11:04 01/07/2009

Mua bán, sáp nhập như thế nào để chuyên nghiệp hơn?

Nguyễn Hoài

Đầu năm đến nay, hoạt động M&A ở Việt Nam diễn ra khá sôi động từ các diễn đàn đến giao dịch thực tế

Ông Ewan Patrick - Ảnh: N.Hoài.
Ông Ewan Patrick - Ảnh: N.Hoài.
Đầu năm đến nay, hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tại Việt Nam diễn ra khá sôi động từ các diễn đàn đến giao dịch thực tế, trái với xu hướng trầm lắng trên thế giới.

Tuy nhiên, hành lang pháp lý, kinh nghiệm đàm phán cũng như các rủi ro khác đang là những trở ngại lớn đối với thị trường M&A tại Việt Nam.

Đánh giá về mối liên hệ giữa suy giảm kinh tế và sự bùng nổ M&A ở Việt Nam thời gian vừa qua, ông Ewan Patrick, Giám đốc Tư vấn tài chính Deloitte Việt Nam, nói:

- Gần 6 tháng qua, các thương vụ M&A tại Việt Nam trở nên nhộn nhịp hơn trong khi M&A ở trên thế giới lại quá phẳng lặng, kể từ lúc Leman Brothers lâm vào khủng hoảng hồi cuối tháng chín năm ngoái.

Tôi nghĩ Việt Nam là một nước với rất nhiều cơ hội và rất nhiều “phần thưởng” cho những nhà đầu tư. Cũng như các nền kinh tế mới nổi, những cơ hội này luôn được gắn kèm với rủi ro.

Dường như M&A ở Việt Nam thiên về đầu tư tài chính đơn thuần trong khi cốt lõi là sự thay đổi cơ cấu sở hữu, quản trị điều hành và tái cấu trúc. Phải làm gì để thay đổi thực tế này?

Đúng là phần lớn các thương vụ ở Việt Nam, được chúng tôi gọi là “plain vanilla”, tức là chỉ mua bán tài sản đơn thuần.

Trong vòng hai đến ba năm trở lại đây điều mà tôi trải nghiệm là việc sử dụng hữu hiệu một số những công cụ tài chính phức tạp, nếu như những công cụ tài chính này được sử dụng rộng rãi hơn, những rủi ro cho đầu tư sẽ được giảm thiểu và giao dịch sẽ được hoàn tất trong thời gian sớm hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng, giá trị các công ty Việt Nam khá tốt nhưng vì thiếu kinh nghiệm đàm phán nên bị giảm giá trị khi thực hiện M&A. Ông có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp Việt Nam?

Định giá doanh nghiệp và tài sản ở Việt Nam là một chủ đề khá thú vị. Trong quá khứ, doanh nghiệp Việt Nam định giá từ giá trị thực của tài sản nhưng trên thị trường M&A hay bất kỳ thị trường nào, giá trị tài sản là giá mà người mua sẵn sàng chi trả cho tài sản đó.

Như vậy, một công ty có thể mua một tài sản với giá vài trăm ngàn USD nhưng khi bán lại, người mua tiếp theo chỉ trả không quá 10 nghìn USD thì giá trị tài sản đó chỉ 10 nghìn USD mà thôi.

Dĩ nhiên, để mua bán thành công thì phải dựa vào khá nhiều kỹ thuật có thể sử dụng để tăng giá trị của một công ty nhưng có một thứ mà tôi muốn nhấn mạnh đó là: từ góc nhìn của nhà đầu tư, định giá công ty Việt Nam sẽ dựa trên kỳ vọng sinh lời trong tương lai của công ty và yếu tố con người đóng vai trò lớn trong doanh nghiệp trong việc sinh lời trong tương lai.

Vì thế, với việc đưa vào những kỹ năng quản lý, chuyên môn và cả hệ thống quản lý và kiểm soát sẽ làm cho khả năng sinh lời trong tương lai được đẩy nhanh, đồng thời, khiến cho những nhà đầu tư tiềm năng cân nhắc cơ hội đầu tư của mình tự tin hơn. Nếu như nhà đầu tư cảm thấy chắc chắn và tin hơn về công ty định đầu tư, họ sẽ sẵn sàng hoàn thành giao dịch với một khoảng thời gian ngắn hơn.

Không ít cuộc “hôn nhân” M&A hoàn thành nhưng sau đó thì “cơm không lành, canh không ngọt” vì ai cũng muốn quyền kiểm soát nhiều hơn. Làm thế nào để cân bằng lợi ích?

Quá trình sau giai đoạn đầu tư là khi mà có nhiều giá trị có thể mất nhất, trong vòng 6 đến 9 tháng đầu tiên sau khi có sự sáp nhập, điều rất quan trọng là những giả định đã dùng để xác định đầu tư phải được thực hiện trên thực tế.

Ví dụ, nếu mà bên mua cho rằng doanh thu sẽ tăng 20% và vì thế họ sẵn sàng trả rất nhiều triệu USD cho công ty. Trước khi họ thực hiện đầu tư, họ nên bàn thảo và thống nhất những quan điểm này để sau đó những mặc định đó sẽ trở thành hiện thực.  

Ví dụ ở khối ngân hàng ở Việt Nam, chúng ta đã thấy rất nhiều thương vụ đầu tư trong vòng vài năm trở lại đây, chúng ta cũng thấy khá nhiều những vụ đầu tư với triển vọng tốt đã không thành công bởi đúng lý do đã nêu ở trên; vì vậy kế hoạch hành động phải được lên rất chi tiết và phải có khả năng thực hiện được bởi cả bên bán và bên mua.

Ban điều hành (ban giám đốc) cần chia sẻ một tầm nhìn chung. Nếu như ban điều hành không chia sẻ với nhau tầm nhìn và toàn cảnh không được tốt cho lắm, điều đó sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến việc đầu tư.

Với việc hiện nay nhập khẩu đang tăng và tổng sản lượng trong nước hiện vẫn khả quan - dù không được tốt như năm ngoái, chúng ta cũng bắt đầu thấy được ngày càng nhiều những vụ đầu tư có tính lịch sử được thực hiện nhưng lại không được thành công như một số “joint venture” trong ngành bất động sản.

Đã có trường hợp doanh nghiệp mua một doanh nghiệp nước ngoài với giá rẻ nhưng thực tế, món “hàng” đó đang gánh một khoản nợ rất lớn. Phải soát xét như thế nào để tránh rủi ro này?

Vấn đề đối với mức giá mua lại là nếu ai đó trả 1 USD để mua lại một công ty mà họ nghĩ là đáng giá, có nghĩa là doanh nghiệp đó có thể có giá trị thực tế là 50 USD, nhưng lại đang gánh rất nhiều khoản nợ mà trách nhiệm thanh toán trị giá 49 USD, vì vậy người mua sẽ có thể trả 1 USD để mua lại công ty đó.

Với vai trò là người bán tự chuẩn bị cho quá trình soát xét, điều mà chúng ta chưa thấy nhiều lắm ở Việt Nam cho đến nay, tôi tin rằng những chủ doanh nghiệp Việt Nam thực tế sẽ có thể tìm ra được nhiều giá trị của công ty mình hơn trong quá trình mua bán và sáp nhập nếu họ quản lý quá trình này chủ động hơn.

Sự chủ động tôi nói đến ở đây là việc chuẩn bị những thông tin tài chính đáng tin cậy hơn, đưa ra khung thời gian đàm phán cho bất cứ việc gì, và dành đủ thời gian cho đội dự án ngồi lại và đưa ra những thảo luận chi tiết với người mua tiềm năng.

Nếu chúng ta quan sát ở những thị trường phát triển hơn, có rất nhiều công cụ và kỹ thuật cho các dịch vụ, ví dụ như dịch vụ soát xét. Và tôi tin rằng trong thời gian khoảng 5 năm, dịch vụ soát xét này sẽ trở nên phổ biến hơn tại thị trường Việt Nam. Tôi cũng chia sẻ suy nghĩ với bạn rằng người bán sẽ được giá hơn nếu họ tiếp cận quá trình này tốt hơn.

Theo ông, lĩnh vực nào đang thu hút sự M&A của các công ty nước ngoài?

Chúng ta đang thấy rất nhiều doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực viễn thông, ví dụ như việc cổ phần hóa của MobiFone, VinaPhone…Ở Deloitte, chúng tôi đã thực hiện rất nhiều giao dịch trong lĩnh vực dầu khí và các dịch vụ tài chính.

Dầu khí là một lĩnh vực vô cùng quan trọng đối với toàn nền kinh tế Việt Nam và tôi nghĩ việc xây dựng và cải tiến doanh nghiệp có thể mang lại những kỹ thuật tiên tiến, rất thuận lợi cho Việt Nam.

Ngoài ra, lĩnh vực ngân hàng cũng rất được quan tâm. Với nhu cầu về ngành tài chính như hiện nay, chúng tôi dự đoán sẽ chứng kiến sự thay đổi giảm đáng kể về số lượng ngân hàng thương mại trong thời gian tới.

Nếu có cơ hội, ông có mua 10% cổ phần VietinBank và Vietcombank, khi mà 80% vẫn dưới quyền kiểm soát của nhà nước và 10% còn lại thuộc về công chúng?

Đó là một cơ hội thú vị. Tôi thấy câu hỏi này khá liên quan đến khái niệm quản trị doanh nghiệp; nếu mua 10% cổ phần bạn sẽ có một số quyền kiểm soát và quản lý.

Tôi nghĩ với những giao dịch ở Việt Nam, chúng ta đã thấy những quyền kiểm soát đó thể hiện ở những giao dịch 10%, và sự kiểm soát sẽ được cải thiện theo thời gian. Cá nhân tôi, nếu tôi đủ giàu để mua 10% của Ngân hàng Vietinbank hay Vietcombank, tôi chắc chắn sẽ cân nhắc chuyện này.