09:17 12/12/2008

PCI 2008: Đánh giá của địa phương “rớt hạng”

Anh Quân

VnEconomy hỏi chuyện đại diện một số địa phương bị lùi thứ bậc trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Một góc cửa khẩu quốc tế tại Lào Cai.
Một góc cửa khẩu quốc tế tại Lào Cai.
Lào Cai lùi 3 bậc xuống vị trí thứ 8, Thái Nguyên trượt xuống nhóm cuối bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2008.

Để tìm hiểu đánh giá của nhà quản lý tại các địa phương “rớt hạng” về chỉ số này, VnEconomy đã hỏi chuyện ông Vũ Hùng, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên, ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó chủ tịch, và ông Doãn Văn Hưởng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai.

Nỗ lực không vì thứ hạng!

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh mới được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố có thể hiện đúng tình hình tại địa phương?

Ông Nguyễn Văn Vịnh: So với 2007, Lào Cai có sụt hạng từ thứ 5 xuống thứ 8, nhưng trong các tỉnh phía Bắc thì chúng tôi vẫn đứng thứ hai, sau Vĩnh Phúc.

Chúng tôi cho rằng công bố của VCCI vừa rồi đã phản ánh nỗ lực của Lào Cai trong việc phấn đấu cải thiện điểm số PCI.

Ông Doãn Văn Hưởng: Tôi cho rằng những nỗ lực của tỉnh nhắm đến mục tiêu làm sao cho kinh tế xã hội phát triển theo hướng phát huy được lợi thế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội phát triển. Chúng tôi nỗ lực không vì để đứng trong thứ hạng nào đó.

Ông Vũ Hùng: Thực ra đây là chỉ số khá tổng hợp. Để phát triển toàn diện thì đánh giá sẽ đúng. Nếu anh chỉ tập trung vào phát triển kinh tế mà thủ tục anh xem nhẹ thì vẫn sẽ cản trở phát triển.

Chính quyền địa phương thể hiện sự quan tâm thế nào đến chỉ số PCI, thưa ông?

Ông Vũ Hùng: PCI đánh giá một cách toàn diện về phát triển kinh tế và triển vọng thu hút đầu tư. Điều quan trọng nhất là điều hành phải tốt, rồi đến cải cách thủ tục hành chính và phát triển cơ sở hạ tầng. Ba cái đó, nếu phát triển được thì thu hút đầu tư sẽ tốt hơn.

Các cơ quan tham mưu, đặc biệt là ngành kế hoạch và đầu tư chúng tôi có nghiên cứu PCI để cụ thể hóa vào nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư. Ngay sau lần công bố chỉ số đầu tiên vào năm 2005, chúng tôi đã có nghiên cứu và trong chiến lược thu hút đầu tư giai đoạn 2006-2010, một số tiêu chí đã được xem xét và cụ thể hóa.

Ông Nguyễn Văn Vịnh: Lào Cai chúng tôi luôn bám sát các chỉ tiêu PCI để soi lại mình, xem đã làm được gì, chưa làm được gì, những điểm mạnh, điểm yếu, hạn chế, tồn tại, rồi từ đó có những điều chỉnh để góp phần cải thiện công tác điều hành, cải thiện môi trường đầu tư, giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn.

Chúng tôi có tới 7 chương trình đề án lớn và 29 đề án chuyên đề của Ban chấp hành tỉnh Đảng bộ Lào Cai khóa 13 tập trung vào phát triển kinh tế xã hội, trong đó có rất nhiều nhóm cơ chế, chính sách để giải quyết những vấn đề doanh nghiệp thường gặp phải.

Trong cạnh tranh về môi trường đầu tư, chúng tôi đặt mục tiêu phấn đầu xếp hạng PCI ngày càng cao.

Cần cải thiện đồng bộ các chỉ tiêu

Trong 10 tiêu chí, theo ông những “đột phá khẩu” nào dễ cải thiện để nâng thứ hạng?

Ông Vũ Hùng: Trước hết là các vấn đề về thể chế. Liên quan đến điều hành thì trách nhiệm thuộc UBND tỉnh. Có những cơ chế, chính sách đặc thù thì liên quan đến ngành nào, chúng tôi đề nghị các ngành đó cùng xây dựng.

Đối với ngành kế hoạch và đầu tư, chúng tôi đã có nhiều cải cách trong thực hiện một cửa liên thông. Trước kia thì doanh nghiệp phải đến tài nguyên môi trường xem đất thế nào, đến xây dựng xem quy hoạch, đến tài chính xem giá cả đất đai… Hiện nay nhà đầu tư rút ngắn thời gian vì không phải gặp từng ngành.

Ông Nguyễn Văn Vịnh: Trong 10 chỉ số thì những cái thuộc về chủ quan như cơ chế chính sách, liên quan đến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường... chúng tôi cho là dễ làm nhất và phải làm đầu tiên.

Các thủ tục phải thường suyên được rà soát để làm thế nào tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp.

Ông Doãn Văn Hưởng: Trong các tiêu chí, đáng chú ý có sự năng động của lãnh đạo tỉnh. Thứ hai là môi trường đầu tư. Một điểm nữa là thủ tục hành chính.

Để cải thiện các tiêu chí này, chúng tôi điều chỉnh các nhóm cơ chế, chính sách, bằng những chỉ đạo cụ thể trong công việc để tập trung tháo gỡ những điểm doanh nghiệp thường mắc phải như giải phóng mặt bằng, tổ chức thực hiện các dự án, cũng như trong việc áp các chính sách ưu đãi trên địa bàn.

Theo ông, những chỉ số nào vượt ra ngoài khả năng của tỉnh trong cải thiện điểm số?

Ông Vũ Hùng: Có những điểm địa phương biết nhưng không thể cải thiện được, ví dụ như vấn đề hạ tầng. Quốc lộ đi qua thì không thuộc thẩm quyền địa phương. Cảng, nhà ga trên địa bàn tỉnh nhưng thuộc quản lý trung ương...

Hơn nữa, về môi trường đầu tư thì có những chỉ số rất quan trọng nhưng lại mang đặc thù riêng, khó so sánh, đó là vị trí địa kinh tế. Nếu anh gần cảng biển, cảng sông thì doanh nghiệp họ quan tâm hơn.

Ông Doãn Văn Hưởng: Trong các chỉ số ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đầu tư của Lào Cai năm nay thì cơ sở hạ tầng là hạn chế lớn nhất với chúng tôi.

Lào Cai có hai thế mạnh là xuất, nhập khẩu hàng hóa qua của khẩu biên giới với Trung Quốc và phát triển dịch vụ du lịch sinh thái và danh lam thắng cảnh.

Hiện nay, đường bộ Hà Nội - Lào Cai đang xuống cấp và việc nâng cấp thì chưa hoàn thành. Hai là đường cao tốc Lào Cai - Hà Nội thì năm 2009 mới bắt đầu khởi công. Thứ ba nữa là đường sắt Hà Nội - Lào Cai thì đã quá tải, cũng nằm trong chương trình cải tạo.

Như thế thì khách đến Lào Cai sẽ khó khăn, hàng hóa đến Lào Cai cũng sẽ khó khăn. Nếu các dự án này được triển khai nhanh và đúng tiến độ thì sẽ giúp sức cho Lào Cai cải thiện được môi trường đầu tư của mình.

Ông Nguyễn Văn Vịnh: Một điểm nữa là thiếu hụt nguồn nhân lực có tay nghề kỹ thuật, đáp ứng cho doanh nghiệp. Do đặc thù của tỉnh miền núi, dân trí còn hạn chế nên vấn đề này chúng tôi đã nỗ lực nhưng cải thiện chưa nhiều.

PCI đánh giá năng lực điều hành của địa phương thì vai trò của người lãnh đạo như thế nào trong cải thiện điểm số, thưa ông?

Ông Vũ Hùng: Đây là yếu tố rất quan trọng vì lãnh đạo là người quyết định. Nhưng hiệu quả điều hành còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan, đó là mặt bằng chung của nền kinh tế, xã hội.

Để cải thiện môi trường đầu tư thì không chỉ một tiêu chí nào mà cần phải cài thiện đồng bộ tất cả các chỉ tiêu. Một cái ô tô máy rất tốt, xăng dầu đầy, lái giỏi, nhưng nếu lốp xịt hơi thì cũng không thể hoạt động tốt được.

Không thể cải thiện một sớm một chiều

Ông có nghĩ là nếu xếp hạng hàng năm thì khó thể hiện những cải thiện của địa phương mà cần phải một khoảng thời gian dài hơn?

Ông Doãn Văn Hưởng: Cái khó là nhiều chỉ số không thể cải thiện một sớm một chiều được mà cần thời gian, ví dụ như nguồn nhân lực. Nó cũng đòi hỏi tỉnh phải có một chiến lược rõ ràng cùng nhiều giải pháp khác nhau...

Ông Vũ Hùng: Tôi nghĩ cần có một lộ trình dần dần, cải thiện dần dần đồng bộ từ hạ tầng đến các vấn đề thủ tục, môi trường đầu tư...

Năm 2009 được cho là khó khăn hơn. Liệu doanh nghiệp có đánh giá thấp những nỗ lực của địa phương trong cải thiện môi trường đầu tư...

Ông Doãn Văn Hưởng: Khó khăn không chỉ tập trung ở Lào Cai mà là khó khăn chung của các tỉnh, thành cả nước. Trong bối cảnh khó khăn đó thì tỉnh nào năng động hơn, tỉnh nào nắm được thời cơ hơn thì sẽ giữ được vị trí của mình.

Tôi cho rằng Lào Cai đã nhận thức được vấn đề đó và sẽ giữ được vị thế của mình.

* 10 chỉ số thành phần của PCI:

- Chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân
- Tính minh bạch và Khả năng tiếp cận thông tin
- Đào tạo lao động
- Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh
- Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước
- Thiết chế pháp lý
- Ưu đãi đối với doanh nghiệp Nhà nước và Môi trường cạnh tranh
- Chi phí không chính thức
- Tiếp cận đất đai và Sự ổn định trong sử dụng đất
- Chi phí gia nhập thị trường