09:03 17/05/2010

SCIC thoái vốn sai luật tại Công ty Du lịch Tiền Giang?

Minh Đức

SCIC có sai luật khi thoái vốn tại Công ty Cổ phần Du lịch Tiền Giang, liên quan đến tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài?

Một góc khu du lịch Thới Sơn đang được Công ty Cổ phần Du lịch Tiền Giang quản lý, khai thác - Ảnh: Vũ Lê.
Một góc khu du lịch Thới Sơn đang được Công ty Cổ phần Du lịch Tiền Giang quản lý, khai thác - Ảnh: Vũ Lê.
SCIC có sai luật khi thoái vốn tại Công ty Cổ phần Du lịch Tiền Giang, liên quan đến tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài?

Những ngày gần đây, một số thông tin phản ánh về trường hợp cổ phần hóa và bán vốn nhà nước tại Công ty Cổ phần Du lịch Tiền Giang. Từ đơn vị có vốn nhà nước, công ty này chuyển thành công ty cổ phần và hiện 100% vốn đã thuộc về tư nhân.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Du lịch Tiền Giang, tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, đã được cổ phần hóa vào năm 2005. Ngày 17/5/2007, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) được bàn giao phần vốn Nhà nước tại công ty này. Tại thời điểm tháng 3/2009, khi SCIC thực hiện thoái vốn, Công ty Cổ phần Du lịch Tiền Giang có vốn điều lệ là 7 tỷ đồng với số cổ đông là 42 cổ đông (SCIC nắm 30%).

Điểm đáng chú ý là qua đợt đấu giá thoái vốn của SCIC, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Công ty Cổ phần Du lịch Tiền Giang đã lên tới 60%.

Và tính đến tháng 3/2009, 94% cổ phần của công ty này đã thuộc về ông Hoàng Kiều và người thân, bao gồm: ông Hoàng Kiều (quốc tịch Mỹ) nắm 30%; bà Đào Thị Lan Phương - vợ ông Hoàng Kiều - nắm 34%; ông Hoàng Sammy Hùng (quốc tịch Mỹ) - con trai ông Hoàng Kiều - nắm 30% (trúng toàn bộ 30% cổ phần mà SCIC bán đấu giá thoái vốn trong tháng 3/2009).

Như vậy, câu hỏi đặt ra là tỷ lệ sở hữu 60% của ông Hoàng Kiều và ông Hoàng Sammy Hùng có sai luật về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài hay không? Và việc thoái vốn của SCIC tại Công ty Cổ phần Du lịch Tiền Giang dẫn đến có tỷ lệ sở hữu đó có sai luật không?

Cuối chiều ngày 16/5, VnEconomy nhận được thông tin từ SCIC liên quan đến những câu hỏi trên. Để rộng đường dư luận, VnEconomy trích đăng một số nội dung chính từ những tài liệu này.

SCIC cho biết, ngày 17/5/2007, SCIC đã nhận bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Công ty Cổ phần Du lịch Tiền Giang từ UBND tỉnh Tiền Giang với giá trị sổ sách phần vốn Nhà nước là 2,1 tỷ đồng trên tổng số vốn điều lệ 7 tỷ đồng (tương đương 30% vốn điều lệ).

Theo SCIC, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao là đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã bàn giao về SCIC theo hướng giảm vốn nhà nước tại các doanh nghiệp hoạt động trong những ngành, lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ hoặc chi phối vốn để tập trung vốn đầu tư vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, từ cuối năm 2008, SCIC đã triển khai bán vốn tại một số doanh nghiệp trong đó có Công ty Cổ phần Du lịch Tiền Giang.

Và căn cứ Quyết định số 38/2007/QĐ-TTg ngày 20/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, Công ty Cổ phần Du lịch Tiền Giang là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ vốn.

“SCIC thực hiện thoái vốn theo phương thức bán đấu giá công khai thông qua các tổ chức chuyên nghiệp, có chức năng tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp và bán đấu giá cổ phần theo đúng qui định pháp luật hiện hành”, SCIC khẳng định.

SCIC cũng cho biết, đối với trường hợp Công ty Tiền Giang, việc bán vốn được thực hiện thông qua Công ty Cổ phần Chứng khoán An Bình. Việc xác định giá khởi điểm đã tính đến lợi thế đất đai và vị trí địa lý của doanh nghiệp. Thông tin bán vốn tại Công ty được công bố công khai và đăng tải trên báo trung ương và báo địa phương để tất cả các nhà đầu tư có quan tâm đều có thể tham gia đấu giá.

“SCIC khẳng định quy trình bán vốn đối với Công ty Tiền Giang bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật và đảm bảo thông tin công khai, minh bạch đối với tất cả các nhà đầu tư”.

Và để trả lời câu hỏi về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài nói trên có sai luật hay không, SCIC đã tham vấn ý kiến của Công ty Luật Vilaf Hồng Đức. Qua kết luận của tổ chức tư vấn luật, SCIC khẳng định thêm: “Việc mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong Công ty là hoàn toàn tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về tỷ lệ sở hữu tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài trong các công ty Việt Nam”.

Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS) - đơn vị tổ chức tư vấn đợt bán đấu giá thoái vốn của SCIC tại Công ty Cổ phần Du lịch Tiền Giang - cũng khẳng định rằng: “Việc bán thoái vốn cổ phần của SCIC tại Công ty Cổ phần Du lịch Tiền Giang do ABS tư vấn vào 3/2009 đã bảo đảm có cơ sở pháp lý và phù hợp với quy định của pháp luật liên quan”.

Về những cơ sở và lập luận của Công ty Luật Vilaf Hồng Đức và của ABS để đưa ra những khẳng định trên, VnEconomy sẽ tiếp tục thông tin chi tiết tới bạn đọc.