08:48 22/07/2009

Nguy cơ cúm A/H1N1 “tấn công” doanh nghiệp

Vũ Quỳnh

Môi trường doanh nghiệp, nơi tập trung nhiều lao động, là nơi dễ khiến các dịch bệnh bùng phát và lây lan nhanh chóng

Cục An toàn lao động khuyến cáo người lao động trong các doanh nghiệp hạn chế tiếp xúc, giao lưu trực tiếp tại cơ quan để giảm khả năng nhiễm bệnh.
Cục An toàn lao động khuyến cáo người lao động trong các doanh nghiệp hạn chế tiếp xúc, giao lưu trực tiếp tại cơ quan để giảm khả năng nhiễm bệnh.
Môi trường doanh nghiệp, nơi tập trung nhiều lao động, là nơi dễ khiến các dịch bệnh bùng phát và lây lan nhanh chóng.

Khả năng mắc bệnh cao

Dịch cúm A/H1N1 đang bùng phát trên thế giới đã và đang ảnh hưởng đến nền kinh tế và sức khỏe cộng đồng của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Ngày 12/6/2009, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch cúm A/H1N1 trở thành đại dịch toàn cầu, nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn. Theo WHO, đại dịch cúm A/H1N1 lần này lan truyền nhanh hơn các đại dịch trước đây,  nó không chỉ lây lan trong từng cá nhân mà đã tạo thành những ổ dịch lớn trong cộng đồng.

Số liệu cập nhật từ Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát dịch bệnh Châu Âu (ECDC), đến ngày 20/7/2009, toàn thế giới đã ghi nhận 137.232 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 tại 139 quốc gia/vùng lãnh thổ, trong đó có 779 trường hợp tử vong.

Tại Việt Nam, theo con số thống kê của Bộ Y tế tính đến ngày 20/7, đã có 408 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1.

Nguy hiểm hơn, tại Tp. HCM đã phát hiện ổ dịch tại trường THPT Ngô Thời Nhiệm (quận 9) với 59 trường hợp được ghi nhận là dương tính với cúm A/H1N1, tính đến ngày 21/7. Trường học này đã tạm thời đóng cửa.

Tại hội thảo “Nâng cao nhận thức bảo vệ người lao động và doanh nghiệp trước đại dịch cúm ở người”, diễn ra mới đây tại Hà Nội, các chuyên gia y tế, thú y trong và ngoài nước nhận định, trường học, các khu công nghiệp, với lượng công nhân động lại sống tập trung trong điều kiện khó đảm bảo vệ sinh, nên khả năng mắc bệnh rất cao.

Nhiều đại biểu còn lo ngại rằng nếu không kịp thời khống chế, nguy cơ phải tạm đóng cửa nhiều nhà máy, xí nghiệp do dịch bệnh là điều khó tránh khỏi.

Khống chế bằng cách nào?

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xác định việc nâng cao nhận thức cho người lao động và doanh nghiệp trước đại dịch cúm A/H1N1 là một trong những yếu tố quan trọng khống chế dịch bệnh lan rộng.

Cũng tại cuộc hội thảo nói trên, bà Đoàn Minh Hòa, Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tăng cường phối hợp với Bộ Y tế và các ngành liên quan triển khai các hoạt động phòng chống dịch cúm ở người, cập nhật thường xuyên cho người lao động và người sử dụng lao động về diễn biến bệnh, cách phòng và cách điều trị bệnh.

Theo bà Hòa, hiện nay, khó khăn lớn nhất trong việc giúp công nhân, người lao động phòng tránh cúm A/H1N1 là những người này không có điều kiện tiếp cận và cập nhật các thông tin liên quan đến tình hình dịch bệnh cũng như tác động, hậu quả của nó đối với mỗi cá nhân và toàn xã hội.
 
Chính vì thế, các xí nghiệp, nhà máy trong khu công nghiệp đều phải có trách nhiệm thông báo về diễn biến dịch bệnh cho công nhân vào đầu giờ làm và nhắc nhở họ vệ sinh phòng bệnh khi công việc kết thúc. Đây là phần việc nằm trong chương trình an toàn vệ sinh lao động bắt buộc của các doanh nghiệp, nhà máy.

Người đứng đầu Cục An toàn lao động cũng đưa ra khuyến cáo người lao động trong các doanh nghiệp hạn chế tiếp xúc, giao lưu trực tiếp tại cơ quan để giảm khả năng nhiễm bệnh. Ngoài ra, cần tăng cường vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường làm việc.
 
Chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết, trước thực tế trên, ILO đã triển khai chương trình phòng chống cúm ở người tại nơi làm việc tại Thái Lan và Indonesia. Sắp tới, chương trình sẽ tiếp tục được triển khai tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Malaysia.

Theo ông Tsuyoshi Kawakami, chuyên gia cao cấp về an toàn vệ sinh lao động của ILO, người thực hiện dự án phòng chống cúm ở người và gia cầm tại nơi làm vệc ở Thái Lan, để phòng ngừa đại dịch cúm ỏ người tại nơi làm việc, cần phải xây dựng được 5 nguyên tắc cơ bản đó là thu thập và chia sẻ thông tin về đại dịch cúm, xây dựng kế hoạch phòng ngừa, cần có ý thức rèn luyện các thói quen vệ sinh cá nhân, giảm thiểu tiếp xúc giữa người với người; Đặc biệt, các doanh nghiệp cần có hỗ trợ đối với người lao động nhiễm cúm phải nghỉ dưỡng tại nhà.
 
Về vấn đề hỗ trợ người lao động, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết đang phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan nghiên cứu chế độ, chính sách cho người lao động là nhân viên y tế, các cán bộ tham gia phòng chống dịch bệnh bị lây nhiễm trong quá trình làm việc. Đồng thời, nghiên cứu chế độ làm việc và bảo hiểm, tiền lương đối với người lao động vì mắc bệnh dịch hoặc ở trong vùng dịch mà không thể đến được nơi làm việc.