14:07 17/03/2009

Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay: Vì sao dự báo 0,3%?

Cẩm Lê - Anh Quân

Tập đoàn báo chí The Economist (Anh) vừa có dự báo gây sốc về tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2009

Theo báo cáo được ông Justin Wood - Giám đốc Khu vực Đông Nam Á của EIU - trình bày trước báo giới hôm 16/3, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể chỉ đạt 0,3% trong năm 2009.
Theo báo cáo được ông Justin Wood - Giám đốc Khu vực Đông Nam Á của EIU - trình bày trước báo giới hôm 16/3, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể chỉ đạt 0,3% trong năm 2009.
Sau khi đạt tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm liền, GDP của Việt Nam đã “rơi” xuống mức 6,23% trong năm 2008.

Những nhận định ngày càng bi quan về con số tăng trưởng của Việt Nam liên tục được các tổ chức tín dụng quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng HSBC… công bố.

Và con số gây sốc nhất, cho đến lúc này, thuộc về Economist Intelligence Unit (EIU) - cơ quan thông tin kinh tế thuộc tập đoàn báo chí The Economist (Anh).

Theo báo cáo được ông Justin Wood - Giám đốc Khu vực Đông Nam Á của EIU - trình bày trước báo giới hôm 16/3, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể chỉ đạt 0,3% trong năm 2009. Thông tin này hứa hẹn sẽ gây ra nhiều tranh luận tại hội nghị kinh tế đối ngoại với Chính phủ Việt Nam, có chủ đề “Định vị Việt Nam trong tương lai”, do báo Thế giới và Việt Nam của Bộ Ngoại giao phối hợp với The Economist tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 17 và 18/3.

Bảo vệ cho quan điểm của mình trước những phản biện của báo giới, ông Justin Wood cho rằng mức tăng trưởng này được tính toán dựa trên các tác động từ bên ngoài vào. Ba động lực cho tăng trưởng kinh tế là xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng sẽ giảm mạnh trong năm nay, đối với trường hợp của Việt Nam.

Theo ông Justin Wood, với nền kinh tế mà “ngưỡng” mở tới 1,7 lần so với GDP như Việt Nam, thì với việc thị trường tiêu thụ thế giới co hẹp, nhập khẩu của các thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật Bản dự tính giảm khoảng 52% trong năm nay, chắc chắn xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Đối với đầu tư nước ngoài, EIU dự báo FDI toàn cầu sẽ giảm khoảng 70% trong năm nay. Đối với Việt Nam, giải ngân vốn FDI trong năm 2009 sẽ “tụt dốc” từ mức khoảng 7,6 tỷ USD trong năm 2008, xuống chỉ còn xấp xỉ 2,2 tỷ USD trong năm nay. Điều này sẽ tác động ngược, hạn chế tăng trưởng năng lực sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Bản báo cáo của EIU được trình bày trước các thành viên Chính phủ vào sáng nay, 17/3.

Liên quan đến con số dự báo 0,3% tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Justin Wood.

Hội nghị quốc tế về kinh tế đối ngoại với Chính phủ Việt Nam năm 2009 diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang đi xuống. Liên quan đến vấn đề dự báo về kinh tế toàn cầu năm 2009, EIU rõ ràng là bi quan hơn bất kỳ một tổ chức nào. Vì sao vậy thưa ông?

Tôi cho rằng hầu hết mọi người đều đón nhận một thực tế là nền kinh tế toàn cầu trong năm 2009 sẽ yếu đi và dự báo của chúng tôi là nó sẽ có mức tăng trưởng -1,8%.

Đã qua rồi giai đoạn của bong bóng tín dụng lớn nhất trong lịch sử, khi mà đồng tiền thừa thãi và rẻ mạt. Mặt trái của nó là các nền kinh tế phương Tây (đặc biệt là kinh tế Mỹ và Anh) đạt mức nợ kỷ lục.

Bây giờ chúng ta đang trải qua thời kỳ “trả giá” cho giai đoạn quá mức đó. Các ngân hàng đang xem xét lại bảng cân đối tài tài chính và không cho vay nữa. Người tiêu dùng cắt giảm nợ và chi tiêu ít hơn. Sự lo ngại rủi ro thì tăng lên rất cao và thị trường tài chính vẫn đang rất căng thẳng.

Trong môi trường người tiêu dùng không chi tiêu và ngân hàng không cho vay như vậy, các nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng. Dù các khu vực mới nổi của nền kinh tế thế giới, chẳng hạn,  như châu Á không tham gia vào quá trình hình thành nợ đó, các khu vực này cũng bị tổn thương nghiêm trọng.

Nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của khu vực bị giảm đi và các nhà đầu tư cũng thoái lui, làm cho tiền tệ và thị trường chứng khoán chịu nhiều áp lực và làm cho việc huy động vốn trở nên khó khăn hơn.

EIU đã đưa ra dự đoán là GDP trong năm 2009 của Việt Nam sẽ tăng chỉ có 0,3%, thấp hơn khoảng 5% so với con số tăng trưởng GDP thấp nhất từng được ghi nhận vào thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính tại Đông Á cách đây hơn một thập kỷ. Tại sao tình hình hiện nay lại ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam tồi tệ hơn so với tác động của cuộc khủng hoảng đó?

Điều đầu tiên cần phải nói đó là dù dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam mà chúng tôi đưa ra nhìn có vẻ thấp, trên thực tế, nó còn tốt hơn rất nhiều so với hầu hết các quốc gia châu Á khác.

Ví dụ, chúng tôi dự báo rằng GDP của một số nền kinh tế sẽ giảm xuống mức âm, như Singapore (-7,2%), Đài Loan (- 5,5%), Nhật Bản (-5,5%). Chúng tôi chỉ thấy một số ít nền kinh tế có khả năng tăng trưởng vào năm nay (các trường hợp ngoại lệ là Trung Quốc tăng trưởng 6%, Ấn Độ 5% và Indonesia 1.5%).

Tại sao nền kinh tế Việt Nam sẽ yếu hơn? Đầu tiên là do xuất khẩu: Việt Nam đã rất thành công trong việc phát triển các ngành công nghiệp phục vụ xuất khẩu, nhưng trong năm nay nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu đã giảm mạnh. Việc xuất khẩu của các nước khu vực châu Á đã “rơi” xuống mức đáng báo động do người tiêu dùng ở Mỹ, châu Âu và các thị trường khác cắt giảm chi tiêu.

Thứ hai là do tiêu dùng. Với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng (vì những vấn đề phát sinh trong các khu vực sản xuất hàng xuất khẩu) và thu nhập bị giảm do lạm phát cao trong năm 2008, tiêu dùng cá nhân sẽ bi cắt giảm.

Thứ ba là vì đầu tư. Đầu tư phát triển mạnh trong những năm qua nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ồ ạt chảy vào Việt Nam. Tuy nhiên với khủng hoảng tín dụng và sự suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay, dòng vốn này sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Các công ty nước ngoài có nhiều tiền mặt sẽ hết sức thận trọng, trong khi những công ty thiếu tiền mặt sẽ phải xoay sở để  huy động vốn.

Ngoài ra, rất nhiều khoản đầu tư đã được dành vào việc xây dựng các cơ sở mới phục vụ cho xuất khẩu, do vậy ý định xây dựng các nhà máy mới sẽ giảm đi nhiều. Thị trường bất động sản đang đi xuống cũng làm ảnh hưởng đến nhu cầu đầu tư.

Còn về các biện pháp kích cầu thì sao? Thật khó để có thể biết một cách rõ ràng việc chính phủ sẽ có thực hiện hỗ trợ như thế nào với các biện pháp này. Chính phủ đã đưa ra nhiều tuyên bố, tuy nhiên đến giờ vẫn chưa rõ là mọi việc sẽ được thực hiện như thế nào, bao nhiêu tiền sẽ được bỏ ra. Chúng tôi tin rằng Chính phủ sẽ làm mọi cách có thể để giải quyết vấn đề này.

Còn về vấn đề tại sao cuộc khủng hoảng này sẽ tác động đến Việt Nam tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng trước đây,  là vì trong thập kỷ qua, Việt Nam đã hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu, do đó chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ các sự kiện toàn cầu nhiều hơn 10 năm trước đây.

Đối với châu Á nói chung, trong cuộc khủng hoảng năm 1997 - 1998, cả khu vực đã có thể tìm một lối thoát theo cách riêng của mình. Ví dụ, trong năm 1998, kinh tế Mỹ tăng trưởng 4,2%, có nghĩa là nhu cầu đối với hàng xuất khẩu từ châu Á rất lớn. Năm nay, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng -2,5%, đồng nghĩa với việc nhu cầu này giảm đi rất nhiều.  

Vào tháng 4 năm 2008, trong một bài báo có tựa đề “Việt Nam: Một điều kỳ diệu khác của châu Á”, tạp chí The Economist đã đưa ra những nhận xét hết sức tích cực về nền kinh tế Việt Nam. Các ông có tiếp tục tán thành những đánh giá lạc quan đó hay không?

Quan điểm của chúng tôi là trong ngắn hạn, Việt Nam sẽ đối mặt với một môi trường kinh tế đầy thách thức và đạt mức tăng trưởng thấp. Tuy nhiên trong trung và dài hạn, Việt Nam thể hiện là một điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài.

Quá trình công nghiệp hóa đang tiếp diễn tại đất nước này, việc xây dựng cơ sở hạ tầng, mức lương tăng, đời sống phồn vinh hơn, nền kinh tế tiếp tục được cải tổ, nguồn nhân lực trẻ là những lí do để chúng ta có thể lạc quan.

Tuy nhiên không thể bảo đảm một tương lai tươi sáng, vì điều này phụ thuộc vào việc Chính phủ Việt Nam theo đuổi các chính sách đúng đắn và tạo ra những nền tảng tốt cho việc kinh doanh phát triển một cách vững chắc. Những thách thức lớn nhất bao gồm cải thiện hệ thống giáo dục, phát triển cơ sở hạ tầng, chống tham nhũng và cải cách các doanh nghiệp nhà nước.