10:23 05/06/2007

“Thẩm định doanh nghiệp có thể “cất cánh” nhờ chứng khoán”

Đức Thọ

Trò chuyện với TS. Nguyễn Tiến Phú, Giám đốc Trung tâm Khoa học thẩm định tín nhiệm doanh nghiệp

"Với kết quả xếp hạng một cách khách quan, doanh nghiệp sẽ tự điều chỉnh chiến lược kinh doanh, cải tiến quy trình quản lý."
"Với kết quả xếp hạng một cách khách quan, doanh nghiệp sẽ tự điều chỉnh chiến lược kinh doanh, cải tiến quy trình quản lý."
VnEconomy đã có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Tiến Phú, Giám đốc Trung tâm Khoa học thẩm định tín nhiệm doanh nghiệp, xung quanh vai trò và tương lai của hoạt động đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp tại Việt Nam.

Theo ông Phú, đây là một hoạt động sẽ góp phần rất lớn vào việc minh bạch nền kinh tế, trong đó thành phần quan trọng nhất là cộng đồng doanh nghiệp.

Trước tiên, xin ông cho biết sơ lược về những hoạt động chính của trung tâm?

Trung tâm có hai lĩnh vực hoạt động chính là nghiên cứu quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính, thẩm định giá, đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp. Về dịch vụ và công nghệ, chúng tôi cung cấp thông tin, tư vấn, biên soạn tài liệu và giáo trình, tổ chức hội thảo, hội nghị, thực hiện thẩm định doanh nghiệp…

Đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp đến nay vẫn còn là một hoạt động khá mới mẻ tại Việt Nam, mặc dù trước đây một số cơ quan quản lý Nhà nước cũng đã có thực hiện. Ông hãy đánh giá về sự khác nhau đó?

Hiện nay chúng tôi là đơn vị thứ 3 ở Việt Nam có chức năng thẩm định tín nhiệm doanh nghiệp, (hai đơn vị còn lại là Công ty Thông tin tín nhiệm và Xếp hạng doanh nghiệp, được tách ra từ Công ty Giải pháp Việt Nam, và Trung tâm Đánh giá tín nhiệm Vietnamnet - PV).

Hầu hết các đánh giá xếp hạng doanh nghiệp trước đây là do cấp trên đánh giá cấp dưới, cơ quan chủ quản đánh giá doanh nghiệp. Vì vậy, nó thường mang tính chất quản lý hành chính nhiều hơn, và chắc chắn yếu tố khách quan sẽ không thật sự cao.

Còn hiện nay, các kết quả đánh giá được thực hiện thông qua các công ty, tổ chức đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp nên sẽ đưa ra được những kết quả đánh giá đảm bảo được ba yếu tố: khách quan, trung thực và độc lập.

Tuy nhiên, đây vẫn còn là lĩnh vực còn khá mới mẻ ở Việt Nam mặc dù trên thế giới hoạt động này đã có từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Lúc đó, thị trường chứng khoán ở Mỹ phát triển, các doanh nghiệp huy động một lượng vốn khổng lồ thông qua trái phiếu, cần có một tổ chức đứng ra đánh giá khách quan về mức độ khả tín của doanh nghiệp. Và năm 1909, lần đầu tiên công ty Moody’s đã đánh giá hệ số tín nhiệm trên 1.500 trái phiếu của 250 công ty đường sắt của Mỹ với ký hiệu từ Aaa đến C theo thứ tự từ cao xuống thấp.

Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng bắt đầu phát triển mạnh mẽ và cũng đang rất cần những kết quả đánh giá khách quan. Vậy đây có phải là một cơ hội thực sự lớn?

Đúng, thị trường chứng khoán Việt Nam đang phát triển nên tôi nghĩ đây là cơ hội rất tốt cho lĩnh vực này phát triển, vì nguồn gốc ra đời của loại hình hoạt động này xuất phát từ chính sự phát triển của thị trường chứng khoán.

Trung tâm sẽ thực hiện việc việc đánh giá và thẩm định dựa trên cơ sở nào, thưa ông?

Có rất nhiều tiêu chí để định mức tín nhiệm doanh nghiệp và các tổ chức định giá tín nhiệm trên thế giới đều xây dựng riêng cho mình một hệ thống đánh giá.

Đối với trung tâm chúng tôi, chúng tôi xây dựng các tiêu chí dựa trên tham khảo của các tổ chức hàng đầu trong lĩnh vực này đồng thời, lượng hóa các tiêu chuẩn sao cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Đây là bộ đánh giá mở và nó sẽ liên tục được bổ sung, cập nhật cho phù hợp với thức tế và luật pháp Việt Nam. Bên cạnh đó, thiết lập cơ chế kiểm sát, giám sát nội bộ cũng chặt chẽ. Việc đánh giá phải được tiến hành một cách thận trọng, khách quan và khoa học dựa trên thông tin mà doanh nghiệp đưa ra nếu không nó sẽ gây nên sự hoang mang cho doanh nghiệp và đẩy họ vào thế bất lợi.

Doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ thẩm định tín nhiệm có lợi gì, thưa ông?

Đây là nhu cầu minh bạch của nền kinh tế. Doanh nghiệp được cung cấp thông tin một cách công khai bình đẳng. Có một đơn vị đảm bảo cho thông tin đó là chính xác, khách quan, độc lập. Giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín, tạo lập thương hiệu trên thương trường, và là cơ sở để đối tác có thêm thông tin về doanh nghiệp.

Mặt khác, với kết quả xếp hạng một cách khách quan, doanh nghiệp sẽ tự điều chỉnh chiến lược kinh doanh, cải tiến quy trình quản lý. Trên thực tế một số doanh nghiệp của Việt Nam cũng đã từng thuê tổ chức xếp hạng doanh tín nhiệm quốc tế đánh giá kết quả kinh doanh và đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong hoạt động của mình.

Tất nhiên, việc đánh giá tín nhiệm không phải là căn cứ duy nhất và lúc nào cũng hoàn toàn chính xác về thực trạng của doanh nghiệp. Ngay cả các tập đoàn lớn trong lĩnh vực này là Moody’s hay Standard & Poor cũng thừa nhận trong 1.000 doanh nghiệp đạt tới hệ số tín nhiệm A vẫn có 0,2% doanh nghiệp bị phá sản.

Sai lệch dù là rất nhỏ (với mức 0,2% đối với tập đoàn hàng đầu thế giới) song đó rõ ràng là một khó khăn phải khắc phục đến mức tối đa. Vậy với các ông, các ông sẽ khắc phục thế nào?

Tuy nhiên để đạt được tính trung thực khách quan còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trình độ của hội đồng đánh giá; thông tin mà doanh nghiệp cung cấp phải chính xác… Về mặt quản lý nhà nước, các cơ quan quản lý vẫn chưa có các văn bản điều chỉnh các quan hệ trong lĩnh vực này.

Khó khăn lớn nhất mà chúng tôi phải đối mặt là nhận thức của các doanh nghiệp thậm chí các cơ quan quản lý. Họ chưa thực sự tin vào chúng tôi.

Nhưng, bằng kết quả thực tế chúng tôi sẽ chứng minh và tạo niềm tin cho họ cũng như uy tín cho mình. Các công ty hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực này đều phải trải qua những bước khởi đầu như vậy.

Câu hỏi cuối cùng, vậy ai sẽ là người đánh giá tín nhiệm của các công ty đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp?

Đó chính là các doanh nghiệp khách hàng mà không phụ thuộc vào các cơ quan quản lý nhà nước. Nếu kết quả mà chúng tôi đưa ra phản ánh trung thực thực trạng doanh nghiệp thì chúng tôi sẽ tạo dựng được uy tín.