11:22 25/06/2007

Nhìn lại kinh tế Tp.HCM 6 tháng đầu năm

Phùng Văn

Sáu tháng đầu năm 2007, kinh tế Tp.HCM đã đạt tốc độ tăng trưởng GDP 11,2%, cao nhất trong 5 năm gần đây

Để đạt mức tăng trưởng chung cả năm theo yêu cầu đã đề ra là 12,2%- 12,5%, Tp.HCM cần nhiều nỗ lực vượt bậc hơn nữa trong 6 tháng cuối năm.
Để đạt mức tăng trưởng chung cả năm theo yêu cầu đã đề ra là 12,2%- 12,5%, Tp.HCM cần nhiều nỗ lực vượt bậc hơn nữa trong 6 tháng cuối năm.
Sáu tháng đầu năm 2007, kinh tế Tp.HCM đã đạt tốc độ tăng trưởng GDP 11,2% và là mức tăng trưởng cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm gần đây.

Tuy nhiên để đạt mức tăng trưởng chung cả năm theo yêu cầu đã đề ra là 12,2%- 12,5%, thì 6 tháng cuối năm cần nhiều nỗ lực vượt bậc hơn nữa.

Các số liệu thống kê ghi nhận: trong 11,2% tăng trưởng chung, khu vực thương mại-dịch vụ đóng góp 6,24%; khu vực công nghiệp-xây dựng đóng góp 5,02%; khu vực nông lâm-thủy sản làm giảm đi 0,04%. Điều này cho thấy, lần đầu tiên trong suốt nhiều năm qua, khu vực thương mại-dịch vụ đã có mức đóng góp cao nhất (55,1%) trong giá trị gia tăng kinh tế chung của thành phố.

Giá trị tăng thêm khu vực nông lâm thủy sản đạt 1.152 tỷ đồng, chỉ chiếm 1,2% GDP, giảm 3,0%; trong đó thủy sản giảm đến 7,4% về giá trị sản xuất. Giá trị tăng thêm của khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 48.779 tỷ đồng, chiếm 49,3% GDP, tăng 10,3% (cùng kỳ tăng 10,8%). Trong đó công nghiệp tăng 10%, mức tăng này chậm hơn so với cùng kỳ năm 2006 (11,1%) do sản xuất gặp nhiều khó khăn cả về đầu vào lẫn đầu ra. Ngành xây dựng có nhiều thuận lợi, do vốn đầu tư xã hội tăng cao, đạt mức tăng 13,4% (cùng kỳ tăng 8,0%).

Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ đạt 49.038 tỷ đồng, chiếm 49,5% GDP, tăng 12,5%, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước (10,5%). Trong đó giá trị tăng thêm ngành thương nghiệp tăng 12,2% (cùng kỳ tăng 11,9%), ngành khách sạn nhà hàng tăng 17% (cùng kỳ tăng 10,2%), vận tải bưu điện tăng 13,5% (cùng kỳ tăng 10%).

Nhiều chuyên gia và quan chức các ngành chức năng khẳng định rằng, xu hướng tăng và mức tăng cao nhất của khu vực dịch vụ so với các khu vực khác trong nền kinh tế thành phố thời gian qua, đã cho thấy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đang đi đúng hướng.Các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ trên thị trường thành phố luôn được các nhà cung cấp thuộc các thành phần kinh tế điều chỉnh cho phù hợp với thị hiếu tiêu dùng từ thấp đến cao của dân cư, nên đã thu được nhiều kết quả khả quan.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm nay tăng 27% (trong khi cùng kỳ năm trước chỉ tăng 20,4%). Trong đó doanh thu khách sạn, nhà hàng tăng 31,3% (riêng khách sạn tăng 42,5%, du lịch lữ hành tăng 22,8%... Nếu loại trừ yếu tố biến động giá thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ này tăng 18,6% (so với cùng kỳ năm trước là 11,8%).

Khu vực kinh tế trong nước chiếm 96,6% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, đạt mức tăng 26,6% (cùng kỳ tăng 20%). Khu vực có vốn FDI có mức tăng 40,3% (cùng kỳ tăng 36,7%), nguyên nhân là do doanh thu của ngành khách sạn chiếm 70,1% trong tổng doanh thu của khu vực này tăng tới 59,9% (cùng kỳ tăng 41,6%).

Ước tính trong 6 tháng đã có gần 1,28 triệu lượt khách quốc tế, trong đó khách Mỹ chiếm tỷ lệ lớn nhất đã đến thành phố. Tổng doanh thu về du lịch (bao gồm khách sạn và du lịch lữ hành) tăng 30,8% (cùng kỳ tăng 32,1%).

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn 6 tháng đạt 6.568,3 triệu USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 17%). Loại trừ trị giá dầu thô, kim ngạch xuất khẩu thực hiện được 2.816,5 triệu USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 11%); trong đó kinh tế Nhà nước tăng 13,4%. Các mặt hàng gạo, thủy sản, sữa, may mặc, và giày dép chiếm tỷ trọng 66,6% trong tổng trị giá xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước (không kể dầu thô).

Vốn huy động đến cuối tháng 6 khoảng 383.968 tỷ đồng, tăng 68,6% so với cùng kỳ, tăng 34,5% so với đầu năm (các chỉ số này ở 6 tháng đầu 2006 là 36,1% và 25,0%). Vốn huy động bằng ngoại tệ chiếm 26, 9% tổng vốn huy động, tăng 37,5% so cùng kỳ và tăng 17,5% so với đầu năm. Tổng dư nợ tín dụng đến cuối tháng 6 khoảng 288.159 tỷ đồng, tăng 47,0% so cùng kỳ, tăng 25,4% so với đầu năm (các chỉ số này ở 6 tháng đầu 2006 là 24,7% và 12,2%)...

Theo ghi nhận, tổng vốn đầu tư trên địa bàn trong 6 tháng đầu ước thực hiện đạt 27.424 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 17,2%). Trong đó vốn đầu tư xây dựng cơ bản ước thực hiện 23.763 tỷ đồng, so với kế họach năm đạt 38,6%.

Nguyên nhân là do các dự án khởi công mới ở các quận huyện đều vướng Nghị định 16 và Nghị định 112; kế hoạch vốn giao chậm; nhiều hạng mục công trình, giá bỏ thầu cao hơn giá dự toán, nên nhiều dự án phải đấu thầu nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ; giá đền bù không phù hợp với thực tế, nhiều dự án chậm giải tỏa, không có mặt bằng thi công; quy hoạch không đáp ứng thực tế, có dự án phải di dời giải tỏa đến hai lần...

Đến nay nhiều công trình trọng điểm của thành phố vẫn còn khá ì ạch, do còn vướng giải tỏa mặt bằng... hoặc do gặp khó khăn về nguồn vốn. Các dự án Nhiêu Lộc-Thị Nghè, chương trình chống ngập lụt tại thành phố vẫn chưa có những kết quả thực sự khả quan, còn nhiều nhếch nhác và không biết đến bao giờ mới có thể hoàn thành đảm bảo yêu cầu, mục tiêu của các dự án này.