10:34 30/07/2007

Người tiên phong trong ngành đào tạo hàng không Mỹ

Mạnh Tuấn

Ông là một trong những doanh nhân thành đạt nhất thế giới và cũng là một trong những cây đại thụ của ngành đào tạo hàng không Mỹ

Albert Lee Ueltschi.
Albert Lee Ueltschi.
Sau hơn 7 thập kỷ lao động miệt mài, Albert Lee Ueltschi đã xây dựng thành công công ty chuyên đào tạo nghiệp vụ hàng không FlightSafety International, có quy mô hàng đầu thế giới. Ông đã vươn lên vị trí một trong những người giầu nhất hành tinh hiện nay với số tài sản khổng lồ 1,8 tỷ USD.

Trong danh sách những doanh nhân thành đạt của thế giới đi lên từ niềm đam mê thủa thiếu thời, chúng ta không thể không nhớ tới nhà tỷ phú Albert Lee Ueltschi. Khát khao được bay trên không trung từ khi chưa đầy 10 tuổi, Albert Lee Ueltschi bỏ lại sau lưng tất cả những khó khăn trở ngại của cuộc sống để thực hiện bằng được ước mơ đó.

Bắt đầu từ những đam mê thủa thiếu thời

Là một trong những doanh nhân thành đạt nhất thế giới và cũng là một trong những cây đại thụ của ngành đào tạo hàng không Mỹ, Albert Lee Ueltschi đã có gần như cả cuộc đời gắn bó với ngành hàng không. Albert Lee Ueltschi sinh ngày 15/5/1917 trong một gia đình nông dân có 7 anh chị em tại Franklin County, Kentucky, Mỹ.

Do hoàn cảnh cuộc sống khó khăn nên mặc dù là con trai út trong gia đình như ngay từ khi còn rất nhỏ, Albert Lee Ueltschi đã phải sống trong đièu kiện vất vả. Tuy nhiên, Albert Lee Ueltschi lại có đam mê kỳ lạ đối với những chiếc máy bay và cậu luôn ao ước được một lần bay lên không trung.

Tưởng chừng như đó là những suy nghĩ hiếu kỳ của trẻ nhỏ nhưng đó lại chính là nền tảng để Albert Lee Ueltschi tiến tới thành công ngày nay. Năm 1927, khi đó vừa tròn 10 tuổi, may mắn đã đến với Albert Lee Ueltschi khi cậu được ngồi trên chuyến bay đầu tiên xuyên qua Đại Tây Dương.

Sau chuyến bay đó, niềm đam mê về hàng không không những không giảm mà còn trở nên mãnh liệt hơn. Mơ ước của Albert Lee Ueltschi không chỉ đơn giản là được bay nữa mà cậu đã nghĩ tới việc kiếm đủ tiền để theo học khoá huấn luyện bay và trực tiếp lái máy bay.

Do đó, ngay trong những năm học trung học, Albert Lee Ueltschi đã vay tiền của gia đình để mở một quán đứng bán bánh mỳ hamburger tại cổng trường và lấy tên là White Castle. Với các công việc kinh doanh nhỏ đó, Albert Lee Ueltschi đã phải chắt bóp từng đồng một trong một thời gian dài.

Cũng vì lý do đó, Albert Lee Ueltschi đã bỏ dở việc học tập và xin vào làm trong công ty hàng không Queen City Flying Service và rất tích cực tham gia vào các hoạt động của công ty. Sau những cố gắng đó, Albert Lee Ueltschi đã được nhận vào chương trình đào tạo phi công của Queen City Flying Service.

Tới năm 1941, sau một thời gian làm việc, Albert Lee Ueltschi đã quyết định rời công ty để chuyển tới làm việc tại công ty hàng không uy tín Pan American Airways. Tại đây, Albert Lee Ueltschi đã được người thành lập và cũng là người đứng đầu công ty Juan Trippe nhận làm phi công riêng cho các chuyến bay của mình.

Có được công việc như mong muốn, Albert Lee Ueltschi làm việc rất chăm chỉ đồng thời cũng rất cần mẫn nghiên cứu để tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm hoạt động trong ngành hàng không. Khi còn làm việc tại Pan American Airways, Albert Lee Ueltschi đã phát hiện ra một vấn đề còn thiếu cơ bản đối với hầu hết các hãng hàng không, đó là đội ngũ nhân viên, phần lớn các phi công vẫn còn chưa được đào tạo bài bản do thiếu môi trường đào tạo.

Mặt khác, sau khi chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, nhiều loại máy bay quân sự đã được bán cho các công ty hàng không dân dụng và được cải tạo để sử dụng, tuy nhiên, máy bay thì nhiều nhưng đội ngũ phi công lại thiếu. Vì vậy, ngay lập tức những ý tưởng về việc thành lập một công ty chuyên đào tạo nhân lực cho các hãng hàng không đã xuất hiện trong đầu Albert Lee Ueltschi.

Nhờ có được sự ủng hộ của người đứng đầu công ty, Albert Lee Ueltschi đã có được điều kiện thuận lợi để thực hiện ý tưởng này.

Phát triển FlightSafety

Được thành lập từ năm 1951, từ một trung tâm đào tạo quy mô nhỏ, phát hiện thấy nhu cầu đào tạo nhân lực ngày càng cao của ngành hàng không, Albert Lee Ueltschi đã có được những chiến lược kinh doanh hợp lý và đã phát triển FlightSafety thành một trong những công ty đào tạo hàng không hàng đầu của Mỹ và thế giới.

Qua các chương trình đào tạo ngày càng được mở rộng, hàng năm, FlightSafety International đã tiếp nhận hàng chục nghìn học viên theo học ở các chuyên ngành, từ đào tạo phi công cho các công ty hàng không dân dụng, phi công phục vụ cho không quân Hoa Kỳ cho tới các chuyên ngành kỹ thuật sửa chữa và dịch vụ. Chỉ tính riêng trong năm 2006, FlightSafety International đã tổ chức được hơn 1 triệu giờ đào tạo bay cho học viên.

Khi mới được thành lập, FlightSafety chỉ là một công ty có quy mô nhỏ với một số lượng nhân lực và trang thiết bị còn hạn chế, mặc dù vậy, sự xuất hiện của FlightSafety đã tạo nên bước đột phá vào thị trường đào tạo nhân viên hàng không chưa được khai thác. Trong bối cảnh nửa sau thập niên 40, thế chiến thứ II kết thúc đã tạo ra những khó khăn chồng chất cho các ngành công nghiệp dịch vụ, trong đó có ngành đào tạo nghiệp vụ hàng không.

Sau khi thành lập FlightSafety, Albert Lee Ueltschi đã tập trung vào khâu tuyển chọn nguồn nhân lực cho công ty. Dựa trên thế mạnh đã từng làm việc tại ngành hàng không, có mối quan hệ với nhiều phi công, một mặt Albert Lee Ueltschi trực tiếp mời những phi công có thâm niên trong nghề đang làm việc tại các hãng hàng không của Mỹ về làm công tác giảng dạy ngoài giờ.

Mặt khác, chiến tranh kết thúc cũng là lúc có nhiều phi công trước đây đã được đào tạo đặc biệt trong các trường quân sự đã xuất ngũ, Albert Lee Ueltschi đã tranh thủ tuyển chọn được cho FlightSafety một lượng khá đông giáo viên lành nghề.

Với tham vọng xây dựng cho FlightSafety một cơ sở vật chất vững chắc ngay từ đầu, trong những năm đầu mới bước vào hoạt động, Albert Lee Ueltschi đã không ngần ngại đầu tư rất lớn vào xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị cho FlightSafety.

Từ khoản tiền tích góp được sau 17 năm làm việc trong ngành hàng không cho tới khoản tiền vay thế chấp nhà ở của mình, Albert Lee Ueltschi đều đầu tư tất cả vào công ty. Rất nhiều loại trang thiết bị của các nhà sản xuất Eastman Kodak, Burlington Industries, National Distillers đã được Albert Lee Ueltschi cho nhập về.

Bên cạnh những trang thiết bị đào tạo được mua mới, Albert Lee Ueltschi còn triệt để tận dụng những trang thiết bị cũ nhưng còn rất hiệu quả của quân đội được bán thanh lý sau chiến tranh. Một trong số đó là khoản đầu tư trị giá 69.750 USD của Albert Lee Ueltschi vào chương trình mua thiết bị đào tạo lái cho phi công mang tên Link Trainer. Đây là loại thiết bị đào tạo bay chuyên dụng sử dụng các dữ liệu mô phỏng đã được sử dụng để đào tạo phi công cho thế chiến thứ II. Ngoài các chức năng thông thường, Link Trainer còn được trang bị hệ thống đào tạo nhân viên điều khiển mặt đất đối với các loại máy bay vận tải hoạt động trong đêm.

Nhờ to được uy tín vững chắc đối với nhiều hãng hàng không, đồng thời là địa chỉ tin cậy của học viên hàng không, trong nhiều năm liên tiếp từ thập niên 50 cho tới những năm 70, FlightSafety không những đã duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định mà còn cho thấy những triển vọng phát triển rất lớn tại thị trường đào tạo hàng không.

Cũng trong thời điểm FlightSafety phát triển mạnh mẽ đó, bằng uy tín và sự khéo léo của mình, Albert Lee Ueltschi đã rất thành công trong việc thiết lập quan hệ với các nhà sản xuất máy bay và nhận về những bản hợp đồng đào tạo phi công phục vụ cho các thế hệ máy bay mới xuất xưởng với mức giá phải chăng.

Đặc biệt, sau những vụ tai nạn máy bay dân dụng gây ra những tổn thất lớn, các hãng hàng không đã trở nên đặc biệt quan tâm tới vấn đề đào tạo nguồn nhận lực và không ai khác, chính FlightSafety là một trong những địa chỉ đáng tin cậy nhất.

Ví dụ điển hình nhất là công ty hàng không Learjet, sau khi hai máy bay của hãng liên tiếp gặp tai nạn, Learjet đã ngay lập tức liên kết với FlightSafety để thực hiện các chương trình đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ phi công của mình. Tổng cộng trong những năm 70, FlightSafety đã có được 12 bản hợp đồng lớn với các hãng hàng không và các nhà sản xuất máy bay trong đó có cả Airbus Industrie ở Pháp, Boeing của Mỹ.

Song song với những chương trình đào tạo cho nhân viên các hãng hàng không, Albert Lee Ueltschi còn trực tiếp tổ chức các khoá đào tạo cho những người có điều kiện mua máy bay riêng nhưng chưa biết lái ngay tại các trung tâm của FlightSafety.

Đưa FlightSafety International Inc đến với thế giới

Bước vào giai đoạn khoa học kỹ thuật phát triển mạnh, các hãng hàng không liên tục cho ra những thế hệ máy bay mới đã nhanh chóng tạo ra cho Albert Lee Ueltschi cơ hội mở rộng thị trường. Để đáp ứng với tình hình phát triển của thời cuộc, Albert Lee Ueltschi đã đổi tên công ty từ FlightSafety thành FlightSafety International, Inc đồng thời mở rộng các chi nhánh cũng như lĩnh vực hoạt động ra các quốc gia khác trên thế giới.

Sau những bản hợp đồng lớn với các hãng hàng không Texaco, Air Force, Trans World Airlines, Asian airlines, Latin American airlines, Air Afrique, All Nippon Airways, Asiana Airlines of Korea, Swissair, Australia’s Tyrolean Airways, Air France affiliates, Air Inter... FlightSafety International, Inc đã đồng loạt xây dựng được một mạng lưới các chi nhánh, trung tâm đào tạo nhân lực hàng không từ Dallas, Texas, Arizona, Daleville, Alabama, Texas cho tới Hong Kong, London, Manchester...

Với quy mô hoạt động ở hầu hết các khu vực trên thế giới, ngoài lĩnh vực đào tạo nghiệp vụ hàng không cơ bản vẫn được duy trì như một thế mạnh của mình, Albert Lee Ueltschi còn mở rộng FlightSafety International, Inc sang hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau như chuyên ngành sửa chữa, điều khiển mặt đất, các thao tác và kỹ năng cơ bản phục vụ hành khách, bảo hiểm.

Trong đó, chương trình được Albert Lee Ueltschi tập trung khai thác nhiều nhất là đào tạo những kỹ năng bảo đảm an toàn hàng không. Bằng các trang thiết bị hiện đại và đội ngũ giảng viên trình độ cao, các học viên của khoá đào tạo của FlightSafety International, Inc ngoài việc có đủ khả năng vận hành các loại phi cơ còn có thể hạn chế tới mức thấp nhất nguy cơ rủi ro cho các chuyến bay.

Hiện nay, FlightSafety International, Inc đã trở thành một trong những công ty đào tạo nghiệp vụ hàng không hàng đầu thế giới với tầm hoạt động ở trên hơn 40 quốc gia, sử dụng hàng chục nghìn nhân viên làm việc tại hàng trăm chi nhánh. Theo ước tính, hàng năm FlightSafety International, Inc đào tạo được 75.000 học viên hàng không, trong đó học viên quân sự phục vụ cho quân đội lên tới 14.000 người.

Từ những khoản doanh thu và những khoản lợi nhuận khổng lồ hàng năm lên tới hàng chục tỷ Đô la, số tài sản cá nhân của Albert Lee Ueltschi cũng không ngừng tăng theo thời gian.