14:49 25/05/2009

Tham ô, nhận hối lộ vẫn có thể nhận án tử hình

Nguyễn Lê

Sau nhiều lần thảo luận, đại biểu Quốc hội vẫn đề nghị giữ hình phạt tử hình với một số loại tội phạm kinh tế

Đại biểu Quốc hội thảo luận dự án luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự.
Đại biểu Quốc hội thảo luận dự án luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự.
Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự được Quốc hội thảo luận sáng 25/5 đã đề nghị giữ lại hình phạt tử hình với 9/17 điều mà Chính phủ đã trình, trong đó có tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ.

Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình, bỏ hình phạt tử hình trong một số tội danh cụ thể là chủ trương được nhiều đại biểu Quốc hội tán thành khi tiến hành sửa Luật Hình sự. Riêng về nhóm tội phạm kinh tế, thảo luận tại kỳ họp thứ 4, bên cạnh nhiều ý kiến đề nghị giữ, một số ý kiến cho rằng nên bỏ tội tử hình đối với nhóm này vì “cần phải có cái nhìn khác”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tệ nạn tham nhũng hiện nay vẫn đang diễn ra nghiêm trọng và phức tạp; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đang được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân. Việc giữ lại hình phạt tử hình đối với loại tội phạm này là thể hiện tính nhất quán, sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc đẩy lùi và trừng trị nghiêm khắc cũng như răn đe, phòng ngừa chung đối với tội phạm tham nhũng.

Vì vậy, dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp này vẫn giữ nguyên hình phạt tử hình với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ.

Bên cạnh hai tội trên, nhiều ý kiến đồng ý nên giữ hình phat tử hình với các tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, tội chống mệnh lệnh, tội đầu hàng địch, tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược, tội chống loài người và tội phạm chiến tranh...

Cũng liên quan tới tội phạm về kinh tế, trong quá trình thảo luận, góp ý từ kỳ họp thứ 4 đến nay, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với việc bổ sung một số tội danh mới trong lĩnh vực chứng khoán.

Tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo ghép Điều 181a về "Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật khi chào bán, niêm yết hoặc giao dịch chứng khoán" và Điều 181c về "Tội gian lận, lừa đảo trong giao dịch chứng khoán" của dự thảo luật thành Điều 181a: "Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật khi chào bán, niêm yết hoặc giao dịch chứng khoán".

Đồng thời, đã chỉ đạo chỉnh lý cấu thành tội phạm của Điều 181b "Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán" và Điều 181c "Tội thao túng giá chứng khoán" cho rõ ràng, cụ thể, chặt chẽ hơn và bỏ dấu hiệu “đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này mà còn vi phạm” trong cấu thành cơ bản của các điều luật trên.

Theo đó, phạm tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán có thể bị phạt tù đến 7 năm, tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán có thể bị phạt tù đến 5 năm, thao túng giá chứng khoán có thể bị phạt tù đến 3 năm.

Bên cạnh các nội dung trên, dự thảo luật lần này cũng sửa đổi, bổ sung  tội vi phạm quy định về bảo quản, quản lý hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước; tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet, tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet, thiết bị số...

Một số đại biểu đề nghị bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong một số tội phạm liên quan đến các lĩnh vực như thuế, môi trường, chứng khoán. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là một vấn đề lớn, cần phải nghiên cứu kỹ, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của trách nhiệm hình sự, khái niệm tội phạm, hệ thống hình phạt, các nguyên tắc áp dụng, quyền và nghĩa vụ của pháp nhân trong tố tụng hình sự, ... Do đó, đề nghị Quốc hội cho tiếp tục nghiên cứu phục vụ cho việc sửa đổi cơ bản, toàn diện Bộ luật Hình sự trong thời gian tới.

Ngày 18/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự án luật này.