17:24 23/09/2009

Phát triển ngành điện: “Cơ chế giá là khó khăn lớn nhất”

Nguyễn Lê

Việc thực hiện các mục tiêu trong quy hoạch điện giai đoạn 2009 – 2015 đang “chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bất lợi”

Trong 2 năm 2007 và 2008, điện được sản xuất thấp hơn so với dự báo.
Trong 2 năm 2007 và 2008, điện được sản xuất thấp hơn so với dự báo.
“Cơ chế giá điện còn nhiều bất cập ảnh hưởng tới khả năng tích lũy cho đầu tư các dự án theo quy hoạch điện VI. Đây là khó khăn lớn nhất đối với sự phát triển của ngành điện nói chung cũng như việc hình thành thị trường điện mang tính cạnh tranh ở nước ta.”

Nhận định này được đưa ra tại dự thảo Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành điện đến năm 2015” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thực hiện.

Ngày 23/9, Ủy ban Kinh tế đã họp và cho ý kiến vào kết quả giám sát này.

Theo yêu cầu của Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành điện, tới năm 2010, ngành điện phải đạt sản lượng từ 88 tỷ đến 93 tỷ kWh để đảm bảo nhu cầu tiêu thụ năng lượng của đất nước dự báo tăng từ 17-20%/năm.

Và dự báo, đến năm 2015, do nhu cầu tăng cao vượt mức 150 tỷ kWh nên nhiều khả năng nước ta phải nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc.

Trong khi đó, việc thực hiện các mục tiêu trong quy hoạch điện giai đoạn 2009 – 2015 đang “chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bất lợi”.

Nhiều dự án chưa có chủ đầu tư

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 - 2015 có xét đến 2025 (Quy hoạch điện VI) trong giai đoạn 2006 – 2008 được đánh giá là “cơ bản hoàn thành”.

Đây cũng là giai đoạn ngành điện thực hiện quy mô lớn nhất  trong 6 quy hoạch điện quốc gia từ trước đến nay nhưng một số công trình nguồn điện chưa đạt mục tiêu đề ra.

Không ít hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra như: chưa tạo được nguồn điện dự phòng, thiếu điện cung ứng cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân trong một số thời điểm, nhất là vào những năm nắng nóng, hạn hán hoặc khi một trong các nhà máy điện có sự cố.

Nguyên nhân chủ quan “cần phải nhấn mạnh”, theo cơ quan giám sát là cách tính toán nhu cầu phát triển điện dựa trên tốc độ tăng trưởng kinh tế là chưa thật sự hợp lý.

Khó khăn trong thu xếp vốn, năng lực quản lý dự án của nhiều chủ đầu tư và nhà thầu hạn chế, giải phóng mặt bằng kéo dài…là những nguyên nhân khác được báo cáo đề cập.

Cạnh đó, một nguyên nhân nữa được nhấn mạnh là tiến độ xây dựng thị trường điện cạnh tranh chậm, chưa giải quyết được những vướng mắc về cơ chế giá mua bán điện nên chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư.

Với giai đoạn 2006 – 2015, theo quy hoạch điện VI sẽ có 54 dự án nguồn điện do chủ đầu tư ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện dưới hình thức IPB/BOT. Tuy nhiên cho đến nay mới có 6 dự án  hoàn thành, công suất 2.059 MW, đạt 5,6 % kế hoạch. 9 dự án lớn với tổng công suất 15.275 MW thậm chí chưa có chủ đầu tư.

Thiếu 382.931 tỷ đồng vốn

Việc thiếu vốn đầu tư có thể dẫn tới chậm tiến độ trong phát triển nguồn điện và lưới điện trong những năm còn lại của quy hoạch điện VI, Ủy ban Kinh tế nhận định.

Tổng nhu cầu đầu tư và trả nợ của giai đoạn 2009 – 2015 của EVN là 647.038 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư là 491.127 tỷ cho cả nguồn và lưới điện, trả nợ gốc và lãi là 155.912 tỷ đồng. Tuy nhiên, giai đoạn này EVN chỉ có khả năng cân đối được 264.108 tỷ đồng, còn thiếu khoảng 382.931 tỷ đồng.

Nguyên nhân chậm trễ đối với các dự án nguồn do chủ đầu tư ngoài EVN thực hiện là do khả năng tài chính không đáp ứng yêu cầu, các dự án có tổng mức đầu tư trên 1 tỷ USD đều gặp khó khăn về vốn, báo cáo viết.

Cơ chế giá bất hợp lý

“Hiện nay giá bán điện của EVN trung bình 5,2cent/kWh là mức rất thấp”, báo cáo giám sát nêu. Bởi theo EVN, mức chi phí biên dài hạn đảm bảo có lãi và tích lũy cho đầu tư phát triển phải là 7,5 cent/kWh.

Vì lý do này trong thời gian trước mắt EVN không thể trông đợi vào nguồn tích lũy từ lợi nhuận để đầu tư cho các công trình theo quy hoạch điện VI mà chủ yếu dựa vào vốn vay từ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, theo báo cáo của EVN thì tập đoàn này đang gặp rất nhiều  khó khăn trong việc đàm phán vay vốn cả trong và ngoài nước do khó có khả năng trả nợ vì hiệu quả dự án không cao, giá điện thấp.

“Cơ chế giá bất hợp lý hiện nay cũng là trở ngại lớn trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài cho phát triển ngành điện. Trong 10 năm qua không có nhà đầu tư nước ngoài nào bỏ vốn đầu tư vào ngành điện”, Ủy ban Kinh tế đánh giá.

Bất cập tiếp theo được chỉ ra là nguyên tắc bù chéo của giá bán điện khiến EVN khó tách lợi nhuận kinh doanh và phần thực hiện nhiệm vụ công ích. Đây là một trong những lý do dẫn đến chậm trễ trong cổ phần hóa. Đến nay mới có 9/33 đơn vị thành viên của EVN hoàn thành cổ phần hóa. Điều này đã ảnh hưởng đến khả năng đầu tư cho các công trình theo quy hoạch điện VI từ nguồn phát hành cổ phiếu.

Từ nhận định giá điện thấp là  “điểm chốt” ảnh hưởng nhiều nhất đến sự phát triển của ngành điện,Ủy ban Kinh tế kiến nghị việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường cần được thực hiện theo tiến độ đã được xác định, bảo đảm nhà đầu tư, kinh doanh điện bù đắp được chi phí và có lãi hợp lý.

Về tổ chức và quản lý ngành điện, cơ quan giám sát kiến nghị thành lập một cơ quan đủ thẩm quyền (ví dụ như Bộ Năng lượng) để tính toán vĩ mô về toàn bộ chiến lược an ninh năng lượng Quốc gia để giải quyết vấn đề lập quy hoạch, kế hoạch, cơ chế...