09:25 21/11/2010

Sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu tập đoàn có sai phạm

Nguyên Vũ

Hàng nghìn trang trả lời kiến nghị của cử tri vừa được tập hợp trước thềm phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp Quốc hội thứ tám - Ảnh: TTXVN.
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp Quốc hội thứ tám - Ảnh: TTXVN.
Đó là khẳng định của Bộ Tài chính khi trả lời cử tri Tp.HCM về việc xử lý, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các tập đoàn, tổng công ty làm ăn thua lỗ kéo dài, làm thất thoát tài sản của Nhà nước.

Cùng với trả lời bằng văn bản những chất vấn của đại biểu Quốc hội, hàng nghìn trang trả lời kiến nghị của cử tri cũng vừa được tập hợp đầy đủ, trước thềm phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của kỳ họp thứ tám vào sáng 22/11.

Đang thanh tra toàn diện một số tập đoàn

Tại kiến nghị gửi đến Quốc hội, cử tri Tp.HCM đánh giá báo cáo giám sát và nghị quyết chuyên đề của Quốc hội về tình hình quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã phản ánh sát tình hình thực tế, nêu ra được nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và chấn chỉnh tình trạng quản lý, sử dụng vốn nhà nước không đúng mục đích, không hiệu quả tại một số đơn vị.

Cử tri đề nghị Chính phủ triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết của Quốc hội, đồng thời kiên quyết xử lý, làm rõ trách  nhiệm của người đứng đầu các tập đoàn, tổng công ty làm ăn thua lỗ kéo dài, làm thất thoát vốn, tài sản của nhà nước.

Theo trả lời của Bộ Tài chính, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện nghị quyết này và đã giao nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã và đang triển khai thực hiện một số nội dung.

Như, sửa đổi, bổ sung quy định về thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước. Trong đó quy định cơ chế phân cấp việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước; đồng thời giao cho một cơ quan chịu trách nhiệm chính thực hiện nhiệm vụ theo dõi, tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước và phân tích, đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước.

Sửa đổi quy định về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần; về tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; về sản xuất và cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích; Quy chế giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Ban hành quy định của Chính phủ về quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Xây dựng đề án để thực hiện tách chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan nhà nước...

Bộ Tài chính cũng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xử lý dứt điểm các trường hợp doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thua lỗ kéo dài; chỉ đạo Thanh tra Chính phủ cùng với lực lượng Kiểm toán Nhà nước đã và đang tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn diện tại một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Trên cơ sở kết quả thanh tra, kiểm tra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có chỉ đạo kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài và có sai phạm trong quản lý tài sản, vốn nhà nước, Bộ Tài chính trả lời rõ.

Kê khai tài sản mới chỉ mang ý nghĩa phòng ngừa

Tập hợp trả lời kiến nghị của cử tri cũng cho thấy sự quan ngại về hiệu quả đấu tranh chống tham nhũng trong thời gian qua.

Cử tri thành phố Đà Nẵng thắc mắc vì sao nhận định “tham nhũng vẫn chưa được đẩy lùi” cứ lặp đi lặp lại từ năm này sang năm khác mà Chính phủ vẫn chưa tìm ra biện pháp hữu hiệu để xử lý triệt để hiện tượng này. Đề nghị Chính phủ cần xây dựng pháp luật về chống tham nhũng theo hướng cơ quan chức năng có quyền điều tra tài sản của các quan chức có dấu hiệu bất minh về tài sản.

Theo trả lời của Thanh tra Chính phủ, qua từng năm, tình hình tham nhũng đều có những dấu hiệu chuyển biến theo hướng tích cực. Số vụ án, bị can bị khởi tố về tham nhũng và số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đều giảm.

Tuy nhiên, nhận định chung Chính phủ là tình hình tham nhũng vẫn còn diễn biến nghiêm trọng và phức tạp; tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức vẫn đang gây bức xúc trong xã hội; gây tâm lý hoài nghi trong một bộ phận nhân dân về quyết tâm, hiệu quả phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước.

Công tác phòng chống tham nhũng còn có những hạn chế, yếu kém, nhất là việc tổ chức thực hiện các quy định về phòng, chống tham nhũng còn chưa đồng đều, chưa sâu, nhiều nơi còn yếu...

Về điều tra tài sản của các quan chức có dấu hiệu bất minh về tài sản, theo giải thích tại văn bản trả lời, pháp luật hiện hành đã có quy định đảm bảo quyền điều tra của các cơ quan chức năng và chế tài xử lý đối với tài sản do phạm tội mà có. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường hợp công dân, người có chức vụ, quyền hạn sở hữu khối tài sản lớn nhưng lại không có trách nhiệm phải giải trình nguồn gốc tài sản. Việc chứng minh khối tài sản đó có phải là tài sản bất minh hay không thuộc  nghĩa vụ của các cơ quan chức năng.

Một trong những giải pháp quan trọng nhằm phòng ngừa tham nhũng đã được Chính phủ triển khai rộng rãi trong thời gian qua là việc kê khai, xác minh tài sản, thu nhập.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng, việc kê khai tài sản, thu nhập mới chỉ áp dụng đối với một bộ phận người có chức vụ, quyền hạn. Và cũng chỉ nhằm xem xét, đánh giá, kết luận về tính trung thực của việc kê khai tài sản, thu nhập và kiểm soát sự biến động về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai.

“Chính vì vậy, việc kê khai, xác minh tài sản, thu nhập thời gian qua mới mang ý nghĩa phòng ngừa mà chưa được coi là một giải pháp nhằm phát hiện, xử lý đối với hành vi tham nhũng và tài sản tham nhũng”.

Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo cơ quan này chủ trì đánh giá, tổng kết việc thực hiện các quy định liên quan như: minh bạch tài sản, thu nhập; trả lương qua tài khoản; tặng quà và nộp lại quà tặng để đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện và chuẩn bị cho việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát thu nhập đối với người có chức vụ, quyền hạn.