12:10 02/04/2011

Thành công bất ngờ của bảo hiểm thất nghiệp

Vũ Quỳnh

Sau hai năm triển khai, cụm từ “bảo hiểm thất nghiệp” gần như không còn xa lạ với nhiều người lao động

Chế độ phúc lợi đầy đủ cũng là một cách giữ chân lao động.
Chế độ phúc lợi đầy đủ cũng là một cách giữ chân lao động.
Sau hai năm triển khai, cụm từ “bảo hiểm thất nghiệp” gần như không còn xa lạ với nhiều người lao động.

Theo quy định của khoản 1, điều 10, Nghị định 127/2008/NĐ-CP, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp đúng và đủ.

Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, tính đến tháng 12/2010, tổng số người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 7,05 triệu người, tăng 19,58% so với năm 2009. Tổng số thu năm 2010 là 4.800 tỷ đồng, đưa tổng quỹ bảo hiểm thất nghiệp lên 8.200 tỷ đồng.

Theo báo cáo của các địa phương về tình hình tiếp nhận và giải quyết các chế độ bảo hiểm thất nghiệp trên toàn quốc, đến hết tháng 2/2011 có tới 225.675 số người đăng ký, và 176.894 người đã có quyết định được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Như vậy, bình quân một tháng, một trung tâm giới thiệu việc làm có 249 người đến đăng ký thất nghiệp. Năm 2010, quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã chi trả trên 550 tỷ đồng.

Số lượng người tham gia bảo hiểm thất nghiệp dường như cao hơn rất nhiều so với dự kiến, và tập trung nhiều tại các thành phố lớn, như Tp.HCM (71.506 người), Bình Dương (54.281 người), Đồng Nai (22.945 người) và Hà Nội (5.084 người).

Đánh giá của cơ quan quản lý về tình hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp cũng tỏ ra lạc quan.

Ông Lê Quang Trung, Phó cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết với 1% quỹ tiền lương phải bỏ ra, nhiều doanh nghiệp đã tự giác thực hiện với chính sách này. Số doanh nghiệp tại nhiều địa phương tham gia bảo hiểm thất nghiệp chiếm tỷ lệ lớn

Ví dụ, tại Hà Tĩnh, báo cáo của trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh này cho thấy, nếu như số doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trên địa bàn thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 1.735, thì con số đơn vị tham gia bảo hiểm thất nghiệp đã lên tới 1.361.

Trao đổi với VnEconomy, ông Phạm Thanh Giang, giám đốc một doanh nghiệp khai thác đá đóng trên địa bàn Hà Tĩnh cho biết, tình hình kinh tế mấy năm trở lại đây có nhiều biến động, việc làm của người lao động cũng thiếu bền vững, vì thế chính sách bảo hiểm thất nghiệp sẽ là một giải pháp cho lao động nếu không may bị mất việc làm.

Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Công ty Thực phẩm Minh Hương cũng cho rằng, việc doanh nghiệp chủ động đóng bảo hiểm thất nghiệp cho công nhân, thực ra, cũng là một cách để giữ chân lao động. Khi người lao động được hưởng đầy đủ những phúc lợi tối thiểu, họ sẽ làm việc bằng chính khả năng, chứ không phải là làm việc một cách đối phó.