10:07 04/06/2008

“Sẽ đẩy mạnh chống tham nhũng trong khu vực tư nhân”

Từ Nguyên

Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho rằng quan niệm nạn tham nhũng chỉ xảy ra ở một bộ phận có chức quyền là lệch lạc

"Trong chiến lược phòng chống tham nhũng đang xây dựng sắp tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh phòng và chống tham nhũng trong khu vực tư, đặc biệt là trong các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty và khu vực kinh tế tư nhân."
"Trong chiến lược phòng chống tham nhũng đang xây dựng sắp tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh phòng và chống tham nhũng trong khu vực tư, đặc biệt là trong các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty và khu vực kinh tế tư nhân."
Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho rằng quan niệm nạn tham nhũng chỉ xảy ra ở một bộ phận có chức quyền là lệch lạc.

Chính vì vậy, ông khẳng định trong chiến lược phòng chống tham nhũng đang được xây dựng, Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung chú ý và đẩy mạnh hơn nữa việc chống tham nhũng ở khu vực tư và các tập đoàn kinh tế.

Sẽ tập trung vào khu vực tư

Theo thống kê, 4 tháng đầu năm 2008, số vụ tham nhũng đã tăng nhiều hơn năm ngoái. Điều này có nghĩa là chúng ta đang phải đối mặt với nạn tham nhũng ngày một tăng, thưa ông?

Hầu hết các vụ tham nhũng đang xử lý hiện nay đều là những vụ xảy ra từ nhiều năm trước, đến nay mới phát hiện được.

Vì vậy, theo tôi, nếu chỉ căn cứ vào những con số thôi thì sẽ khó đánh giá thực trạng tham nhũng như thế nào. Hiện nay, số vụ tham nhũng nhiều hay ít phụ thuộc vào khả năng phát hiện và thực tế thì khả năng này chúng ta vẫn còn yếu kém.

Tuy nhiên, đánh giá của Đảng và Nhà nước ta là tệ nạn tham nhũng đang xảy ra nghiêm trọng và phổ biến trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong những vấn đề liên quan đến đất đai, tài sản, tiền nong.

Thưa ông, trước tình trạng hoạt động kém hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng, nên giải tán ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp địa phương?

Theo tôi, mặc dù vẫn có tình trạng nơi này làm tốt, nơi kia làm kém nhưng cũng không nên giải tán ban chỉ đạo chống tham nhũng ở địa phương vì dù sao việc này cũng đã được luật hóa.

Và trên thực tế thì vẫn rất cần đến ban chỉ đạo cấp địa phương, vì đây là cơ quan chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra báo cáo tình hình tham nhũng cho cấp ở trên.

Thực tiễn cho thấy bất cứ việc nào cũng cần tổ chức chỉ đạo chống tham nhũng. Ở cấp Trung ương cũng như địa phương, có rất nhiều cơ quan tham gia phòng chống tham nhũng. Nếu không có ban chỉ đạo thì sẽ dẫn đến tình trạng mạnh nấy làm và như thế thì lấy ai để huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.

Bên cạnh đó, ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng địa phương cũng đã phát hiện được nhiều vụ, trung bình mỗi địa phương 10-15 vụ việc. Có những vụ nghiêm trọng trong các hành vi gian dối cấp quyền sử dụng đất, sang đất đai trái phép, chiếm đoạt tài sản như Vĩnh Long, Bạc Liêu, Thanh Hóa, Nghệ An… đều do ban chỉ đạo địa phương phát hiện.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc chống tham nhũng hiện nay chỉ tập trung ở khu vực công mà chưa chú ý đến khu vực tư cũng như các tập đoàn kinh tế?

Trước đây, cả luật pháp và thực tế của đấu tranh chống tham nhũng đều tập trung hướng vào khu vực công, tức là khu vực hành chính nhà nước, bởi ai cũng quan niệm rằng, chỉ có những người có chức, có quyền mới có điều kiện để tham nhũng.

Đó là một quan niệm có phần lệch lạc bởi tham nhũng có thể xảy ra ở cả hai khu vực và ngay trong khu vực tư cũng có rất nhiều điều kiện làm nảy sinh tệ nạn tham nhũng.

Vì vậy, trong chiến lược phòng chống tham nhũng đang xây dựng sắp tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh phòng và chống tham nhũng trong khu vực tư, đặc biệt là trong các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty và khu vực kinh tế tư nhân.

Pháp luật quy định, Thanh tra Chính phủ phải tôn trọng quyết định của cơ quan điều tra. Nhưng nếu những quyết định đó thiếu tính khách quan thì Thanh tra Chính phủ sẽ xử lý như thế nào, thưa ông?

Hiện nay, luật pháp đã quy định, trong hoạt động của mình, nếu cơ quan điều tra truy tố, khởi tố những người không có tội thì phải chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, theo tôi thì những oan sai hiện nay phần lớn vẫn nhà nước đứng ra nhận trách nhiệm. Vì vậy, để công bằng hơn, tiến tới phải chuyển hóa trách nhiệm cá nhân, nếu cá nhân làm sai phải chịu trách nhiệm. Quan điểm của tôi là, ngoài truy cứu trách nhiệm, cá nhân phải chịu trách nhiệm đền bù nếu oan sai đó là do lỗi của cá nhân gây nên.

Vẫn còn “vênh” về luật

Thưa ông, Chính phủ luôn xem báo chí là lực lượng quan trọng trong chống tham nhũng nhưng pháp luật lại quy định là báo chí chỉ được đăng tải những vụ việc khi đã có kết luận, công khai. Liệu điều này có mâu thuẫn nhau không và có làm giảm vai trò của báo chí trong chống tham nhũng?

Tôi nghĩ quyền của báo chí là đăng tải thông tin nhưng vấn đề quan trọng là thông tin đó phải chính xác. Pháp luật hoàn toàn không cấm báo chí đưa tin chính xác, cơ cơ sở.

Nhưng các kết luận của thanh tra hiện nay vẫn được đóng dấu tài liệu mật, thưa ông?

Hiện nay, Luật Phòng chống tham nhũng đã quy định các kết luận thanh tra đều phải được công bố cho báo chí và nhân dân được biết. Chính vì vậy, đây chính là điểm vênh giữa hai luật là Luật Thanh tra và Phòng chống tham nhũng mà thời gian tới, chúng ta cần phải chỉnh sửa để cho “ăn khớp” với nhau.

Cụ thể, chúng tôi sẽ sửa theo hướng là sẽ đưa kết luận thanh tra ra khỏi danh sách các tài liệu mật, nhưng dù có phải sửa thì chúng tôi cũng thấy không cần thiết phải công khai nguyên một báo cáo thanh tra vì có rất nhiều tình tiết không cần thông tin rộng để thêm phức tạp mà chỉ cần đơn vị được kiểm tra biết thôi.

Vậy, những kết luận của thanh tra, báo chí có được tiếp cận và đăng tải công khai sớm hay không?

Kết luận của thanh tra đều được công khai hết, nhưng có một điều là giữa báo cáo kết luận và thông tin công khai thì thanh tra phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc đưa thông tin có đúng thời điểm không, nội dung có gây phức tạp trong xã hội hay không.

Thông tin đến báo chí phải đảm bảo bản chất sự việc, trung thực nhưng ngôn từ, lời lẽ phải rõ ràng chứ nếu đưa ra mà để nhiều người suy đoán, mập mờ thì sẽ phức tạp.

Trong chiến lược phòng, chống tham nhũng mà Thanh tra Chính phủ đang soạn thảo, chúng tôi hết sức chú ý vấn đề thể chế. Làm sao để đảm bảo yêu cầu công khai, minh bạch, dân chủ. Đó chính là vấn đề cơ bản để có thể ngăn chặn, triệt tiêu được tham nhũng.