11:53 06/07/2017

Sau thất bại, tỷ phú Mỹ vẫn tính đưa du khách vào vũ trụ từ 2018

Kim Tuyến

Tỷ phú Richard Branson tuyên bố sẵn sàng tiếp tục thử nghiệm để thương mại hóa du lịch vũ trụ trong năm 2018

Tỷ phú Richard Branson, nhà sáng lập Tập đoàn Virgin - Ảnh: EPA.<br>
Tỷ phú Richard Branson, nhà sáng lập Tập đoàn Virgin - Ảnh: EPA.<br>

Hơn 2 năm sau cuộc thử nghiệm thất bại của tàu vũ trụ SpaceShipTwo của công ty Virgin Galactic, tỷ phú Richard Branson, nhà sáng lập Tập đoàn Virgin, tuyên bố đã sẵn sàng tiếp tục thử nghiệm và đặt mục tiêu thực hiện chuyến du lịch vũ trụ đầu tiên vào giữa năm 2018.

Theo hãng tin Bloomberg, ngoài việc hoàn thiện loạt máy móc, các bài kiểm tra hệ thống của Virgin Galactic được thực hiện ba tuần một lần, hướng tới mục tiêu phóng thử nghiệm vào tháng 11 hoặc 12 năm nay.

Sau khi Branson thực hiện chuyến bay vào vũ trụ đầu tiên, ông dự định sẽ thương mại hóa du lịch vũ trụ từ cuối năm 2018.

Đây là lần cập nhật thông tin chi tiết nhất về kế hoạch đầy tham vọng của Branson kể từ sau khi tàu SpaceShipTwo của Virgin Galactic nổ tung trong cuộc thử nghiệm hồi tháng 10/2014 khiến một phi công thiệt mạng. Dù cuộc thử nghiệm thất bại xảy ra chỉ vài tháng trước chuyến du hành thương mại đầu tiên vào vũ trụ theo dự định lúc đó, Branson cho rằng sức hút của lĩnh vực này vẫn còn rất lớn.

“Chúng ta sẽ chẳng bao giờ sản xuất đủ tàu vũ trụ bởi nhu cầu vô cùng lớn”, Branson nhận định trong một cuôc phỏng vấn ngày 5/7.

Branson là một trong những doanh nhân tiên phong trong cuộc đua du hành vũ trụ với việc thành lập Virgin Galactic vào năm 2004. Sau đó, các đối thủ như Blue Origin LLC của ông chủ Amazon, Jeff Bezos, và Space Exploration Technologies Corp., SpaceX của tỷ phú Elon Musk, cũng bắt đầu “tham chiến” bằng việc đầu tư vào các loại tên lửa tái chế để giảm chi phí bay vào vũ trụ.

Ngày 5/7, SpaceX phóng thành công tên lửa Falcon 9 thứ mười trong năm 2017, hơn một tuần sau khi phóng 11 vệ tinh viễn thông cùng với 2 tên lửa vào quỹ đạo. Công ty của Elon Musk cũng ký hợp đồng trị giá khoảng 4,2 tỷ USD với Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ để đưa các nhà du hành vũ trụ và hàng hóa lên Trạm Vũ trụ Quốc tế.

Trong khi đó, tên lửa New Shepard của Blue Origin cũng đã bay 5 lần thành công vào quỹ đạo trái đất tầm thấp kể từ tháng 10/2015. Quỹ đạo tầm thấp là đủ cao để hành khách trải nghiệm cảm giác không trọng lực, nhưng chưa đủ để bay quanh trái đất.

Tỷ phú 67 tuổi Branson nhìn nhận tầm quan trọng của các hệ thống phóng tên lửa, đặc biệt là việc triển khai các vệ tinh được xem là cơ sở cho hoạt động trong tương lai của Virgin Galactic.

Ông cho biết chi nhánh Virgin Orbit của công ty đang phát triển một tên lửa phóng từ trên không có thể mang theo một số vệ tinh nhỏ. Tên lửa thử nghiệm đầu tiên sẽ được phóng từ trên không trong quý đầu năm 2018.

Branson không đưa ra bình luận trực tiếp về công bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 30/6 về việc sẽ khôi phục một hội đồng giúp định hình các chính sách vũ trụ và ngụ ý của ông Trump khi nói tới vai trò quan trọng của các công ty tư nhân trong kỷ nguyên công nghệ vũ trụ mới.

“Tôi cho rằng bản thân tôi, Jeff Bezos và Elon đều đang có những bước tiến”, ông nói. “Tôi chưa từng kỳ vọng điều gì lớn lao về chính sách của chính phủ trong lĩnh vực vũ trụ, nhưng có thể họ sẽ làm chúng tôi ngạc nhiên”.

Branson cho biết Virgin Galactic cũng sẽ hợp tác với công ty Boom Technologies để phát triển và chế tạo các bộ phận của máy bay siêu thanh XB-1 trong năm nay.