10:00 26/03/2012

Sáp nhập VinaPhone và MobiFone có vướng Luật Cạnh tranh?

Thủy Diệu

Giả sử hai nhà mạng MobiFone và VinaPhone được sáp nhập thì thị phần của doanh nghiệp hợp nhất này sẽ lớn hơn 50%

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2011, thị phần của VinaPhone và MobiFone là 28,71% và 29,11%, nên thị phần sau sáp nhập là 57,82%.
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2011, thị phần của VinaPhone và MobiFone là 28,71% và 29,11%, nên thị phần sau sáp nhập là 57,82%.
Giả sử hai nhà mạng MobiFone và VinaPhone được sáp nhập thì thị phần của doanh nghiệp hợp nhất này sẽ lớn hơn 50%, và nằm trong nhóm các hành vi tập trung kinh tế bị cấm.

Cụ thể, theo ông Vũ Bá Phú, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, Điều 18 của Luật Cạnh tranh có quy định cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50%.

Với quy định trên, việc sáp nhập giữa VinaPhone và MobiFone sẽ vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh. Bởi, theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2011, thị phần của VinaPhone và MobiFone tương ứng là 28,71% và 29,11%, nên thị phần sau sáp nhập là 57,82%. Tất nhiên, tỷ lệ thị phần của hai nhà mạng này có thế thay đổi ở thời điểm sáp nhập, nhưng khả năng chung và rất lớn là vẫn chiếm trên 50%.

Mặc dù vậy, ông Phú cho biết, trong Luật Cạnh tranh có quy định miễn trừ đối với trường hợp tập trung kinh tế. Cụ thể, trong Điều 19, có hai trường hợp miễn trừ đối với tập trung kinh tế bị cấm.

Thứ nhất, sẽ được áp dụng đối với trường hợp một hoặc nhiều bên tham gia tập trung kinh tế đang trong nguy cơ bị giải thể hoặc lâm vào tình trạng phá sản. Và thứ hai là việc tập trung kinh tế có tác dụng mở rộng xuất khẩu hoặc góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ.

Như vậy, trường hợp của VinaPhone và MobiFone có thể rơi vào nhóm miễn trừ thứ hai? Doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ để cơ quan quản lý cạnh tranh xem xét trước khi thực hiện tập trung kinh tế.

“Trong trường hợp hai doanh nghiệp có phương án sáp nhập và không loại trừ điều đó, thì vẫn phải tuân thủ của Luật Cạnh tranh, Luật Viễn thông và phải có thủ tục miễn trừ trong trường hợp miễn trừ. Quyết định cho trường hợp miễn trừ là cấp Chính phủ”, Phó cục trưởng Vũ Bá Phú cho biết.

Ông Osamu Igarashi, chuyên gia của Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), tại cuộc hội thảo về chính sách cạnh tranh và tái cấu trúc doanh nghiệp được tổ chức cuối tuần trước tại Hà Nội, cho rằng, không nên chiếu theo Luật Cạnh tranh để ngăn việc sáp nhập của hai mạng di động này, nhưng đơn vị quản lý cạnh tranh cần giám sát theo dõi chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp sau khi sáp nhập.

Trên thế giới, tiêu chuẩn hay tiêu chí để đánh giá về vụ việc sáp nhập có những khác biệt khác nhau. Như, có thể thông qua đánh giá sức mạnh thị trường của công ty được sáp nhập xem thị phần có đủ sức mạnh để nâng giá của sản phẩm hay không, hay công ty sáp nhập có lớn tới mức tạo ra vị thế thống trị hay độc quyền trên thị trường không, hay cũng có thể đánh giá theo số vốn.

Ông Igarashi cho biết, trường hợp sáp nhập VinaPhone và MobiFone là việc sáp nhập giữa hai công ty con, sáp nhập trong nội bộ, và theo quy định của Nhật Bản thì không có mối lo ngại về cạnh tranh vì đó là hai công ty con của công ty mẹ. Tuy nhiên, công ty mẹ phải có báo đánh giá tác động từ việc sáp nhập này và gửi báo cáo lên cơ quan quản lý cạnh tranh.

“Nhưng việc sáp nhập hai công ty tạo ra thị phần lớn hơn 50% thì công ty đó cũng phải nộp đơn miễn trừ”, ông này nói.

Theo ông Đặng Quốc Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), MobiFone trước đây là một liên doanh, sau đó phía Việt Nam mua lại phần của nước ngoài và thành công ty độc lập. Còn VinaPhone thì do “ta” tự xây dựng. Do vậy, đây chỉ là hai khái niệm mà Nhà nước đầu tư, nên hiểu bây giờ chỉ là thống nhất lại nguồn lực làm sao hiệu quả hơn.

Theo ông Tiến, không thể đầu tư hai mạng chạy song song trong cùng một doanh nghiệp. Nên việc sáp nhập là thống nhất hai mạng lại thành một trục duy nhất để đầu tư hiệu quả hơn.

Đứng ở góc độ quản trị doanh nghiệp, ông Tiến cũng cho rằng, VinaPhone và MobiFone là hai doanh nghiệp con của một công ty mẹ đầu tư, nên việc sử dụng hạ tầng riêng là rất lãng phí.

Hiện tại, quan điểm của một số chuyên gia và nhiều người tiêu dùng cho rằng, việc sáp nhập giữa hai mạng trên sẽ tạo điều kiện cho thị trường viễn thông quay trở lại thời kỳ độc quyền, hai doanh nghiệp chiếm thị phần lớn (trên 90%) sẽ dễ dàng bắt tay điều chỉnh chính sách giá và không có lợi người tiêu dùng.