14:18 06/06/2016

Quốc gia khởi nghiệp và câu hỏi từ doanh nhân trẻ

Nguyên Vũ

Một doanh nhân trẻ phản ánh với Phó thủ tướng, nếu không "lót tay" thì khó mà được việc

Doanh nhân trẻ Trần Văn Sơn (phải) trong ngày nhận danh hiệu doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp xuất sắc.
Doanh nhân trẻ Trần Văn Sơn (phải) trong ngày nhận danh hiệu doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp xuất sắc.
Sáng 3/6 vừa qua, trong số 100 doanh nhân trẻ đến Văn phòng Chính phủ dự cuộc gặp với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, có một chàng trai trẻ ngồi xe lăn.

Hôm sau, anh xuất hiện trong lễ vinh danh 100 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2016 của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam.

Các doanh nghiệp của 100 doanh nhân trẻ này đã tạo ra tổng doanh thu năm 2015 là 4.554 tỷ đồng (tăng trưởng 47,4% so với năm 2014) và đã tạo việc làm cho 10.000 lao động.

Chàng doanh nhân trẻ ngồi xe lăn là Trần Văn Sơn, Giám đốc Công ty TNHH giải pháp công nghệ VinaEnter, hội viên Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng.

"So với các doanh nghiệp được vinh danh thì quy mô của VinaEnter nhỏ, nhưng ý chí, nghị lực và ý nghĩa Sơn mang lại về tinh thần khởi nghiệp lại rất lớn", ông Phan Hải, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại B.Q, Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ Đà Nẵng nói.

Hành trình từ cậu bé bại liệt khi còn nhỏ đến danh hiệu doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc của Trần Văn Sơn được nuôi dưỡng trong môi trường khởi nghiệp khá thuận lợi của Đà Nẵng.

Nhưng, trong câu chuyện của không ít doanh nhân Đà Nẵng nói riêng và doanh nhân Việt nói chung, khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn là con đường đầy chông gai.

Ngay tại cuộc gặp với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói trên, một doanh nhân trẻ nói rằng khi đi làm một số thủ tục hành chính như xin giấy phép cho hoạt động đào tạo thì doanh nghiệp đã bị phủi tay (trả lại hồ sơ) rất nhiều lần, với hàm ý nếu không có "lót tay" thì không thể có kết quả đúng hạn.

Thậm chí doanh nghiệp này còn nhận được đề nghị nếu đưa 15 triệu đồng thì sẽ có giấy phép.

Không đủ thời gian hồi âm từng kiến nghị, song Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Chính phủ sẽ tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng nhất cho các thành phần kinh tế, không phân biệt doanh nghiệp to hay nhỏ, doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân.

Nhắc đến mục tiêu năm 2020 Việt Nam có một triệu doanh nghiệp được ghi tại Nghị quyết 35 của Chính phủ, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh, muốn khởi nghiệp thì phải có khát vọng và Chính phủ sẽ có cơ chế chính sách hỗ trợ cho quá trình khởi nghiệp. Cả quốc gia khởi nghiệp chứ không chỉ những người mới tốt nghiệp đại học khởi nghiệp.

Khởi nghiệp. Đó cũng là hai chữ được nhắc đến dày đặc trong những ngày cuối tuần qua. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi làm việc tại Hà Nội nói Hà Nội cần đi tiên phong và trở thành trung tâm khởi nghiệp, trung tâm sáng tạo của cả nước.

Đến Lâm Đồng, ông cũng nói, "cả tỉnh Lâm Đồng phải cùng khởi nghiệp phát triển”.

Điều rất dễ nhận thấy là mới được kiện toàn chưa lâu, song Chính phủ của tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành sự quan tâm đặc biệt cho phát triển doanh nghiệp.

Nhưng, chính yêu cầu của ông “chấm dứt tư duy “Hà Nội không vội được đâu” trong nhận thức và hành xử của cán bộ, công chức, viên chức thành phố” đã chỉ ra một thực tế là từ lời nói đến việc làm còn có khoảng cách rất lớn.

Song dù sao, những cam kết mạnh mẽ về phát triển doanh nghiệp và chiến lược quốc gia khởi nghiệp từ Chính phủ cũng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt, trước hết là trong Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam.

Nhóm công tác của lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo thuộc Diễn đàn Kinh tế tư nhân, vừa được Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức cuối tuần qua, đã chuyển đến các quan chức Chính phủ, trong đó có cả Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhiều câu hỏi, sau khi nhắc lại rằng trong chuyến công du gần đây, Tổng thống Mỹ Obama cũng đã dành sự quan tâm đặc biệt để gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp Việt Nam, tại một không gian hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.

Một trong số những câu hỏi được đặt ra tại diễn đàn là: liệu bao giờ định hướng đổi mới và định hướng quốc tế của kinh tế Việt Nam mới được thể hiện bằng sức khoẻ của doanh nghiệp tư nhân và starrt-up?

Một cơ chế pháp lý rõ ràng, cụ thể để dòng tiền đầu tư cho start-up chảy vào Việt Nam nhanh chóng góp phần tăng tốc cho start-up cũng là vấn đề được đặt ra tại diễn đàn.

Và, hồi âm từ Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vẫn là Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Ông cũng cho rằng ở trong nước có thể thấy bình thường, còn ở ngoài nhìn vào, có thể thấy Việt Nam là thiên đường cho khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp.