20:25 31/05/2012

Lựa chọn sống còn cho nhà sản xuất BlackBerry

An Huy

Bán lại công ty đang nổi lên là lựa chọn tốt nhất cho nhà sản xuất điện thoại thông minh BlackBerry, hãng Research in Motion (RIM)

Từ mức cao xác lập vào giữa năm 2008, giá cổ phiếu của RIM đã “bốc hơi” hơn 90%.
Từ mức cao xác lập vào giữa năm 2008, giá cổ phiếu của RIM đã “bốc hơi” hơn 90%.
Các nhà đầu tư cổ phiếu của Research in Motion (RIM) - nhà sản xuất điện thoại thông minh BlackBerrry - cho rằng, bán công ty là giải pháp tốt nhất đối với hãng. Nhận định này được đưa ra sau khi RIM liên tiếp thất bại trong nỗ lực xoay chuyển tình huống, buộc ban lãnh đạo phải cân nhắc các lựa chọn mang tính chiến lược.

Theo tin từ Bloomberg, cách đây ít ngày, RIM đã thuê JPMorgan Chase & Co. cùng RBC Capital Markets giúp tìm kiếm một đối tác hoặc cấp phép hệ điều hành. Nhưng theo ông Vic Alboini, Chủ tịch Công ty đầu tư Jaguar Financial Corp. có trụ sở ở Toronto, Canada, cân nhắc này của RIM không đủ để đảo ngược xu hướng giảm thê thảm của giá cổ phiếu và doanh số của hãng. Ông Alboini cho rằng, RIM tốt nhất nên tìm khách mua lại, chẳng hạn như “đại gia” phần mềm Microsoft hoặc hãng máy tính khổng lồ IBM.

“Chúng tôi muốn RIM được mua lại hoặc tách ra làm những phần khác nhau. Trong trường hợp tách công ty, từng phần đó có thể bán lại. Chúng tôi đang thúc đẩy RIM đưa ra lời hứa bán lại hoặc chia tách công ty”, ông Alboni nói.

“Gặp hạn” với mức thị phần ngày càng suy giảm, sự ra đi của các nhân sự chủ chốt và trì hoãn sản phẩm, RIM đã chứng kiến giá cổ phiếu sụt giảm 7,8% trong phiên giao dịch ngày 30/5, nâng tổng mức giảm trong vòng 1 năm trở lại đây lên 76%. Cách đây ít hôm, RIM tuyên bố có thể sắp thông báo quý thua lỗ hoạt động đầu tiên kể từ năm 2004. Giám đốc điều hành (CEO) Thorsten Heins của RIM thì vẫn chưa đưa ra được thời điểm cụ thể cho việc ra mắt thế hệ những chiếc BlackBerry tiếp theo với mục tiêu “tái sinh” doanh số.

Theo tuyên bố của RIM, những bước đi tiếp theo của hãng này có thể bao gồm thúc đẩy quan hệ đối tác, cấp phép phần mềm và xem xét “các lựa chọn mô hình kinh doanh chiến lược thay thế”. Ngoài ra, RIM cũng nỗ lực cắt giảm chi tiêu và nhân sự để tăng hiệu quả hoạt động. Một số nguồn tin cho biết, RIM đã quyết định cắt giảm ít nhất 1.500 nhân viên trong tổng số 16.500 nhân viên tính tới tháng 3 năm nay.

“Mô hình kinh doanh của RIM quá tệ, nhưng hãng này có tài sản và những tài sản đó cũng đáng giá đối với một ai đó”, ông David Baskin, Chủ tịch Công ty quản lý quỹ Baskin Financial Services ở Toronto, phát biểu. Dù quỹ của ông Baskin không nắm cổ phiếu RIM, ông đang cân nhắc mua cổ phiếu này vì triển vọng RIM sẽ được mua lại. “RIM sẽ không thuê các ngân hàng trừ phi họ đang cân nhắc bán công ty”, ông Baskin nhận định về động thái tìm sự hỗ trợ từ JPMorgan Chase của RIM.

CEO Heins, người tiếp quản RIM từ hai đồng CEO Jim Balsillie và Mike Lazaridis hồi tháng 1, đã không loại trừ khả năng bán công ty, mặc dù ông phát biểu hồi tháng 3 rằng, ông không đặt trọng tâm vào kịch bản này.

Trong số những khách mua tiềm năng trong trường hợp RIM rao “bán mình”, phải kể tới Microsoft - hãng công nghệ đang nắm giữ rất nhiều tiền mặt. Việc có được RIM sẽ giúp Microsoft tim được một chỗ đứng tốt hơn trên thị trường điện thoại thông minh, nơi hãng này đang cạnh tranh với Apple và Google. Microsoft hiện đã liên minh với Nokia để tung ra các thiết bị dựa trên phần mềm hệ điều hành Windows Phone.

Ngoài ra, trong danh sách khách hàng tiềm năng cho một thương vụ mua RIM còn có Nokia, hãng điện thoại lớn nhất thế giới của Phần Lan, và mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook.

Trong trường hợp RIM tách thành những phần khác nhau thì sẽ là hợp logic nhất nếu IBM  hoặc Microsoft thuâ tóm mảng dịch vụ mạng của RIM. Đây là mảng vận hành các máy chủ email được mã hóa và các chức năng khác dành cho khách hàng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các khách hàng tiềm năng có lẽ sẽ không cân nhắc một thỏa thuận với RIM trước khi hãng này giới thiệu chiếc BlackBerry 10 trong năm nay. Ngoài ra, Microsoft có thể sẽ đợi xem phần mềm Windows 8 “làm ăn” ra sao trước khi ra quyết định. Chưa kể, các hạn chế của chính phủ cũng có thể cản trở nỗ lực thâu tóm RIM của các khách hàng ngoài khu vực Bắc Mỹ.

Nhưng dù sao, giá cổ phiếu lao dốc của RIM đang khiến hãng này trở thành một mục tiêu trong tầm với. Từ mức cao xác lập vào giữa năm 2008, giá cổ phiếu của RIM đã “bốc hơi” hơn 90%.

Phần giá trị nhất của RIM hiện này, theo đánh giá của giới phân tích, là kho bằng sáng chế được định giá ở mức 2-2,5 tỷ USD. Ngoài ra, RIM còn có trong tay dự trữ tiền mặt khoảng 2 tỷ USD. Mặc dù vậy, dự trữ tiền mặt này có thể nhanh chóng tan thành mây khói nếu hãng tiếp tục thua lỗ trong thời gian tới.