15:05 08/03/2013

Nhà lãnh đạo và ông bầu

Song Thanh

Trong số các ông bầu bóng đá, có khá nhiều ông chủ của các doanh nghiệp tư nhân lớn, hoặc ít nhất được cho là lớn

Ông Hiển đã thành công trong lĩnh vực bóng đá với thương hiệu cá nhân 
“bầu Hiển”, cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng và… 
Google.
Ông Hiển đã thành công trong lĩnh vực bóng đá với thương hiệu cá nhân “bầu Hiển”, cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng và… Google.
Một nhà lãnh đạo doanh nghiệp giỏi phải là người để lại dấu ấn trong doanh nghiệp mà họ làm chủ về quản trị chiến lược, thay vì can thiệp và chi phối mọi việc.

Chỉ một thao tác đơn giản, gõ từ khóa “ông bầu” trên Google Search sẽ cho ra 81.600.000 kết quả sau 0,31 giây. Ở nước ta, có lẽ danh xưng này xuất hiện phổ biến từ khi có kinh tế thị trường, hàng loạt người bung ra làm ăn. Các hình thức kinh doanh, đặc biệt liên quan lĩnh vực giải trí - thể thao, cần một người có uy tín, tiền bạc đứng ra nhận lãnh việc tổ chức, móc nối các mối quan hệ để phục vụ hoạt động đó. Người này thường được gọi là bầu.

Giờ đây ở Việt Nam nhan nhản các ông bầu. Từ bầu ca nhạc, sân khấu, thời trang đến bầu bóng đá. Trong số các ông bầu bóng đá, có khá nhiều ông chủ của các doanh nghiệp tư nhân lớn, hoặc ít nhất được cho là lớn. Ở giác độ quản trị doanh nghiệp, liệu có mối liên hệ giữa nhà lãnh đạo và ông bầu?

Khác với hầu hết nhà lãnh đạo lớn trên thế giới được học hành bài bản, đào tạo chuyên nghiệp hoặc có lỡ bỏ ngang việc học đại học như Bill Gates thì họ cũng mày mò tự học, tự đào tạo bản thân đến một trình độ đủ để lãnh đạo công ty. Ở ta, lãnh đạo của các doanh nghiệp tư nhân đa phần đi lên từ kinh doanh nhỏ. Buôn bán không xấu. Với nhiều doanh nhân Việt, việc lăn lộn kinh doanh vỉa hè, trong chợ… đã giúp họ rất nhiều trong việc tích tụ vốn liếng/kinh nghiệm, để có thể tồn tại trong môi trường kinh doanh cần nhiều mánh lới.

Bầu Hiển trước khi nổi danh là một  ông bầu bóng đá, từng sở hữu đến 5 câu lạc bộ đủ mọi cấp độ ở các giải đấu trong nước, đã từng đình đám trong giới buôn bán đồ điện tử - điện lạnh Hà Nội. Ông chỉ thực sự “lớn lên” trên vỉa hè phố Hai Bà Trưng, Hà Nội. “Mua gốc - bán ngọn” và “bán cái thị trường cần, không bán cái mình có” là hai trong những nguyên tắc kinh doanh mà chắc chắn ông đã thuộc nằm lòng từ những năm tháng buôn tivi, tủ lạnh.

Bầu Hiển có phong cách chịu chơi. Trong bóng đá, có giai thoại rằng, hễ đội bóng Hà Nội T&T của ông thắng, ông lại phấn khích rút ngay hàng xấp tiền trong túi thưởng nóng cho các cầu thủ. Chả thế mà cứ khi đội thắng, các kế toán, thủ quỹ của ngân hàng SHB - nơi ông làm chủ - lại “bỗng dưng muốn… khóc”! Xét về mật độ xuất hiện của các chức danh lãnh đạo các ngân hàng thương mại cổ phần trên Google Search, từ khóa “bầu Hiển” xuất hiện với 8,25 triệu kết quả, tính ở thời điểm tháng 6/2012.

Ông Hiển đã thành công trong lĩnh vực bóng đá với thương hiệu cá nhân “bầu Hiển”, cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng và… Google. Vậy ông có phải nhà lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc? Thương hiệu cá nhân của ông có giúp tạo ra thương hiệu mạnh cho SHB?

Rất khó kiểm chứng. Nhưng phong cách lãnh đạo của ông Hiển trong ngành ngân hàng được cho là giống phong cách ngẫu hứng của bầu Hiển trong bóng đá. Ông cũng nhận người, dùng người thông qua các mối quan hệ thân quen. Mọi quyết định lớn, nhỏ trong ngân hàng một tay ông quyết.

Về mặt chiến lược định vị thông điệp truyền thông, mỗi ngân hàng đều nhấn mạnh một thuộc tính nổi bật nào đấy (selling point) để tạo khác biệt với đối thủ. Chẳng hạn, ngân hàng Techcombank là “Tiềm lực tài chính vững mạnh và ngân hàng số 1 về Internet banking”. Nhưng với SHB, khách hàng không rõ điểm mạnh, tiêu biểu của ngân hàng này là gì. Việc SHB nhấn mạnh chữ “tín” trong slogan “Đối tác tin cậy, giải pháp phù hợp” không phải là thông điệp khác biệt. Vì “tin cậy” phải trở thành yếu tố nghiễm nhiên, không thể thiếu đối với bất cứ một ngân hàng nào.

Việc thương hiệu cá nhân có ảnh hưởng đến thương hiệu công ty là bình thường. Vấn đề là mức độ tương tác của thương hiệu cá nhân (thường là người sáng lập-ông chủ) đối với công ty như thế nào? Không riêng gì ở Việt Nam (khi mức độ nhạy cảm lớn hơn và dễ tổn thương hơn vì môi trường kinh doanh thiếu minh bạch) mà cả trên thế giới, đây là vấn đề chiến lược cần được cân nhắc đối với bất kỳ thương hiệu nào.

Khi uy tín của ông chủ ảnh hưởng lớn tới thương hiệu công ty thì rủi ro lớn là  uy tín thương hiệu công ty lệ thuộc vào sự thăng trầm của thương hiệu cá nhân của người chủ. Ngay cả mối lương duyên hoàn hảo Steve Jobs - Apple cũng gặp rắc rối lớn khi Jobs còn sống, ông “hắt hơi sổ mũi” là ngay lập tức giá cổ phiếu Apple rung động theo.

Về bầu Hiển và SHB, đến giai đoạn phát triển hiện nay khi SHB đã có chỗ đứng và độ nhận diện tương đối tốt, thương hiệu của ngân hàng nên tách khỏi tầm ảnh hưởng của bầu Hiển càng sớm càng tốt. Cứ nhìn ví dụ bầu Kiên để hiểu tại sao. Vì lẽ đó, xem ra ông chủ SHB nên trao quyền nhiều hơn cho cấp dưới trong vấn đề quản trị ngân hàng.

(Nguồn: Doanh Nhân)