10:47 21/01/2010

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Vẫn nằm trong... nghị định

Đặng Hương

Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam mới chỉ trong giai đoạn sản xuất giản đơn dưới sự hướng dẫn của nước ngoài

Ngành dệt may vẫn phải nhập khẩu nhiều phụ liệu - Ảnh: Việt Tuấn.
Ngành dệt may vẫn phải nhập khẩu nhiều phụ liệu - Ảnh: Việt Tuấn.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ, một vấn đề không mới, song cũng không phải quá cũ khi đề cập đến những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế dài hạn của Việt Nam. Lý luận về vấn đề này đã khá đầy đủ song từ nhận thức đến thực tiễn thì vẫn là một khoảng cách khá xa.

Đây chính là một trong những điểm thu hút được sự quan tâm của đại diện các bộ ngành, các tổ chức nước ngoài cũng như các đại diện của giới doanh nghiệp nhỏ và vừa tại hội nghị "Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong ngành công nghiệp hỗ trợ và sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa" do Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JERI) phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 20/1.

Sự tham gia của doanh nghiệp vừa và nhỏ

Tính đến hết tháng 12/2009, cả nước có khoảng 460.000 doanh nghiệp đã đăng ký thành lập. Dự kiến, kế hoạch phát triển 500.000 doanh nghiệp của Chính phủ vào năm 2010 sẽ vượt mục tiêu.

Điều này cũng cho thấy, mặc dù khủng hoảng kinh tế 2008-2009 ít nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và thị trường xuất khẩu, thị trường tài chính nói riêng, nhưng xu hướng thành lập doanh nghiệp mới vẫn gia tăng và khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn thể hiện là một thành phần kinh tế quan trọng trong phát triển thị trường nội địa và giải quyết vấn đề thất nghiệp.

Từ khi Nghị định 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 (thay thế Nghị định 90/2001/NĐ-CP) về trợ giúp phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, những hạn chế của nghị định cũ như chưa có tiêu chí cụ thể về quy mô doanh nghiệp vừa, nhỏ và cực nhỏ cũng như các chính sách, biện pháp, chương trình trợ giúp cụ thể... đã phần nào được giải quyết. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã có nhiều "mảng miếng" hơn để cùng tham gia vào quá trình phát triển kinh tế đất nước, trong đó có sự tham gia vào ngành công nghiệp hỗ trợ, những tập đoàn lớn, những công ty hàng đầu vẫn là những đầu tàu trong phát triển công nghiệp Việt Nam.

Ông Mitsuo Sakaba, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, tự do hoá thương mại và toàn cầu hóa nền kinh tế như hiện nay đem đến cho Việt Nam những cơ hội kinh doanh lớn cũng như những thách thức, trở ngại lớn không kém. Cho dù là sản phẩm sơ cấp hay là các sản phẩm công nghiệp thì nếu không thể sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm cao với giá thành rẻ thì nền kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

Đặc biệt, trong lĩnh vực sản phẩm công nghiệp, các nước trong khối ASEAN và Trung Quốc đang cạnh tranh với nhau sản xuất số lượng lớn các mặt hàng giống nhau, vì thế nếu sản phẩm của Việt Nam không có đủ năng lực cạnh tranh quốc tế thì lĩnh vực công nghiệp này sẽ bị suy yếu và phải chấp nhận số phận bị biến mất. "Vậy thì, câu hỏi đặt ra là các sản phẩm của Việt Nam liệu có thể thắng được trong sự cạnh tranh quốc tế hà khắc?", Đại sứ Mitsuo Sakaba bày tỏ quan ngại.

Xây dựng cơ chế ưu đãi

Hiện nay, Việt Nam mới chỉ trong giai đoạn 1 của quá trình dài hơi từ thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ban đầu tới nội địa hóa linh phụ kiện, nội lực hóa kỹ năng và công nghệ và nội lực hóa sáng chế. Điều này có nghĩa là ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam mới chỉ trong giai đoạn sản xuất giản đơn dưới sự hướng dẫn của nước ngoài.

Thu hút FDI được coi là một nhân tố quan trọng để dẫn nguồn cho sự phát triển ngành công nghiệp Việt Nam. Ngành công nghiệp hỗ trợ của nước ta hiện nay vẫn chưa phát triển và đây cũng là lý do khiến các doanh nghiệp nước ngoài hay các doanh nghiệp đang đầu tư tại Việt Nam lo lắng hay thậm chí cân nhắc tới khả năng rút lui khỏi Việt Nam, xem xét tới thị trường những nước láng giềng.

Hiện nay, thị trường trong nước chỉ có thể đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu về sợi polyeste, 5-15% hóa chất cho ngành dệt may, ngành da giày vẫn phải nhập khẩu đế giày, mũi giày và các phụ liệu khác, cơ cấu sản phẩm điện tử mất cân đối khi điện tử dân dụng chiếm 90% cơ cấu hàng hóa, tỷ lệ nội địa hóa của ngành sản xuất lắp ráp ô tô chỉ đạt 10% (đối với dòng xe sedan)... Việt Nam mới đang trong quá trình xây dựng nghị định về ưu đãi phát triển công nghiệp hỗ trợ mà chưa có luật về công nghiệp hỗ trợ.

Theo ông Ngô Văn Trụ, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương, trọng tâm ưu đãi phát triển công nghiệp hỗ trợ sẽ thuộc các ngành chính là dệt may, da giày, điện tử - tin học, sản xuất lắp ráp ôtô và cơ khí chế tạo.

Còn quan điểm của đại diện doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Lê Tuân, Giám đốc LeGroup, xây dựng nghị định ưu đãi phát triển công nghiệp hỗ trợ là điều mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ đặc biệt quan tâm. Nhưng việc xác định 5 ngành công nghiệp hỗ trợ mà dự thảo nghị định ưu đãi đưa ra dường như vẫn còn quá rộng đối với các doanh nghiệp.

Ông Tuân cũng cho biết thêm, thực tế ở Nhật Bản cho thấy, có những doanh nghiệp vẫn khá thành công ngay cả khi ứng dụng công nghệ từ những năm 60-70 để sản xuất ra những sản phẩm phục vụ cho ngành công nghiệp trong nước. Sự thành công của những doanh nghiệp này là do họ xác định được câu trả lời sản xuất ra sản phẩm gì, phục vụ đối tượng cụ thể nào... chứ không phải là một ngành công nghiệp hỗ trợ chung cho tất cả.