10:21 10/03/2008

Phong phú như… tranh chấp thương mại

Hồng Thoan

Nội dung cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Minh Chí, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam

"Những doanh nghiệp Việt Nam khi phải đương đầu với những tranh chấp này thì quả thực là một khó khăn, thử thách lớn".
"Những doanh nghiệp Việt Nam khi phải đương đầu với những tranh chấp này thì quả thực là một khó khăn, thử thách lớn".
Nội dung cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Minh Chí, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam.

Hoạt động thương mại ngày càng phong phú, đa dạng và phức tạp thì những tranh chấp thương mại cũng ngày càng phong phú, đa dạng và phức tạp. Ông bình luận như thế nào về nhận định này?

Đúng vậy, hoạt động thương mại trong thời kỳ hội nhập quá phong phú, đa dạng và phức tạp. Hoạt động thương mại không còn bó hẹp như trước nữa mà bao gồm cả mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, phân phối, đại diện, đại lý, ký gửi, thuê, cho thuê, thuê mua, kỹ thuật, licence, tư vấn, đầu tư tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thăm dò, khai thác, vận chuyển hành khách, hành lý...

Trong quá trình xét xử của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, chúng tôi thấy rằng những tranh chấp thương mại hiện đã phát sinh ở hầu hết các lĩnh vực này.

Trước đây, khi chúng tôi xử lý về tranh chấp thường là xử lý tranh chấp về mua bán hàng hoá và một phần về cung ứng dịch vụ, nhưng bây giờ phát sinh ra nhiều vụ tranh chấp mà ngay cả những luật sư, những trọng tài biên và các doanh nghiệp của chúng ta rất ngỡ ngàng, như tranh chấp giữa người đại lý và nhà giao đại lý, tranh chấp giữa các nhà phân phối với các công ty của Việt Nam làm nhà phân phối, tranh chấp giữa các thành viên trong liên doanh (một bên là nước ngoài, một bên là Việt Nam).

Đặc biệt, mới đây còn phát sinh ra cả những tranh chấp về mua bán licence, nhượng quyền thương mại... rất phong phú và đa dạng.

Những doanh nghiệp Việt Nam khi phải đương đầu với những tranh chấp này thì quả thực là một khó khăn, thử thách lớn. Bởi đại bộ phận các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí các chuyên gia nước ngoài đánh giá rằng ở Việt Nam không chỉ có nhiều doanh nghiệp nhỏ mà còn có nhiều doanh nghiệp quy mô cực nhỏ (tôi đã chứng kiến một doanh nghiệp Việt Nam có quy mô rất nhỏ nên để xuất khẩu được 5.000 tấn cà phê thì phải vay vốn ở vài ngân hàng vì chưa đủ tin cậy để có thể vay vốn lớn ở 1 ngân hàng).

Việc tranh chấp giữa các doanh nghiệp nhỏ nếu không được giải quyết khéo sẽ nảy ra những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Chẳng hạn, có doanh nghiệp nhỏ kinh doanh trong hơn 10 năm liền có lãi, nhưng chỉ để giải quyết một vụ tranh chấp thương mại đã bị thua thiệt mất gấp 3-4 lần toàn bộ số lãi từng thu được. Nhiều lúc tôi cảm thấy rất đau lòng trước thất thoát, thua thiệt của các doanh nghiệp.

Vậy thực trạng tranh chấp thương mại giữa các doanh nghiệp Việt Nam và giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài hiện nay đang diễn biến ra sao, thưa ông?

Trước đây, đại đa số các vụ kiện, khoảng 80%, là do doanh nghiệp nước ngoài kiện doanh nghiệp Việt Nam, nhưng trong khoảng 3-4 năm gần đây thì số lượng các vụ kiện do doanh nghiệp Việt Nam kiện các doanh nghiệp nước ngoài lại nhiều hơn. Trong năm 2007 vừa qua, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đã tổng kết có tới 60% các đơn kiện là của các doanh nghiệp Việt Nam kiện các doanh nghiệp nước ngoài.

Nguyên nhân của sự chuyển đổi này là do trước đây các doanh nghiệp Việt Nam có tiềm lực yếu, hiểu biết ít nên khi ký kết hợp đồng thì thường vi phạm hợp đồng cho nên các doanh nghiệp nước ngoài hay kiện. Còn hiện tượng ngược lại như hiện nay là do chúng ta tiến vào hội nhập từ các doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ “bơi ra biển lớn” nên còn rất nhiều non kém.

Chính vì thế, các doanh nghiệp nước ngoài thường lợi dụng sự non kém của các doanh nghiệp Việt Nam cho nên trong các phi vụ làm ăn thì các doanh nghiệp Việt Nam thường bị lép vế và dẫn đến thua thiệt. Mà để tự bảo vệ mình khỏi bị thua thiệt thì buộc doanh nghiệp Việt Nam phải đi kiện doanh nghiệp nước ngoài.

Vấn đề thứ hai mà chúng tôi nhìn nhận ra, đó là khi đi vào hội nhập, có một số tri thức rất cơ bản mà các doanh nghiệp Việt Nam chưa nắm được, đó là những quy định của các điều ước quốc tế, những quy định của WTO, chính vì vậy khi ra thế giới doanh nghiệp của chúng ta bỡ ngỡ. Tôi tiếp xúc với một số doanh nghiệp đã ký được những hợp đồng rất lớn với đối tác nước ngoài nhưng họ lại chia sẻ rằng họ không nắm được những quy định của nước nhập khẩu và của thế giới như thế nào mà họ chỉ nắm được những quy định trong hợp đồng thôi.

Hiện nay, tuy đã có các điều ước quốc tế nhưng chúng ta lại quên một điều ở mỗi nước lại có những quy định, luật lệ riêng, miễn là những quy định, luật lệ đó không trái với những điều ước quốc tế mà họ đã ký. Cho nên có những trường hợp, khi xuất khẩu hàng hoặc nhập khẩu hàng chúng ta vấp phải những quy định riêng của những nước có đối tác.

Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi các nước chịu ràng buộc bởi nhiều hiệp định thì các nước lại đưa ra những rào cản kỹ thuật. Một ví dụ như rào cản an toàn vệ sinh thực phẩm. Vừa rồi, chúng tôi đã chứng kiến một doanh nghiệp xuất khẩu 5.000 tấn lạc nhưng khi sang tới cảng thì hàng không được nhập khẩu vì một lý do hết sức đơn giản là hàm lượng aflatoxin ở nước đó quy định thấp, trong khi doanh nghiệp ký kết hợp đồng lại không để ý nên phải chở toàn bộ 5.000 tấn lạc về nước.

Trình độ đàm phán và ký kết hợp đồng của các doanh nghiệp còn quá đơn giản và sơ lược trong khi đó các mối quan hệ thương mại ngày càng phong phú, phức tạp cho nên những hợp đồng ký kết theo kiểu cũ không còn phù hợp nữa. Có những hợp đồng ký kết của các đối tác nước ngoài dày tới 100 trang, trong đó có đầy đủ phụ lục kèm theo. Trong khi nhiều hợp đồng của chúng ta chỉ có 2 - 3 trang là có chữ ký.

Còn một cái khó nữa là trong thời đại công nghệ thông tin nên ký kết hợp đồng thông qua fax, email cũng được chấp nhận. Vì vậy, vừa qua chúng tôi có xét xử một vụ kiện mà hợp đồng có được ký hay không được ký, bên đối tác có giao hàng hay không giao hàng cũng không ai biết cả.

Cách thức phổ biến để xử lý tranh chấp thương mại trên thế giới là gì và ông có lưu ý gì đối với các doanh nghiệp Việt Nam?

Hiện nay, tất cả các nước trên thế giới đều không giải quyết tranh chấp thương mại bằng con đường toà án mà người ta giải quyết bằng con đường trọng tài. Bởi các doanh nhân một năm có thể buôn bán hàng nghìn phi vụ, trong khi đó nếu chỉ có 1 vụ tranh chấp thôi thì họ phải bỏ 999 phi vụ kia để lao vào xử lý vụ tranh chấp mà họ không muốn nên bao giờ các doanh nhân cũng muốn giải quyết tranh chấp một cách nhanh, gọn.

Hơn nữa, giải quyết bằng trọng tài thương mại còn có đặc điểm là bí mật, xử kín. Tại mỗi trung tâm trọng tài có nhiều chuyên gia chuyên sâu trong từng lĩnh vực, tranh chấp trong lĩnh vực nào sẽ có những chuyên gia trong chính lĩnh vực ấy xét xử.

Một ưu điểm nữa là quyết định của trọng tài xưa kia thi hành rắc rối nhưng theo Pháp lệnh trọng tài mới của chúng ta và theo Công ước New York năm 1958 thì quyết định của trọng tài khi ban ra được coi là trung thẩm (không phải là sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm như của toà án nữa) nên các đơn vị thi hành án có thể cưỡng chế thi hành.

Vì vậy, ở các nước khác, họ rất tin tưởng vào trọng tài thương mại. Trong đàm phán gia nhập WTO, các đối tác cũng luôn yêu cầu Việt Nam đồng ý nguyên tắc khi có tranh chấp thương mại xảy ra giữa các doanh nghiệp của nước đối tác với doanh nghiệp Việt Nam thì phải được giải quyết thông qua trọng tài quốc tế chứ không giải quyết thông qua toà án.

Chúng tôi có một lưu ý với các doanh nghiệp là khi ký kết hợp đồng thương mại với các đối tác nước ngoài, doanh nghiệp phải lường trước là sẽ có tranh chấp hoặc có thể có tranh chấp xảy ra nên bao giờ trong hợp đồng cũng phải nêu rõ nếu có tranh chấp xảy ra thì hai bên phải thương lượng, nếu không thương lượng được thì phải giải quyết bằng trọng tài và ghi kèm theo tên Tổ chức trọng tài cụ thể.

Bởi trọng tài khác toà án, nếu doanh nghiệp không ghi cụ thể rõ trong hợp đồng hoặc sau khi xảy ra tranh chấp mà không cùng thoả thuận chọn trọng tài thì trọng tài không có thẩm quyền xét xử còn toà án đương nhiên có thẩm quyền. Hiện nay, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, gồm có 117 thành viên, đều là các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân (bộ trưởng, thứ trưởng, viện trưởng, viện phó...).