10:25 16/04/2009

“Tăng trưởng 5% năm nay là khó khăn!”

Anh Quân

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành dự báo về triển vọng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới

Ông Võ Trí Thành.
Ông Võ Trí Thành.
Cũng như năm ngoái, Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đang chuẩn bị cho một bản báo cáo với ba kịch bản tăng trưởng cho năm 2009.

Những thông tin ban đầu về nghiên cứu này đã được ông Võ Trí Thành, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách hội nhập kinh tế quốc tế của CIEM, chia sẻ với báo giới.

Ông Thành nói:

- Chúng tôi vẫn còn đang tính toán, nhưng theo như kết quả “chạy” thử mô hình, để đạt được mức tăng trưởng 5% trong năm nay là khó khăn.

Khó là bởi vì triển vọng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới phụ thuộc rất nhiều vào tình hình bên ngoài. Nếu tình hình kinh tế thế giới sáng sủa hơn, xuất khẩu dễ dàng hơn thì có thể mức tăng trưởng 5% là đạt được. Nhưng nếu tình hình bên ngoài vẫn “úi sùi” thì sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Có một số phân tích cho rằng tình hình kinh tế Trung Quốc đang le lói hy vọng phục hồi. Như thế, Việt Nam và một số nước sẽ được lợi từ diễn biến này…

Trung Quốc cũng là một nhân tố quan trong, nhưng không thể là quyết định. Xuất khẩu của ta sang Trung Quốc cũng là lớn, nhưng không “đọ” được với các thị trường khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU...

Trong khi đó, các thị trường chủ yếu này đều được dự báo sẽ giảm tăng trưởng khoảng âm trên 2% trong năm nay, Nhật Bản thậm chí là âm trên 5%.

Mặc dù các dự báo mới nhất về tình hình kinh tế thế giới có bi quan, nhưng trong các tháng Hai, tháng Ba gần đây, tình hình có một chút le lói, đặc biệt là Trung Quốc.

Tuy xuất khẩu vẫn giảm nhưng tại thị trường nội địa của Trung Quốc, mua bán ôtô và giao dịch bất động sản đã có tăng trưởng trở lại ở nhiều thành phố lớn; mức sản lượng điện tăng lên, mà sau điện là tiêu dùng, là sản xuất…; thị trường chứng khoán từ khoảng 2.200 điểm lên quanh mốc trên 2.400 điểm; và một số dấu hiệu tích cực khác nữa.

Tức là vẫn chưa thể xác định kịch bản tăng trưởng cho Việt Nam, dù chỉ là tương đối?

Đối với Việt Nam, các dự báo cũng ngày càng có cái nhìn về tăng trưởng ít sáng sủa hơn, tuy nhiên tháng Hai, tháng Ba cũng đã le lói: tín dụng tăng trưởng trở lại, thị trường xây dựng, nhà đất bắt đầu ấm lên ít nhiều…

Nhưng để xác định chính xác bao giờ hết khó khăn, hay xác định hình thế vận động của nền kinh tế thế giới là chữ V, chữ U, chưa L hay  chữ W thì các nhà kinh tế đều cho rằng phải đợi đến hết quý 2/2009. Lúc đó, mức độ dự báo chính xác sẽ cao hơn.

Nói một cách hình ảnh, hiện dự báo chỉ là 50%-50%, mức độ bất định còn cao. Hết quý 2/2009, với các số liệu mới hơn thì có thể độ xác định tăng lên đến 70%, hoặc 80%.

Vậy ông đánh giá thế nào những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế trong quý 1/2009?

Về tiêu dùng, tăng trưởng của lĩnh vực này trong quý 1/2009 khó đánh giá, vì nó liên quan nhiều đến dịp lễ tết đầu năm, và nó có thể “che đậy” xu thế thực tế.

Quý 1/2009, tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,1%, trong đó công nghiệp chỉ tăng trưởng 1,5%, nông nghiệp là 0,4%, dịch vụ hơn 5%, thì rõ ràng là xấu đi.

Ở góc độ khác, tình hình đơn đặt hàng đang rất lẫn lộn, doanh nghiệp này nói rằng đã có đơn hàng đến hết tháng 9, người thì bảo đơn hàng cho 6 tháng đầu năm cũng giảm. Mà đơn đặt hàng chính là tình hình kinh doanh.

Cái nữa, như chúng ta biết nhập khẩu quý 1/2009 giảm đến 45% so với cùng kỳ. Nước mình, đến gần 90% nhập khẩu là máy móc thiết bị, nguyên liệu và đầu vào cho sản xuất. Điều này phản ánh khó khăn trong sản xuất.

Không có đơn hàng, không có đầu ra và FDI giảm nên "anh" doanh nghiệp phải giảm sản xuất, giảm nhập khẩu.

Cái giảm 45% nhập khẩu ấy, nó còn có độ trễ. Vì thế, theo tôi, nó có thể còn phản ánh trong các quý tiếp theo.

Nhưng cũng có người nói rằng đó là do tồn kho nguyên liệu từ năm ngoái còn nhiều...

Số liệu thế nào thì phải xem xét lại. Thực tế thì công ăn, việc làm đang tồi tệ đi, đơn hàng đang tồi tệ đi. Nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp đang còn rất khó khăn…

Tuy nhiên, khi hỏi các nhà quản lý thì tất cả đều tin rằng quý 3 có thể tăng trưởng 4% hoặc trên đó một chút.

Đầu tư nước ngoài cũng đang có dấu hiệu sụt giảm. Ông đánh giá tác động của nó đến nền kinh tế như thế nào?

Chúng ta vẫn dựa rất nhiều vào FDI, nhưng quí 1 năm nay thì chúng ta đều biết, con số cam kết đã giảm mạnh.

Nhưng theo tôi, điều đó không thật quan trọng, vì nếu những cam kết từ trước mà được thực hiện nhanh thì cũng chẳng cần lo lắng lắm đến những cam kết mới. Năm ngoái, vốn cam kết vào Việt Nam đã đến 64 tỷ USD.

Nhưng mà vốn thực hiện quý 1 năm nay rất thấp, theo như số liệu tôi được biết thì chỉ khoảng 1,2 tỷ USD. Mà trong con số đó, cái mà nhà đầu tư “ném” tiền thật từ nước ngoài vào qua cán cân thanh toán quốc tế chỉ khoảng 800 triệu USD.

Tình hình hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào gói kích cầu của Chính phủ và những diễn biến tình hình kinh tế thế giới.

Nhân nói đến gói kích cầu, ông nhận định thế nào về gói kích cầu thứ hai mới được ban hành?

Tôi cho điều đó là tốt, vì hai nghĩa.

Thứ nhất, chính trong lúc khó khăn này, doanh nghiệp và nền kinh tế rất cần cơ cấu lại. Khác “gói” thứ nhất là để doanh nghiệp tồn tại, xoay sở đôi chút, thậm chí là chấp nhận đảo nợ một chút, và gói kích cầu đầu là cho vay vốn lưu động, 8 tháng, gói kích cầu thứ hai là nhìn vào dài hạn, hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu lại, đổi mới công nghệ, đầu tư cho môi trường…

Nhưng muốn làm được cái này, doanh nghiệp phải xác định được mình muốn đổi mới cái gì, đào tạo cái gì, và đầu tư, đổi mới công nghệ thế nào…

Chính phủ cố gắng làm hết sức, nhưng Chính phủ không thể làm tất cả mọi thứ. Khả năng của Chính phủ cũng có hạn. Doanh nghiệp và nhân dân cũng phải hiểu được điều đó.