09:52 15/07/2008

Sở hữu trí tuệ: “Việt Nam nên thiết lập toà án chuyên trách”

Thùy Trang

Một trong những vấn đề liên ngành của Việt Nam đặt ra sau khi gia nhập WTO là thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ

Luật sư Thomas J. Treutler.
Luật sư Thomas J. Treutler.
Một trong những vấn đề liên ngành của Việt Nam đặt ra sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ.

Để việc thực thi về sở hữu trí tuệ tốt hơn, theo luật sư Thomas J. Treutler, cố vấn cao cấp hãng luật quốc tế Tilleke & Gibbins, Việt Nam có thể lập một toà án chuyên dành cho xét xử các vụ việc liên quan đến vấn đề này.

Ông nhìn nhận về thực trạng thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện nay như thế nào?

Toàn bộ hệ thống pháp luật và quy định nhìn chung tuân theo quy định của WTO. Nhiều tiến bộ trong những năm gần đây trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam đang dần củng cố được lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận cơ chế thi hành luật còn yếu nên việc thi hành quyền sở hữu trí tuệ còn hạn chế cản trở sự phát triển của các ngành công nghiệp kỹ thuật, lĩnh vực mà Việt Nam có rất nhiều tiềm năng.

Ngành công nghiệp giải trí cũng gặp phải trở ngại do việc sao chép bất hợp pháp. Tôi được biết nhiều sản phẩm Việt Nam, trong đó có bản quyền âm nhạc bị đánh cắp và bán ở nước ngoài, do các doanh nghiệp Việt Nam không đăng ký bản quyền nên họ đã bị mất một nguồn doanh thu rất lớn.

Như vậy có thể thấy các doanh nghiệp thực hiện tốt bản quyền sở hữu trí tuệ sẽ đem lại doanh thu tốt hơn?

Đúng vậy! Việc định giá sản phẩm sẽ cao hơn nếu chủ tài sản có quyền sở hữu trí tuệ, và tài sản sở hữu trí tuệ này trở thành vốn của công ty. Nếu độc quyền thì việc thương mại hoá sẽ thuận lợi hơn vì các công ty khác không nhái sản phẩm, đặc biệt là công ty đó có khả năng tìm được nguồn tài trợ, vay vốn tốt hơn.

Bên cạnh đó, có thể chuyển giao sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và các quốc gia khác. Việc một công ty đã đăng ký nhiều sản phẩm sở hữu trí tuệ thể hiện tính chuyên nghiệp, hiện đại của công ty. Vì vậy, các công ty nên đề cập đến các tài sản sở hữu trí tuệ trong các báo cáo công ty, sổ sách, bản giới thiệu công ty.

Cơ hội tiếp cận thị trường theo con đường chính ngạch thì sao?

Tài sản sở hữu trí tuệ không chỉ giúp công ty tăng lợi nhuận và tìm nguồn tài trợ mà còn giúp các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hoạt động tại thị trường nước ngoài tốt hơn. Nếu doanh nghiệp Việt Nam không đăng ký bản quyền ở nước ngoài họ sẽ bị mất quyền lợi và có thể người khác sẽ đăng ký.

Thường việc đăng ký ở nước ngoài là bước đầu tiên mà doanh nghiệp cần phải làm, bởi vì có thể do không biết nên chính sản phẩm của doanh nghiệp đó ở nước sở tại đã có đơn vị khác đăng ký, nếu họ biết trước điều đó thì có thể họ sẽ tránh được rất nhiều phiền phức sau này. doanh nghiệp Việt Nam cần phải nghiên cứu kỹ xem sản phẩm của họ có vi phạm bản quyền ở nước đó không.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp cũng muốn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của mình nhưng vấn đề kinh phí và thời gian khiến họ chùn bước?

Thực ra không hề tốn tiền chút nào, ví dụ đăng ký ở Mỹ không quá 1.000 USD, thông thường phí của Chính phủ khoảng 300 - 400 USD, còn luật sư khoảng 500 USD.

Nếu có truờng hợp khó khăn do có một doanh nghiệp nào đó ở nước sở tại phản đối thì có thể phí đắt hơn do phải thuê luật sư, tư vấn..., còn thông thường chỉ khoảng 1.000 USD là đủ.

Hiện nay, tôi thấy số lượng doanh nghiệp Việt Nam đăng ký nhãn hiệu chưa nhiều, đa số là các doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực: dệt may, dầu khí... còn các doanh nghiệp nhỏ và vừa có vẻ còn ít.

Vậy ông có đề xuất nào cho Việt Nam để đảm bảo việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ được tốt?

Theo tôi, Việt Nam cần có chế tài xử phạt vi phạm bản quyền nghiêm khắc hơn. Một số trường hợp hành hoá vi phạm bản quyền được tìm thấy và xác định có vi phạm, song chỉ bị phạt ở mức 15 triệu đồng. Việt Nam cũng cần tiếp tục thúc đẩy việc thực thi luật pháp về quyền sở hữu trí tuệ đặc biệt là trong cộng đồng doanh nghiệp vì đây là yếu tố bước đầu để giúp họ có thể đứng vững và tránh bị kiện vì xâm phạm nhãn hiệu hàng hóa.

Những hoạt động của các tổ chức, những người có quyền sở hữu trí tuệ nên được khuyến khích, ví dụ Hiệp hội ngành thu âm Việt Nam, vì những nhóm này có thể nâng cao nhận thức của công chúng quan tâm đến những vấn đề sở hữu trí tuệ góp tiếng nói chung mạnh hơn và hiệu quả hơn trong việc chống lại việc sao chép bất hợp pháp.

Ngoài ra, theo tôi, để có thể làm tốt vấn đề này hơn nữa, Việt Nam nên thiết lập một toà án chuyên chuyên dành cho xét xử các vụ việc liên quan đến sở hữu trí tuệ. Đây là một lĩnh vực rất phức tạp, trước mắt có thể lập toà án ở một số tỉnh thành lớn như: Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng... và có những thẩm phán chuyên về sở hữu trí tuệ.

Tôi nghĩ các chủ sở hữu sẽ có lòng tin tốt hơn vào kết quả và có thể họ sẽ đưa các vụ kiện lên toà án. Bây giờ trách nhiệm không hoàn toàn là của Nhà nước mà còn của các chủ sở hữu. Nhiều chủ sở hữu về sở hữu trí tuệ cứ than phiền là việc thực thi sở hữu trí tuệ ở Việt Nam không tốt.

Ngay chính bản thân họ cũng không nộp đơn kiện, như vậy chính họ cũng vô trách nhiệm. Theo tôi, đây có thể là một vấn đề lớn, có thể do họ chưa có niềm tin vào khả năng thắng nếu khởi kiện. Nếu có toà án chuyên sâu chắc chắn mọi việc sẽ khác.