10:05 30/08/2007

“Luật Bồi thường sẽ không làm công chức Nhà nước “run tay”

Công Lý

Dự kiến cuối năm 2009, Quốc hội sẽ thông qua Luật Bồi thường Nhà nước và Cục Bồi thường Nhà nước sẽ được thành lập

"Khi cá nhân bị oan sai gây thiệt hại do bất kỳ cơ quan Nhà nước nào gây ra thì chỉ cần đến trực tiếp Bộ Tư pháp hoặc Sở Tư pháp địa phương đòi bồi thường." - Ảnh: TN.
"Khi cá nhân bị oan sai gây thiệt hại do bất kỳ cơ quan Nhà nước nào gây ra thì chỉ cần đến trực tiếp Bộ Tư pháp hoặc Sở Tư pháp địa phương đòi bồi thường." - Ảnh: TN.
Dự kiến cuối năm 2009, Quốc hội sẽ thông qua Luật Bồi thường Nhà nước và Cục Bồi thường Nhà nước sẽ được thành lập.

Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự và kinh tế, Bộ Tư pháp.

Xin ông cho biết thực trạng của pháp luật về bồi thường Nhà nước hiện nay?

Những quy định về bồi thường Nhà nước của nước ta đã có từ lâu, tuy nhiên các quy định này lại nằm phân tán ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau, không có hệ thống và hiệu lực pháp lý của các văn bản điều chỉnh trực tiếp có giá trị thấp.

Bên cạnh đó, thủ tục giải quyết bồi thường chưa có quy định thống nhất và hạn chế quyền của bên bị thiệt hại. Đối với việc giải quyết bồi thường thiệt hại như Nghị định 47 quy định về việc xét giải quyết bồi thường thông qua một Hội đồng xét duyệt mà không quy định về thủ tục giải quyết tại tòa án.

Các loại thiệt hại được Nhà nước bồi thường được quy định còn chung chung, chưa cụ thể nên khó áp dụng. Các quy định trước đây chỉ quy định bồi thường thiệt hại về tinh thần, vật chất nhưng còn những thiệt hại khác như: phục hồi vị trí công tác, chế độ hưu trí đối với cá nhân thì chưa rõ.

Còn đối với cá nhân là chủ doanh nghiệp cũng chưa tính đến những thiệt hại mà doanh nghiệp phải gánh chịu trong trường hợp chủ doanh nghiệp bị bắt, tạm giam, tạm giữ hay chấp hành hình phạt tù nên đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Thêm một điểm thiếu là trách nhiệm hoàn trả của công chức gây thiệt hại khi thi hành công vụ chưa được quy định rõ ràng và chưa có tác dụng giáo dục trực tiếp. Thực tế là đến nay chưa có công chức nào phải thực hiện trách nhiệm hoàn trả mà chủ yếu là xử lý nội bộ.

Vậy theo ông trong dự thảo Luật Bồi thường Nhà nước cần đưa thêm những vấn đề gì?

Phải xác định cụ thể phạm vi áp dụng của Luật Bồi thường Nhà nước hay các lĩnh vực hoạt động mà Nhà nước phải chịu trách nhiệm bồi thường. Thực tế là các lĩnh vực hoạt động Nhà nước như lập pháp, hành pháp, tư pháp đều có những đặc thù riêng nên khả năng áp dụng chế độ bồi thường Nhà nước cũng khác nhau.

Phải nêu rõ cách xác định phạm vi các hành vi mà Nhà nước phải bồi thường, quy định các điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường mà không liệt kê cụ thể các hành vi được Nhà nước bồi thường.

Phải xác định rõ tính chất của trách nhiệm bồi thường Nhà nước là một dạng đặc biệt của chế định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Quy định cụ thể điều kiện phát sinh, nghĩa vụ chứng minh, các loại thiệt hại được bồi thường, nguyên tắc suy đoán lỗi, nguyên tắc bồi thường toàn bộ, cơ chế hòa giải trước khi khởi kiện ra tòa.

Trong dự thảo cũng sẽ có những quy định đặc thù trong lĩnh vực tố tụng hình sự theo hướng không cần tính đến yếu tố lỗi của người tiến hành tố tụng.

Về thủ tục giải quyết bồi thường, dự thảo không quy định thương lượng là một thủ tục bắt buộc như hiện nay vì sẽ không phù hợp với nguyên tắc giải quyết tranh chấp dân sự, hạn chế quyền của bên bị thiệt hại và trái với các cam kết quốc tế của Việt Nam về quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp.

Trong dự thảo cũng sẽ quy định trách nhiệm hoàn trả của công chức và người có thẩm quyền quyết định việc hoàn trả, mức hoàn trả là bao nhiêu cho tương xứng với từng trường hợp cụ thể.

Thực tế hiện nay có nhiều cá nhân bị oan sai, thiệt hại nhưng khi đòi bồi thường thì các cơ quan Nhà nước đùn đẩy trách nhiệm khiến họ phải đi lại nhiều lần mà không biết ai là người có trách nhiệm chính?

Điểm này trong dự thảo Luật Bồi thường Nhà nước đã xác định, chúng tôi đang kiến nghị xây dựng mô hình cơ quan giải quyết bồi thường theo hướng tập trung về một số đầu mối, tránh tình trạng phân tán như hiện nay.

Theo đó Bộ Tư pháp sẽ đại diện Nhà nước giải quyết bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức của các cơ quan ở Trung ương gây ra. Sở Tư pháp sẽ chịu trách nhiệm đại điện Nhà nước bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức ở các cơ quan địa phương gây ra.

Như vậy khi cá nhân bị oan sai gây thiệt hại do bất kỳ cơ quan Nhà nước nào gây ra thì chỉ cần đến trực tiếp Bộ Tư pháp hoặc Sở Tư pháp địa phương đòi bồi thường.

Chúng tôi đang xem xét trình Chính phủ thành lập Cục Bồi thường Nhà nước trực thuộc Bộ Tư pháp, đây sẽ là đầu mối duy nhất chịu trách nhiệm giải quyết công tác bồi thường Nhà nước.

Dự kiến cuối năm 2009 Luật Bồi thường Nhà nước sẽ được Quốc hội thông qua và Cục Bồi thường Nhà nước sẽ thành lập cùng với sự ra đời của luật này.

Có ý kiến cho rằng Luật Bồi thường Nhà nước ra đời sẽ làm cho các cán bộ, công chức Nhà nước “run tay” khi thi hành công vụ, như vậy hiệu quả công việc sẽ không cao. Ông có ý kiến gì về nhận xét này?

Hoàn toàn ngược lại, việc quy định trách nhiệm hoàn trả đối với công chức sẽ là yếu tố quan trọng để nâng cao trách nhiệm của đội ngũ công chức. Nói thẳng ra, những công chức nào không làm được việc, làm vì động cơ cá nhân mà gây thiệt hại cho người khác thì sẽ phải bồi hoàn lại thiệt hại đó và còn bị kỷ luật, bị buộc thôi việc, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Với những quy định như vậy người dân sẽ được phục vụ tốt hơn, trung thực hơn và bộ máy Nhà nước sẽ tinh lọc được những công chức có trình độ, năng lực thực chất. Nhất là các doanh nghiệp, đối tượng thường xuyên va chạm với những thủ tục hành chính, với công chức Nhà nước trong mọi khâu hoạt động của mình.

Nếu cơ quan Nhà nước hay một cán bộ công chức nào làm sai gây thiệt hại cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó có quyền chứng minh thiệt hại và kiện đòi bồi thường.