08:12 21/07/2010

Lao động di cư đối mặt nhiều rủi ro

Dũng Hiếu

Toàn cầu hiện có khoảng hơn 160 triệu lao động di cư, riêng trong khối ASEAN có khoảng 15 triệu người

Tại Việt Nam có nhiều lao động di cư từ nông thôn ra thành thị.
Tại Việt Nam có nhiều lao động di cư từ nông thôn ra thành thị.
Toàn cầu hiện có khoảng hơn 160 triệu lao động di cư, riêng trong khối ASEAN có khoảng 15 triệu người. Những lao động di cư đang phải đối mặt với nhiều rủi ro và thiếu những yếu tố bảo vệ cần thiết.

Lời cảnh báo này đã được đưa ra tại Diễn đàn Lao động di cư ASEAN lần thứ 3 được tổ chức trong hai ngày 19 và 20/7 tại Hà Nội. Theo văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khu vực châu Á - Thái Bình Dương, lao động di cư trong ASEAN chiếm 9% tổng dân số toàn cầu; 40% người di cư ASEAN di chuyển trong phạm vi ASEAN, tương đương khoảng 5,9 triệu. Trong ASEAN, luồng di chuyển tập trung vào 3 nước tiếp nhận: Malaysia, Thái Lan và Singapore.

Thiếu thông tin, nguy cơ bị bóc lột cao

Di cư lao động trong khối ASEAN sẽ tăng nhanh là điều được chuyên gia cao cấp về di cư của ILO, ông Alcestis Abrera Mangahas dự đoán. Theo chuyên gia này thì việc tăng số lượng lao động di cư trong thời gian tới sẽ kèm theo một loạt thách thức, đặc biệt đối với lao động di cư không chính thức. Đó là nguy cơ bị bóc lột cũng cao hơn (đặc biệt là các hình thức áp bức lao động, lạm dụng lao động trẻ em...) trong khi sự tiếp cận với các hình thức bồi thường lại hạn chế hơn (rất nhiều lao động di cư làm những công việc nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của luật bảo vệ lao động).

Mặt khác, “bắt thóp” của nhu cầu lao động muốn di cư, các công ty chuyển dụng (có giấy phép và không có giấy phép) “tự do” nâng mức thu phí ngày càng cao hơn. Bên cạnh đó, nhu cầu lao động di cư lớn cũng là một điều kiện tiền đề để gia tăng các nhóm tội phạm buôn lậu và buôn bán người.

Trong khi đó, lao động di cư lại rất thiếu thông tin chính thống. Ông Muhammad Chairul Hadi, đại diện Công đoàn Di cư Indonesia, cho biết ở Indonesia, lao động di cư nhận thông tin phần lớn từ người môi giới (46%), gia đình và bạn bè (48%), chính phủ (3,5%), các cơ quan (1%) phương tiện thông tin đại chúng (1%).

Rất nhiều người môi giới không cung cấp những thông tin chính xác và đầy đủ đến người lao động. Chính phủ không phổ biến thông tin tới vùng nông thôn trong khi đa phần lao động di cư đến từ nông thôn.

Cùng hành động và tăng cường thông tin

“Các quốc gia cần cùng hành động để bảo vệ quyền lợi và tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động di cư”, ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội nhấn mạnh tại Diễn đàn.

Theo đánh giá của ILO cũng như các nước có lao động di cư, những lao động di cư cũng là một hiện tượng xã hội và có những đóng góp nhất định trong việc phát triển kinh tế xã hội các nước. Dựa trên những nghiên cứu ngành, các lĩnh vực có thể xây dựng các biện pháp tận dụng tối đa những lao động di cư thông qua những đánh giá các nhu cầu sử dụng lao động của các nhà tuyển dụng.

Riêng đối với Việt Nam, theo đánh giá chung hiện nay đang có 4 dòng lao động di cư chủ yếu đó là từ nông thôn đến nông thôn, từ nông thôn ra thành thị, từ trong nước ra nước ngoài và từ nước ngoài đến Việt Nam. Những lao động này đã tạo ra một cơ cấu lao động khá đa dạng và phủ khắp mọi thành phần, lĩnh vực kinh tế. Đây cũng được xem là một động lực thúc đẩy sự phát triển của lực lượng lao động và chuyên môn hóa cao trong các khối, ngành kinh tế.

Còn theo chuyên gia ILO Alcestis Abrera Mangahas, tăng cường thông tin được xem như một giải pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ lao động di cư. Nhằm bảo vệ những lao động này, ông cho rằng, các quốc gia cần phải tăng cường xây dựng năng lực quản lý lao động di cư thông qua cơ chế chia sẻ thông tin, thông tin về những lĩnh vực trước khi những lao động đi làm việc, trong đó có những quyền và phúc lợi xã hội.

Đặc biệt, đối với những lao động đi làm việc ở nước ngoài, những lao động cần phải được tiếp cận những thông tin đầy đủ, chính xác về thị trường lao động cũng như các điều kiện hỗ trợ về mặt pháp lý như giấy phép, cơ chế bảo vệ... Riêng đối với các hiệp hội tuyển dụng lao động cần phải tiến hành các biện pháp để lồng ghép với các cơ quan nhân lực chuyên nghiệp trong nước và quốc tế. Trong đó, các hiệp hội tuyển dụng cũng cần đánh giá, xác định đúng về các hoạt động bất hợp pháp trong tuyển dụng và sử dụng lao động di cư.