10:47 29/03/2012

Ngân hàng thay tướng và trường hợp LienVietPostBank

H.Vũ - N.Hoài

LienVietPostBank đã góp thêm một ví dụ trong làn sóng thay tướng tại các ngân hàng thời gian gần đây

Ý tưởng và sức sáng tạo trở thành áp lực thường trực trong nghề CEO ngân hàng, bên cạnh chuyên môn và kinh nghiệm quản lý điều hành.
Ý tưởng và sức sáng tạo trở thành áp lực thường trực trong nghề CEO ngân hàng, bên cạnh chuyên môn và kinh nghiệm quản lý điều hành.
LienVietPostBank đã góp thêm một ví dụ trong làn sóng thay tướng tại các ngân hàng thời gian gần đây.

Ngày 27/3, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) công bố kế hoạch thay đổi nhân sự cao cấp. Dự kiến ông Phạm Doãn Sơn sẽ thay ông Lê Hồng Phong đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc trong thời gian tới.

Từng đưa ra lời mời với mức lương khủng tới những người giỏi nhất, còn lúc này, Hội đồng Quản trị LienVietPostBank cho biết họ hài lòng với lựa chọn của mình. Quan điểm mà đại diện Hội đồng Quản trị đưa ra có những điểm đáng chú ý.

“Tuổi đời” ngắn ngủi?

Tròn 4 năm hoạt động, LienVietPostBank có 3 tổng giám đốc qua các thời điểm. Lần thay đổi này tiếp tục cho thấy một thực tế khắc nghiệt trong nghề làm CEO ngân hàng.

Trao đổi với báo giới ngày 28/3, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietPostBank, khẳng định rằng việc thay đổi này là hoàn toàn bình thường, không xuất phát từ “vấn đề nảy sinh” nào trong hoạt động, và gắn với quan điểm riêng của họ trong phát triển và sử dụng nhân sự.

Không chỉ ngân hàng này mà tất cả các thành viên khác đều cần những nhà lãnh đạo giàu ý tưởng và sức sáng tạo để kích hoạt tiềm năng của doanh nghiệp. Theo ông Hưởng, ý tưởng và sức sáng tạo đó là có giới hạn với “tuổi đời” ngắn ngủi, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt và quy mô ngân hàng mở rộng nhanh chóng.

“Một nhiệm kỳ có khi là 5 năm, nhưng có người làm 3 năm liên tục đã hết ý tưởng. Khi đó họ trở lại làm theo cái cũ, ảnh hưởng đến sự phát triển chung, thì sẽ cân nhắc điều chỉnh. Mặt khác, nếu một nhiệm kỳ quá lâu cũng có thể tạo sức ỳ ở những điểm hoạt động mà người lãnh đạo đó còn hạn chế. Bên cạnh đó, có những trường hợp đã phát huy tốt ở vị trí CEO cần phải được cất nhắc lên vị trí cao hơn, phát huy khả năng và ý tưởng ở tầm chiến lược hệ thống”, ông Hưởng nói.

Ở quan điểm trên, có thể thấy ý tưởng và sức sáng tạo trở thành áp lực thường trực trong nghề CEO ngân hàng, bên cạnh chuyên môn và kinh nghiệm quản lý điều hành.

Trên thực tế có những bộ óc đầy ắp ý tưởng và dẻo dai, liên tục vận dụng nó cho sự phát triển của doanh nghiệp. Song, trong giới CEO ngân hàng Việt Nam hiện nay không nhiều. Bản thân họ cũng không thể “trẻ” mãi, thậm chí phải đánh đổi bằng chính tuổi đời của mình.

Với trường hợp của LienVietPostBank, tốc độ phát triển nhanh trong thời gian qua khiến áp lực đó càng lớn. Chỉ sau 4 năm hoạt động, quy mô ngân hàng này đã ngang ngửa với nhiều thành viên có vài chục năm tích lũy. Vốn điều lệ từ 3.300 tỷ đồng ngày đầu hiện đã lên tới gần 6.500 tỷ đồng; quy mô tổng tài sản hiện cũng đã đạt gần 60.000 tỷ đồng. Và trong bối cạnh hiện nay, ông Hưởng cho rằng LienVietPostBank cần có sự thay đổi về chiến lược kinh doanh và chiến lược quản trị để phát triển ổn định, bền vững và an toàn hơn.

Cơ hội cho sức trẻ

Theo giới thiệu của Hội đồng Quản trị LienVietPostBank, người được lựa chọn đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc sắp tới đã có nhiều kinh nghiệm, năng lực chuyên sâu và hơn hết là thấu hiểu các góc cạnh của ngân hàng.

Ông Phạm Doãn Sơn có 18 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, làm Trưởng ban Kiểm soát tại LienVietPostBank từ năm 2008, từng là trưởng phòng các tổ chức tài chính - ngân hàng của Kiểm toán Nhà nước.

“Là người có chuyên môn và kinh nghiệm để nhìn thấu các yếu điểm, việc đề xuất bổ nhiệm ông Sơn là để có thể phát hiện ra những mặt chưa tốt của ngân hàng và khắc phục”, ông Hưởng cho biết.

Mặt khác, 45 tuổi là vừa tới điểm chín đối với vị trí CEO ngân hàng, Hội đồng Quản trị kỳ vọng ông Sơn sẽ phát huy sức sáng tạo trong quản lý điều hành, tạo những đóng góp mới cho sự phát triển của ngân hàng. Và quan điểm mà ông Hưởng nhấn mạnh là sẽ ưu tiên sức trẻ trong quy hoạch cán bộ trong thời gian tới.

Cũng có một hướng lựa chọn được đặt ra là thuê CEO nước ngoài như xu hướng đang thể hiện. Tuy nhiên, ông Hưởng cho rằng hiện không phù hợp với LienVietPostBank, đặc biệt là về yếu tố văn hóa trong yêu cầu hòa hợp để hoạt động, cũng như trong yêu cầu năng lực lãnh đạo điều hành tổng hợp hơn là tính chuyên biệt trong chuyên môn của các CEO nước ngoài.

“Chúng tôi sẽ tập trung sử dụng nội lực và tạo cơ hội cho thế hệ trẻ, sức trẻ. Các vị trí lãnh đạo ở cấp phó tổng giám đốc cũng sẽ được xác định từ thế hệ sinh năm 1970 trở về sau. Tôi tin nguồn lực hiện nay sẽ sớm hình thành một thế hệ lãnh đạo trẻ, tài năng trong hệ thống các ngân hàng Việt Nam. Còn như tôi và ông Phong hiện nay có thể xem là đã quá già”, Phó chủ tịch LienVietPostBank nói.