10:13 22/05/2009

Lấp “khoảng trống” khi kinh tế phục hồi

Nguyễn Lê

Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội nói về cơ hội tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền trình bày báo cáo thẩm tra trước Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền trình bày báo cáo thẩm tra trước Quốc hội.
21/5, ngày đầu tiên các đại biểu Quốc hội “cân đong” các vấn đề kinh tế - xã hội, giờ nghỉ giải lao phiên họp buổi chiều, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Hà Văn Hiền đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí.

Đứng đầu cơ quan thẩm tra các báo về kinh tế - xã hội của Chính phủ được trình bày tại kỳ họp, ông Hiền đã có quá trình xem xét “mổ xẻ” rất kỹ các vấn đề trọng tâm trong điều hành nền kinh tế.

Theo ông, kết quả phát triển kinh tế - xã hội vừa qua đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ. Những giải pháp đưa ra là kip thời và cần thiết, rõ nhất là những giải pháp đó tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để duy trì tăng trưởng, nếu chỉ có giải pháp ngắn hạn thôi thì chưa đủ, phải có tầm nhìn dài hạn để chuẩn bị khi nền kinh tế phục hồi thì không có "khoảng trống" nào nữa .

Thưa ông, khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, đã có đại biểu đề nghị Quốc hội cần yêu cầu Chính phủ trình kế hoạch đối phó sau khủng hoảng, chứ không chỉ là những giải pháp ngắn hạn như hiện nay?

Hoàn toàn đúng. Nhiều ý kiến trong Ủy ban Kinh tế đều cho rằng, từ trong cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế đã  bộc lộ khá rõ nét những điểm yếu, mâu thuẫn nội tại của nền kinh tế.

Do vậy, cùng với việc thực hiện các giải pháp để ngăn chặn suy giảm kinh tế, Chính phủ cần thiết phải nghiên cứu, đánh giá toàn diện thực trạng nền kinh tế đặt trong tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế toàn cầu, chủ động xây dựng các chủ trương, biện pháp chiến lược cho nền kinh tế sau khi kinh tế thế giới ra khỏi khủng hoảng và phục hồi, kể cả vấn đề cấu trúc nền kinh tế, lựa chọn các mô hình phát triển.

Ông cho rằng đây là thời điểm thuận lợi để tái cấu trúc nền kinh tế? Được biết Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng đề án "Tái cấu trúc nền kinh tế trong điều kiện nền kinh tế thế giới suy giảm”, Ủy ban đã xem?

Đề án đó thì hiện nay chúng tôi chưa có trong tay.

Khi nền kinh tế bộc lộ rõ điểm yếu thì nêu ra vấn đề tái cấu trúc sẽ nhận được sự đồng thuận cao hơn. Giờ đặt vấn đề đưa ra những giải pháp để chống suy giảm kinh tế thì mang tính ngắn hạn nhiều. Nhưng nếu ngắn hạn không thôi thì chưa đủ, cần có những giải pháp dài hạn để chuẩn bị cho những bước tiếp theo, để khi nền kinh tế đã hồi phục thì không có khoảng trống nào nữa cả.

Còn việc tái cơ cấu nền kinh tế là gì thì có rất nhiều vấn đề phải đặt ra. Ví dụ chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu trong tổng thể nền kinh tế, chuyển đổi trong nội bộ từng ngành. Trong công nghiệp thì ngành chế biến thế nào, sản xuất hàng phụ trợ thế nào... Tất cả những cái đó phải xem xét lại.

Ngành nông nghiệp cũng thế, tỷ lệ chăn nuôi, trồng trọt thế nào phải cân đối… để chuẩn bị cho bước đi tiếp theo.

Hay trước đây mình xác định xuất khẩu nhiều là đúng nhưng giờ phải nhìn lại cả thị trường nội địa, khai thác thị trường nội địa trên cơ sở nào. Còn như vừa rồi cứ nói đưa hàng về nông thôn nhưng giờ muốn làm phải có lộ trình, phải thực hiện từng bước chứ không phải chứ đưa hàng về đấy tuyên truyền rồi người ta đến mua được.

Hiện  nhiều nước đã thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế của họ, còn ở Việt Nam hình như chỉ mới được nói đến?

Công tác điều hành của Chính phủ vừa qua cũng đã bao hàm nội dung về tái cấu trúc rồi. Trong những năm qua, chúng ta đã đầu tư với một tỷ trọng khá cao, chiếm khoảng 40%GDP. Giờ cũng đã đến lúc phải xem lại xem cơ cấu huy động vốn ở đâu, lĩnh vực nào.

Vừa rồi tập trung cho hạ tầng, lĩnh vực còn yếu thì tập trung đầu tư là đúng rồi nhưng giờ vẫn cần xem xét lại là qua một thời gian đầu tư thì cơ cấu đầu tư như thế nào cho phù hợp.

Việc sắp xếp các doanh nghiệp cũng là một nội dung tái cấu trúc nền kinh tế. Đây là cơ hội để tái cấu trúc mạnh mẽ hơn chứ không phải xưa nay mình chưa làm. Bây giờ mình đưa vấn đề tái cấu trúc thì nhận được sự đồng thuận cao hơn chứ không phải xưa nay mình chưa làm.

Nhưng thưa ông, có những việc rất cần thiết để đẩy nhanh cấu trúc lại nền kinh tế, như đầu tư nguồn nhân lực hay công nghệ. Song thực tế thời điểm này khi các nguồn tiền được huy động tương đối lớn thì những việc này vẫn chưa được chú ý nhiều. Vậy làm sao có thể đẩy mạnh tái  cấu trúc trong giai đoạn sau?

Đúng là đào tạo nguồn nhân lực đang là một trong những khâu yếu, là một trong những “điểm nghẽn” của chúng ta. Nhưng vừa rồi chúng ta đã  làm, Chính phủ có chương trình đào tạo nghề cho nông dân.Vấn đề là tổ chức thực hiện như nào cho hiệu quả là khâu quan trọng nhất.

Tóm hại, hiện nay hệ thống chính sách của mình khá nhiều và toàn diện nhưng vấn đề là tổ chức thực hiện. Vậy nên vừa rồi trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế có đề nghị Chính phủ tổng hợp lại các chương trình, gói giải pháp kích cầu trong thời gian qua để biết được tổng nguồn kinh phí cần bao nhiêu. Rồi dựa trên cơ sở đó để hàng năm bố trí cho phù hợp thì có tính khả thi hơn, nhất là trong điều kiện nền tài chính của mình còn eo hẹp, chưa được dồi dào.

Mức cung tiền ra thị trường hiện tương đối nhanh trong khi tốc độ giải ngân chưa cao. Vậy liệu việc tái lạm phát như nhiều đại biểu lo ngại theo ông có thể xảy ra hay không?


Xét về mặt hình thức, khi mà cung một lượng tiền lớn vào lưu thông như hiện nay cũng là một yếu tố có thể gây lạm phát trở lại. Vậy nên khi đưa ra mục tiêu tổng quát cho những tháng còn lại của năm 2009 chúng ta có đặt ra vấn đề lấy chống suy giảm kinh tế là mục tiêu hàng đầu. Nhưng bên cạnh đó cũng phải phòng ngừa việc lạm phát quay trở lại. Và việc chống lạm phát thì ta đã có kinh nghiệm từ 2008 rồi.