06:48 20/05/2007

Sự lựa chọn lần thứ 12

Hà Đăng

Tình hình mới đang đặt ra những yêu cầu mới cao hơn cho toàn Quốc hội và cho từng đại biểu Quốc hội

Cổ động cho kỳ bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên tại Hà Nội - Ảnh tư liệu.
Cổ động cho kỳ bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên tại Hà Nội - Ảnh tư liệu.
Ngày 5/1/1946, trong lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà vào ngày 6/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”.

>>Cả nước sẵn sàng cho bầu cử

Bác kêu gọi: “Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”.

Lời kêu gọi ấy, cho đến nay vẫn còn vang vọng non sông, nhất là vào những dịp bầu cử đại biểu Quốc hội. Bởi độc lập là quyền thiêng liêng của mỗi quốc gia, dân tộc. Dân chủ, tự do và hạnh phúc là quyền thiêng liêng của mỗi người dân trong quốc gia độc lập của mình. Đối với các công dân cử tri, bầu cử đại biểu Quốc hội vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ và trách nhiệm.

Về ý nghĩa cuộc tổng tuyển cử, trong lời kêu gọi ngày 5/1/1946, Bác Hồ chỉ rõ:

“Ngày mai, dân ta sẽ tỏ cho các chiến sĩ ở miền Nam rằng: về mặt trận quân sự, thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn.

Ngày mai, quốc dân ta sẽ tỏ cho thế giới hết rằng dân Việt Nam ta đã:

Kiên quyết đoàn kết chặt chẽ

Kiên quyết chống bọn thực dân

Kiên quyết tranh quyền độc lập”.

Hơn 61 năm đã qua, ý chí dùng lá phiếu công dân để dựng xây nền độc lập, tự do ngày càng toả sáng, và thấm đượm trong từng trái tim mỗi người. Cái khác duy nhất là ở thời điểm tổng tuyển cử. Nếu như ngày tổng tuyển cử bầu Quốc hội khoá I “là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”, thì những ngày Tổng tuyển cử tiếp theo đều là những ngày mà nhân dân ta nối tiếp hưởng dụng quyền dân chủ của mình ngày một toàn diện hơn, đầy đủ hơn, sâu sắc hơn.

Trải qua 11 khoá, Quốc hội nước ta luôn tỏ rõ là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước ta, là cơ quan duy nhất có chức năng lập pháp, có quyền giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Quốc hội khoá XII là Quốc hội được bầu ra trong thời kỳ sau Đại hội X của Đảng, thời kỳ cả nước dốc lòng đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, và thực hiện hội nhập kinh tế ngày càng sâu và đầy đủ hơn, hướng tới mục tiêu cháy bỏng của toàn dân tộc là sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển và cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Đất nước đang đứng trước cơ hội lớn và cả những thách thức lớn. Tình hình mới đang đặt ra những yêu cầu mới cao hơn cho toàn Quốc hội và cho từng đại biểu Quốc hội.

Quốc hội khoá XII phải là một Quốc hội mạnh, đáp ứng một cách tốt nhất tính chất, chức năng và nhiệm vụ của mình. Một Quốc hội mạnh, trước hết phải được cấu tạo từ những đại biểu có đức, có tài, đủ tâm huyết, khả năng và điều kiện gánh vác trách nhiệm được giao phó.

Lần này là lần thứ 12 nhân dân cả nước ta tham gia tổng tuyển cử bầu Quốc hội. Dân chủ lựa chọn là quyền của mỗi công dân. Mỗi cử tri, từ Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đều đến hòm phiếu bằng một lá phiếu, bình đẳng như bất cứ cử tri nào khác.

Nếu trước đây, thời kỳ kháng chiến, mỗi lá phiếu “có sức lực như một viên đạn” diệt thù, thì ngày nay, trong xây dựng hoà bình, mỗi lá phiếu phải có sức lực như một viên gạch củng cố làm vững chắc Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân do dân, vì dân. Mỗi lá phiếu là biểu thị cao đẹp về sự hết lòng hết sức ủng hộ công cuộc đổi mới, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Cuộc bầu cử Quốc hội khoá XII sẽ một lần nữa tỏ rõ cho thế giới biết rằng con đường mà nhân dân ta kiên trì lựa chọn là con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.