15:31 26/06/2007

Thất bại để thành công: “Kính chào thất bại”

Thất bại. Ông Nguyễn Ngọc Dân đã có rất nhiều lần đón nhận từ này kể từ khi lập nghiệp

Ông Nguyễn Ngọc Dân: "Mỗi lần đối diện với thất bại, tôi chỉ nghĩ đến một điều: Phải trả lời cho được câu hỏi lý do thất bại, phải vượt qua nó và thành công".
Ông Nguyễn Ngọc Dân: "Mỗi lần đối diện với thất bại, tôi chỉ nghĩ đến một điều: Phải trả lời cho được câu hỏi lý do thất bại, phải vượt qua nó và thành công".
Thất bại. Ông Nguyễn Ngọc Dân đã có rất nhiều lần đón nhận từ này kể từ khi lập nghiệp.

>>Xem loạt bài "Thất bại để thành công"

Ông bắt đầu bằng nghề điện tử. Học làm thợ, mở tiệm rồi xin vào Đài truyền hình Cần Thơ làm kỹ thuật. Rồi lên Sài Gòn lập nghiệp, khởi đầu từ việc buôn hàng điện tử từ Sài Gòn về miền Tây.

Dân "điện tử"

Một lần, từ Tp.HCM ông Dân về lại Cần Thơ ngồi lai rai với vài người bạn làm ở đài truyền hình, người bạn cho hay một thông tin mà ông chú ý: vài tháng nữa Đài truyền hình Cần Thơ sẽ chuyển từ hệ NTSC sang phát hệ PAL.

Một thông tin nói vu vơ rồi chẳng ai để ý, nhưng với một người kinh doanh hàng điện tử, đó là một cơ hội vàng. Ông vội quay về Sài Gòn, trong đầu loay hoay về ý tưởng một bộ chuyển hệ phục vụ cả vùng đồng bằng xem tivi hệ Pal.

Điều thú vị nhất ông phát hiện được là tại Tp.HCM, trên đường Võ Văn Tần, có một nơi duy nhất chuyên sản xuất chất liệu ferrite (dùng trong điều chỉnh tần số) nhưng lại là hàng xuất khẩu toàn bộ. Một hợp đồng độc quyền mua ferrite tại Việt Nam được ký kết. Ông huy động vài người bạn nghiên cứu mạch chuyển hệ, phát hệ Pal và mượn tivi NTSC điều chỉnh.

Thành công. Vay tiền bạc để làm bộ chuyển hệ. Tất cả người dân ở con hẻm ông trọ được huy động để lắp đặt hàng ngàn bộ chuyển hệ, cho vào bọc, để đó… chờ thời.

Bốn tháng sau (tháng 10/1990), khu vực ĐBSCL thời điểm đó bắt đầu chuyển từ hệ NTSC sang PAL, các máy truyền hình trắng đen khi bật lên đều bị mờ hình và toàn hột. Nhà đài chuyển hệ, khoảng trống thiết bị được đáp ứng ngay từ sự chuẩn bị của ông Dân. Hàng bán ra không kịp. Rồi nhiều người dân ở đồng bằng lên Tp.HCM tìm ông đợi lắp ráp. Sau Cần Thơ là đến Bình Dương và toàn quốc chuyển hệ. Thành công lớn.

Tiếp sau vụ chuyển hệ, ông ký kết độc quyền được với đối tác Singapore và Hong Kong về các loại linh kiện điện tử, rồi mua cả một container micro cung cấp cho phong trào karaoke đang nở rộ. Thời điểm đó có ngày ông thu lời 5.000 USD - một con số có nằm mơ ông cũng chưa nghĩ tới. Một năm ông làm bằng 10 năm đã mất trước đó.

Rồi tám xưởng sản xuất thiết bị điện tử ra đời vẫn không đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Sau đó, ông thầu và cho thuê lại mặt bằng ở chợ điện tử Nguyễn Kim. Dần dần, uy tín và mạng lưới kinh doanh của ông phủ phần lớn trên thị trường kinh doanh hàng điện tử.

Bây giờ, ông Nguyễn Ngọc Dân được giới kinh doanh gọi là Dân “điện tử”, xem như một "đại gia" trong ngành kinh doanh hàng điện tử. Ông là chủ của Công ty Dân Xuân đang chuẩn bị xây cao ốc tại chợ điện tử Nhật Tảo, ông chủ của siêu thị miễn thuế Mộc Bài và nhiều cơ sở khác. Ông là “Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu năm 2006”.

Đứng lên từ thất bại

Nhưng con đường đi tới thành công hôm nay của ông Nguyễn Ngọc Dân đã trải qua nhiều thất bại trắng tay.

Ông bắt đầu mọi thứ với số vốn chỉ 100.000 đồng (chỉ mua được vài ba sợi dây curoa hoặc mấy "con sò" trong các thiết bị điện tử) với tiệm điện nhỏ của mình. Mở tiệm cũng là một cách giúp những bạn nhỏ tuổi đang sống cảnh bụi đời trên đường phố Cần Thơ. Ông đưa các em về, dạy cho nghề điện tử rồi giao trông coi cửa hàng khi ông đi làm.

Một ngày nọ, sáng sớm ông thấy cửa hàng trống trơn. Bọn nhỏ đã dọn cả cửa hàng đi mất! Vậy là làm lại từ đầu. Rồi công việc làm ăn phát đạt, có lần ông mua hàng bằng tiền USD, giá USD bỗng tăng gấp bốn lần, chưa kịp bán hàng và thế là lỗ tan tành, phải mấy năm mới trả hết nợ.

Cứ thế, suốt mười năm làm ăn trên đất Cần Thơ, ông có sáu lần thất bại mà lần thất bại vào năm 1985 chỉ còn hai bàn tay trắng. Lên Sài Gòn lập nghiệp, ông mang một lơi thề với chính mình: không thành công sẽ không trở về.

Có được việc làm, cưới vợ…, mọi việc đều thành công sau ba năm ở Sài Gòn. Ở Sài Gòn, ông tập cho mình một thói quen: mọi người làm việc 8 giờ thì ông làm tới 12 giờ, mỗi ngày chỉ ngủ vài giờ đồng hồ, bởi ông muốn lấy lại thời gian và những cơ hội đã mất. Công việc ở công ty ông làm 10 giờ và công việc kinh doanh bên ngoài là 8 giờ.

Dần dà ông có chức vụ trong một công ty, có cửa hàng riêng, có xe hơi riêng và chuẩn bị vay tiền xây dựng cơ ngơi riêng cho mình.

Cho đến một buổi sáng cuối tháng 10/1985, như mọi ngày, ông ghé vào cửa hàng trước khi đi làm thì hoảng hốt thấy mọi thứ trống trơn. Ông chạy về định báo cho vợ thì căn phòng cũng không còn gì: vợ ông đã cùng người tài xế dẫn theo con nhỏ vượt biên. Ông đứng như trời trồng. Đó chính là thất bại lớn nhất cuộc đời ông, ông đã lơ là chính gia đình của mình vì công việc và những khát vọng thành công quá lớn.

Nào ngờ cơ hội làm giàu đã làm sụp đổ chính gia đình mà ông yêu thương nhất. Chưa hết bàng hoàng thì người chị vợ mời ông ra khỏi nhà vì nhà do vợ ông đứng tên. Vài ngày sau, công an mời ông lên làm việc về những khuất tất trong làm ăn của vợ ông. Tất cả như dồn ông vào chân tường. Ông sụp đổ, bỏ tất cả để đi lang thang như người mộng du, không một đồng dính túi.

Thuở nhỏ, ông là người nhỏ con yếu ớt, trí nhớ kém cỏi. Ông đã từng hạ quyết tâm phấn đấu phát triển bằng người bình thường, đã phải vào chùa tập thiền, ăn chay trường 14 năm. Cuộc sống là cả một chuỗi dài phấn đấu, chưa bao giờ chịu đầu hàng bất cứ nghịch cảnh nào. Vậy mà bây giờ chẳng lẽ ông gục ngã? Những lần trước mất hết tiền bạc, ông còn vượt qua được vì nghĩ mình còn sống là có thể làm lại bằng mọi giá, song đến lần này ông không biết sống và cố gắng để làm gì khi không còn vợ con, “muốn chết quách cho rồi!”.

Một năm trời sống trong đọa đày như thế, cho đến một hôm ông Dân thấy mình đã rơi tới đáy vực thẳm. Tới đáy rồi mà chưa chết sao, vậy thì phải ngồi dậy!

“Một buổi sáng, tôi tắm rửa sạch sẽ, ngồi lại trong trạng thái thanh thản nhất, lấy trong cặp ra vài quyển số, quyết định ghi lại và phân tích hết mọi sự. Quyển nhật ký viết đầy như muốn nói chuyện vợ con, quyển khác dành để phân tích những gì đã xảy ra với mình, cái gì thất bại, cái gì có thể làm được… Cứ như vậy, từng ngày một tôi thấy mọi thứ dần sáng tỏ. Thấy cái hay, cái dở của mình, cái nguyên nhân vì sao mình thất bại. Thất bại là kinh nghiệm quí, mình phải “kính chào” nó. Rồi tôi quyết định đứng lên”, ông Dân hồi tưởng.

Và ông đã đứng lên, đi tới thành công từ đó.