19:24 05/05/2008

Ngồi ghế nào, hành xử theo ghế đó

Ông Trần Xuân Giá, cựu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, đã bắt đầu chủ trì các phiên làm việc của Hội đồng Quản trị Ngân hàng ACB

Ông Trần Xuân Giá (ngồi giữa, bên phải) đang chủ trì các phiên làm việc của Hội đồng Quản trị Ngân hàng ACB, hôm 29/4/2008.
Ông Trần Xuân Giá (ngồi giữa, bên phải) đang chủ trì các phiên làm việc của Hội đồng Quản trị Ngân hàng ACB, hôm 29/4/2008.
Ông Trần Xuân Giá, cựu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, đã bắt đầu chủ trì các phiên làm việc của Hội đồng Quản trị Ngân hàng ACB.

Đã từng là một bộ trưởng có nhiều ảnh hưởng, nay đứng đầu một ngân hàng thương mại, quyết định của ông Giá có thể tạo tiền lệ và cũng có thể tạo ra ý kiến khác nhau trong một số người

Tập trung cho khát vọng mới

Tại sao ông nhận lời làm việc cho ACB?

Nhiều người đã hỏi tôi câu ấy. Và, câu trả lời chỉ đơn giản là: tôi cần làm việc và họ cần người.

Họ cần gì ở ông?

Tôi nhận được rất nhiều lời mời nhưng chọn ACB vì nhiều lẽ. Tôi biết tâm huyết của một số anh em ở đó từ trước. Tôi biết họ muốn phát triển hơn nữa và cần có người chia sẻ công việc ngân hàng để tập trung cho những khát vọng mới. Các ngân hàng hiện nay, theo luật, phải có một số thành viên độc lập trong hội đồng quản trị nhằm tránh sự thao túng của các cổ đông lớn.

Thưa ông, mối quan hệ của một cựu bộ trưởng có phải là kỳ vọng của họ?

Uy tín của ACB rất lớn, họ không cần ai “che chắn” gì. Tôi cũng “ra điều kiện”, nếu tôi làm chủ tịch thì mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải theo luật chứ không được theo bất cứ một mối quan hệ nào. Tôi là người chủ trì dự thảo luật Doanh nghiệp theo tinh thần đó, tôi không thể làm điều gì trái với những gì mà mình mong muốn xã hội làm.

Quan hệ giữa doanh nghiệp và quan chức nhà nước không phải là cấp trên, cấp dưới, nhưng không phải quan chức nào cũng hiểu được nguyên tắc căn bản này. Không ít quan chức ngân hàng nhà nước vẫn thường coi lãnh đạo các ngân hàng thương mại như là thuộc cấp, liệu họ có ngại “lãnh đạo” ông khi ông đã từng ở vai vế trên?

Có ai ngại tôi không? Thật khó để tôi trả lời thay họ. Về phần mình, tôi sẽ cố gắng tối đa để tránh làm ai đó ngại ngần. Ngồi ở ghế nào thì phải hành xử theo ghế đó. Cho dù hôm qua tôi là bộ trưởng, nhưng hôm nay làm doanh nghiệp, tôi phải thực thi luật cũng như mọi mệnh lệnh hành chính liên quan đến công việc của mình.

Môi trường kinh doanh hiện nay, theo ông, liệu mọi hành vi đều đã có thể được điều chỉnh theo luật?

Vì khách quan, vì chủ quan, có thể vẫn còn điều này, điều kia. Nhưng tôi cho rằng, các yếu tố chính để thượng tôn pháp luật đều đã được xác lập. Tất nhiên, tiêu cực có thể sẽ mãi còn. Nhưng, tiêu cực không bao giờ có thể trở thành nguyên tắc ứng xử của tôi. Mặt khác, bây giờ, cũng không còn như thời “tiền đổi mới”, khi mà “cơ chế” cản trở các quy luật phát triển, để “xé rào” có thể được ghi nhận là “công”. Tuy pháp luật vẫn có những quy định chưa thực sự thích hợp, nhưng doanh nghiệp chỉ có thể kiến nghị để sửa chứ không thể “xé rào”.

Giờ đây có thể bị người khác “gõ”

Từ tháng 5 năm 2007, phát biểu trên báo chí, ông đã nhận thấy kinh tế vĩ mô “có chuyện”, ông đưa ra các khuyến cáo về chất lượng tăng trưởng rất sớm và, ngay từ khi đó, dường như ông đã “đọc” được tình trạng lạm phát như nó đã xảy ra mấy tháng đầu năm nay, nhưng sau đó thấy ông im lặng?

Tôi không im lặng. Có những lý do để thay vì nói công khai, tôi tìm cách khác mà tôi nghĩ là thích hợp.

Điều gì giúp ông, sau khi rời chính trường, vẫn có thể nắm bắt và đưa ra các nhận xét có giá trị ở tầm vĩ mô?

Tôi phát hiện ra các vấn đề vĩ mô nhờ gắn bó với vi mô. Tôi làm cố vấn cho ACB từ cuối năm 2006. Với kinh nghiệm của một người có nhiều năm công tác trong chính phủ, trực tiếp xử lý lạm phát ở những thời điểm căng thẳng nhất, nay, không có gì khó khăn để nhận ra các triệu chứng ấy khi làm việc trong một thực thể kinh tế chịu tác động trực tiếp của các chính sách vĩ mô.

Lúc nãy, tôi chưa nói một nguyên nhân quan trọng khác khiến tôi nhận lời làm việc cho một doanh nghiệp, đó là, tôi vẫn rất canh cánh với việc tiếp tục có đóng góp để hoàn thiện Luật Doanh nghiệp, và tôi nghĩ, những kinh nghiệm ở cương vị mới này sẽ thực sự hữu ích cho mong muốn đó của tôi.

Bắt đầu ở tuổi 70, tuổi mà trên thế giới nhiều người có thể bắt đầu một sự nghiệp chính trị lớn. Ở nhiều nước, quy định tuổi tác chủ yếu để xác định quyền được nghỉ hưu của một người. Ở ta, đến tuổi là phải “về”. Tất nhiên, cũng có trường hợp, không nhờ tuổi thì không đưa những người không làm được việc về hưu được. Nhưng, tuổi cũng khiến cho nhiều người phải rời chính trường cho dù khả năng cống hiến của họ vẫn tốt hơn những người trẻ khác. Ông có cho đó là một lãng phí?

Tôi không quan niệm về hưu có nghĩa là phải nghỉ làm việc. Nhưng, ở ta cũng có rất nhiều người trước khi làm chính trị chưa thực sự làm gì. Trong khi, ở nhiều nước, trước khi bước vào con đường chính trị nhiều người đã là chủ các doanh nghiệp hoặc đứng đầu các lĩnh vực chuyên môn. Họ tiếp tục sự nghiệp không phải vì được phân công mà vì uy tín và lá phiếu. Rời chính trường họ có thể trở lại với công việc cũ.

Ở ta, việc thay đổi cán bộ đôi khi đúng là quá câu nệ tuổi tác. Nhưng, cũng không nên chê trách, ta chưa thể như các nước. Cũng không nên lo lãng phí vì, không chỉ có một “kênh cán bộ”, ngày nay những ai có khả năng làm việc, sau khi nghỉ hưu đều có thể kiếm được việc làm. Vấn đề là anh có chuẩn bị tâm lý để làm quen với việc một ông bộ trưởng “hét ra lửa” giờ đây rất có thể sẽ bị người khác “gõ”.

Về mặt tiền bạc, tôi không có tích luỹ

Đã từng là Chủ nhiệm Khoa Vật giá, Đại học Kinh tế Hà Nội, ông có thể không sợ thất nghiệp, nhưng có lúc nào ông ngậm ngùi không vì nghỉ hưu thì không còn “hét ra lửa” nữa?

Tôi nhiều lần viết đơn xin nghỉ hưu. Tôi về hưu như vậy là cũng trễ, sự thực là, tôi đã rất áy náy. Phải nhìn trở lại, từ một cậu bé thất học, nhờ một quyết định rất hồn nhiên mà có được ngày này. Tôi thấy mình là người rất may mắn.

Ông có thể kể đôi chút về quyết định đó?

Năm 1954, sau kháng chiến chống Pháp, tôi cùng những đồng đội khác tập kết ra Bắc. Lúc đó, nhóm những người còn trẻ như tôi được lựa chọn hoặc nhận một công tác nào đó hoặc được đưa đi học nếu chưa quá 15 tuổi.

Là những đứa trẻ chăn trâu cắt cỏ, theo cách mạng, chúng tôi nào biết chính xác ngày tháng năm sinh, chỉ biết, đứa nào cũng khát khao được học. Không ai bảo ai, cả nhóm đều lấy năm 1954 trừ đi 15, thành năm tuổi của mình. Không ngờ quyết định đơn giản đó lại làm cho cuộc đời mình thay đổi. Tôi học giỏi. Hết bậc phổ thông trong nước, tôi được gửi sang Liên Xô, sau 5 năm học đại học và 3 năm nghiên cứu sinh, tôi được đưa về giảng dạy ở đại học kinh tế, làm trưởng khoa.

Năm 1980, được đề bạt vượt cấp lên làm Phó chủ nhiệm Ủy ban Vật giá Nhà nước. Năm 1988, làm xong cải cách giá, tôi xin về lại trường vì thực ra tôi không có nguyện vọng làm chính trị, nhưng không được chấp nhận. Tôi về làm Phó chủ nhiệm một thời gian ngắn rồi làm Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, làm thứ trưởng rồi bộ trưởng.

Nhờ đâu, ông được đề bạt vượt cấp hồi năm 1980?

Tôi không biết rõ. Khi đó, tôi đang đi dạy thì một cậu sinh viên nói: “Thầy có quyết định”. Hồi đó, tôi ở trong nhóm ít anh em được mời tới gặp Tổng bí thư Lê Duẩn. Ông Lê Duẩn ngồi nhiều ngày nghe ý kiến rất thẳng thắn của tất cả chúng tôi. Tôi nhớ ông Lê Duẩn có cách bổ nhiệm cán bộ rất hay, ông để cho các cán bộ trình bày đề án phát triển ngành của mình và trên cơ sở đó lựa chọn.

Ông Tư Nguyện, Bí thư Tỉnh uỷ Sông Bé được bổ nhiệm giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Cao su là theo một đề án phát triển do chính ông ấy chuẩn bị và trình bày trực tiếp với ông Lê Duẩn. Tôi không rõ, những ý kiến của tôi trong những cuộc làm việc ấy đóng một vai trò như thế nào. Trong cuộc đời làm chính trị, tôi không bao giờ biết rõ, chính xác ai có tác động chính trong việc cất nhắc, đề bạt mình. Tôi chưa bao giờ gặp, tác động ai cho dù trong dịp lễ tết hay trước các sự kiện liên quan đến việc bổ nhiệm, sắp xếp cán bộ.

Hiện nay nghe nói, ông đang ở chung nhà của một người con, còn căn hộ tập thể rộng 64m2 của ông thì đang cho một người thủ trưởng cũ mượn. Nhiều người tin rằng, ông không phải là một quan chức giàu có, thu nhập đóng một vai trò thế nào trong quyết định làm chủ tịch ACB?

Các con tôi không làm chính trị cũng không làm chủ doanh nghiệp, các cháu là những nhà chuyên môn giỏi. Trước khi nhận lời làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị cho ACB, tôi là thành viên độc lập trong hội đồng quản trị của một quỹ niêm yết ở thị trường chứng khoán London, thù lao cao hơn nhiều so với mức mà ACB trả cho tôi, nhưng tôi vẫn xin nghỉ vì thời gian ở đó đã vừa đủ để cho tôi “học” cách làm việc của họ.

Như đã nói, tôi làm việc vì muốn thâm nhập vào môi trường doanh nghiệp quốc tế và trong nước, để nếu có dịp thì đóng góp hoàn thiện Luật Doanh nghiệp chứ không phải vì thu nhập. Cho dù, lương hưu chỉ có 4,1 triệu và trong cuộc đời làm chính trị của mình, về mặt tiền bạc, tôi không có tích luỹ.

Thưa ông, làm bộ trưởng lâu, chỉ riêng “bao thơ” trong các dịp lễ tết đã là một thu nhập không nhỏ, ông nói “không có tích luỹ”, vậy những cái bao thơ đó đi đâu?

Tết nhất, người ta có cho không? Có. Nhưng, tôi dứt khoát không cho ai tới nhà ngoại trừ rất ít người thực sự là bạn bè. Lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp về Hà Nội làm việc thường mời gặp gỡ, ăn uống, nhưng hầu như tôi chưa bao giờ nhận lời đi ăn bên ngoài với ai cả.

Tôi không muốn mình trở thành nô lệ của một ai đó, của một cái gì đó. Nhưng, cho tôi không trả lời trên báo câu hỏi này được không? Trong chuyện này, chỉ có tôi biết. Tôi cũng không có nhu cầu thanh minh. Nói ra, người ta không tin đâu.