quảng cáo trên truyền hình, Internet và báo in. Trong số các sản phẩm thành công nhất của hãng này, phải kể tới dao cạo râu Gillette. Trên thị trường dao cạo và lưỡi cạo dành cho nam giới, thị phần toàn cầu của P&G là 70%. Doanh thu ròng từ khu vực các sản phẩm dành cho nam giới của hãng tăng 3% trong năm 2010, lên 7,6 tỷ USD. Bình quân, mỗi chiếc dao cạo Gillette có giá chừng 5 USD.

2. Coke

Tên công ty: Coca-Cola
Thị phần tại Mỹ: 17%
Giá trung bình của sản phẩm: 2,69 USD/bịch 6 lon

Coca-Cola là công ty số 1 trên thị trường đồ uống nhẹ của Mỹ, với mức thị phần 42% trong năm 2010, so với mức 30% của đối thủ ở vị trí số 2 PepsiCo. Coke là nhãn hàng quan trọng nhất của Coca-Cola, chiếm thị phần 17%. Tuy nhiên, doanh số Coke tại thị trường Mỹ đã liên tục giảm trong suốt 10 năm trở lại đây.

3. Súp Campbell

Tên công ty: Campbell Soup
Thị phần tại Mỹ: trên 60%
Giá trung bình của sản phẩm: dưới 2 USD

Một hộp súp hiệu Campbell’s có giá chưa tới 2 USD, nhưng Campbell Soup bán được gần 2 tỷ hộp súp mỗi năm ở Mỹ. Thị phần của hãng này trên thị trường súp nước ở Mỹ hiện là 60%.  Mỗi năm, có hơn 80% số hộ gia đình ở Mỹ - tức là xấp xỉ 100 triệu hộ - mua súp Campbell. Trung bình, người tiêu dùng Mỹ luôn có 6 hộp súp hiệu này tích trong nhà ở bất kỳ thời điểm này.

4. Kẹo cao su Trident

Tên công ty: Kraft Foods
Thị phần tại Mỹ: 23,8%
Giá trung bình của sản phẩm: 4 USD/hộp 3 vỉ

Hãng Kraft Fooods sở hữu nhiều thương hiệu đồ ăn nổi tiếng như bánh quy Nabisco’s Ritz hay Oreo, mì ống và bơ Kraft. Ngoài ra, hãng này còn có Trident - nhãn hàng kẹo cao su chiếm 23,8% thị trường kẹo cao su với doanh thu 2,7 tỷ USD mỗi năm ở Mỹ. Doanh thu toàn cầu của Trident là trên 1 tỷ USD mỗi năm.

5. Khoai tây chiên của McDonald’s

Tên công ty: McDonald’s
Thị phần toàn cầu: 12,7%
Giá trung bình của sản phẩm: 2 USD/suất lớn

McDonald’s là doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường đồ ăn nhanh của Mỹ, với mức thị phần 12,7%. Từ năm 2004 tới nay, McDonald’s đạt mức tăng trưởng doanh thu hàng năm 5%. Năm 2010, doanh thu của hãng vượt 24 tỷ USD. Khi được gọi riêng, mỗi suất lớn khoai tây chiên McDonald’s có giá khoảng 2 USD. Tuy nhiên, khoai tây chiên cùng với những món ăn lâu năm trên thực đơn khác của McDonald’s chiếm hơn 75% doanh thu toàn cầu của hãng.

6. Chuối

Tên công ty: Dole Food
Thị phần tại Mỹ: 34%
Giá trung bình của sản phẩm: 1 USD/pound

Hãng Dole Food chiếm thị phần áp đảo tại thị trường Mỹ đối với một số sản phẩm như rau diếp, cần tây, súp lơ và hoa quả đóng túi. Đặc biệt, công ty này chiếm tới 34% thị trường chuối của Mỹ. Năm 2010, Dole Food đã tiêu thụ được khoảng 153 triệu túi chuối tại thị trường này. Không chỉ có vậy, Dole cũng là thương hiệu chuối lớn nhất ở Nhật Bản.

7. Kem đánh răng Colgate

Tên công ty: Colgate-Palmolive
Thị phần toàn cầu: 44,7%
Giá trung bình của sản phẩm: 3,5 USD

Là sản phẩm quan trọng nhất của hãng Colgate-Palmolive, kem đánh răng Colgate đang cạnh tranh quyết liệt với đối thủ Crest của hãng P&G để giành ngôi vị kem đánh răng số 1 tại Mỹ. Trên thị trường toàn cầu, Colgate đang yên vị ở vị trí đầu bảng, với thị phần 44,7% tính đến quý 1/2011, tăng 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Mỗi tuýp kem Colgate trọng lượng 6 ounce có giá 3-4 USD tại Mỹ. Quý 4 vừa qua, Colgate-Palmolive đã tăng giá bán Colgate tại Bắc Mỹ, sau khi liên tục giảm giá sản phẩm này từ năm 2009.

8. Nước cam ép Tropicana

Tên công ty: PepsiCo
Thị phần toàn cầu: 28,2%
Giá trung bình của sản phẩm: 1 USD/hộp

Tuy không phải là hãng lớn nhất trên thị trường đồ uống nhẹ, nhưng Pepsico là nhà sản xuất thống trị thị trường nước cam ép của Mỹ với thương hiệu Tropicana, chiếm thị phần 28,2%. Nước cam và các nước ép trái cây khác hiệu Tropicana đã đem về cho Pepsi khoảng 5 tỷ USD doanh thu trong năm 2009. Tropicana hiện đang phải đối mặt với sức ép cạnh tranh lớn từ nước cam Simply của Coke.

9. Ngũ cốc Cheerios

Tên công ty: General Mills
Thị phần toàn cầu: 12,6%
Giá trung bình của sản phẩm: 5 USD/hộp

Suốt từ năm 1951 tới nay, Cheerios là thương hiệu bán chạy nhất của hãng General Mill’s. Đây cũng là loại ngũ cốc hộp phổ biến nhất ở Mỹ, chiếm thị phần 12,6% vào năm 2008. Vào năm 2011, cứ 8 hộp ngũ cốc được bán tại Mỹ thì 1 hộp là Cheerios.

10. Cà phê Starbucks

Tên công ty: Starbucks
Thị phần tại Mỹ: 32,6%
Giá trung bình của sản phẩm: dưới 3 USD

Thành lập vào năm 1971, Starbucks là chuỗi cửa hiệu cà phê lớn nhất ở Mỹ, chiếm thị phần 32,6%. Năm 2010, doanh thu toàn cầu của Starbucks là 10,3 tỷ USD - thành tích lớn đối với một công ty có giá sản phẩm dưới 3 USD/suất đồ uống. Theo số liệu của báo The Boston Globe, Starbucks bán được 8,2 triệu suất cà phê ở Mỹ mỗi ngày.