18:08 25/06/2007

Thất bại để thành công: Lập kế hoạch cuộc đời

Thọ nói nếu không có những thất bại đầu đời làm kinh nghiệm quí giá, anh sẽ không có thành công như hôm nay

Mục tiêu “Thọ 2008: chủ một cơ sở” đã đạt được trước ba năm.
Mục tiêu “Thọ 2008: chủ một cơ sở” đã đạt được trước ba năm.
Ngã xuống, gượng dậy. Lại ngã xuống, rồi đứng lên... Như cây trước bão, họ bầm dập trong tả tơi rồi gượng dậy từ đống hoang tàn, làm đủ thứ việc để rốt cuộc đi đến thành công, thành đạt trong kinh doanh.

Nhìn lại đời mình, họ thấy thành công của họ được xây nên từ những kinh nghiệm quí của sự thất bại
.

Bây giờ, cái tên Vinafood đã là một thương hiệu sữa bột quen thuộc với nhiều người tiêu dùng cả nước, và ông chủ của Vinafood được giới doanh nhân xem là một tấm gương thành đạt.

Thế nhưng ít ai biết để thành công, ông chủ của Vinafood đã từng nhiều lần thất bại, khởi nghiệp từ việc sửa xe, đạp xích lô...

Thất bại triền miên

Quê Từ Ngọc Thọ ở xã miền quê Điện Phước, Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam). Năm Thọ 16 tuổi, người anh thứ hai của Thọ hi sinh trên chiến trường Campuchia, người anh kế bị sốc và tâm thần luôn từ đó, người mẹ khóc lòa cả hai mắt. Gia đình lâm vào cảnh khó khăn, Thọ quyết định ra Đà Nẵng học nghề. Thọ tìm đến nhà ông Bảy sửa xe để học nghề. Chẳng có đồng xu giắt lưng, nhưng nhờ quen biết

Thọ cũng được ông Bảy nhận vào học. Biết thân phận học “ké”, ngoài giờ làm Thọ chẻ củi, lau chân đèn, lư, xắt chuối cho heo ăn, lau chùi máy móc... Vậy là ông Bảy thương lắm, truyền nghề từ đầu đến cuối cho Thọ.

Ngày đi học nghề sửa xe, tối đi học tuần ba buổi, bốn buổi tối còn lại Thọ đạp xích lô. Vào nghề xích lô, Thọ tập đạp sao cho xe khỏi chổng, nhảy xuống thế nào cho khỏi té với đôi chân ngắn. Vậy mà cũng không xong, té lên té xuống, khách chê cười, không ai dám đi.

Vậy là chuyển nghề, Thọ mở riêng cho mình một tiệm sửa xe đạp. Chàng thanh niên 19 tuổi không lường hết được những phức tạp của việc ra riêng: khách hàng ít, tiền trả mặt bằng cao, tiền thợ hằng tháng đến vùn vụt... Mới ra riêng được vài tháng, “ông chủ tiệm sửa xe đạp” đã phải đóng cửa tiệm.

Thọ rơi vào tình trạng chán nản, đến nhà người bạn ở nhờ. Đêm nằm vắt tay lên trán nghĩ về tương lai mù mịt, Thọ quyết định thử thời vận lần nữa bằng cách nhảy xe đò vào Sài Gòn tìm cơ hội. Thọ theo học nghề đứng máy ép bông vải, được một thời gian lại bỏ đi học nghề sửa điện gia dụng.

Ban đầu lấy mối từ người bà con, sau đó tự hình thành các mối sửa điện nhà. Sau ba năm làm nghề, Thọ đã làm được một việc lớn: mua được ngôi nhà nhỏ 3,5mx 7m. Năm đó, Thọ cũng làm thêm được một chuyện lớn trong đời: lấy vợ. Cha mẹ già ở quê đã bắt đầu ngẩng mặt với hàng xóm.

Thêm một bước ngoặt trong đời Thọ. Có một người Hoa nhập khẩu chiếc máy làm chiếu tre cần người hợp tác. Cơ hội làm chủ đây rồi. Mừng quá, Thọ chẳng ngần ngại cùng với một người bạn về quê lùng tre, đốn tre, cưa tre...

Trong một lần đốn tre bị dằm bắn vào mắt, Thọ phải nằm viện hết một tháng. Nhưng cái họa này không bằng cái họa lớn hơn: tre không thành sản phẩm được. Thử hoài, bao nhiêu bận cũng không thành, Thọ mới phát hiện một điều thật cơ bản: tre ở Trung Quốc là tre núi, không có nước, rất chắc nên khi bỏ hóa chất vào đánh ra thành tre đẹp, bóng, không teo.

Còn tre ở miền Trung thường gần sông nên nước nhiều, tiếp xúc với gió nhiều, nên tre cạ với nhau làm mặt cây bị trầy đi, mà mặt thâm thì thâm tới tận bên trong, khi bỏ hóa chất để đánh cũng không bao giờ hết được.

Vậy là thất bại, trả máy lại cho ông bạn người Hoa. Nợ nần chồng chất, Thọ quyết định bán ngôi nhà đang ở. Lúc này vợ chồng Thọ đã có một cô con gái, cô con gái thứ hai trong bụng mẹ chuẩn bị chào đời. Đặt lưng trên chiếc giường trong ngôi nhà thuê, người thanh niên miền quê miên man suy nghĩ: chẳng lẽ thành công không bao giờ đến với mình?

Vượt kế hoạch ba năm

Gia đình liên tục điện thoại an ủi: “Số của con gặp nhiều chuyện xui”. Bạn bè thì động viên: “Số của mày chưa tới”... Còn Thọ sau nhiều ngày suy nghĩ mới ngộ ra: thật ra có một nguyên nhân là mình quá chủ quan về bản thân, có tính toán gì trước đâu mà không thất bại!

Ít nhất khi có máy thì phải tính toán, phải viết ra kế hoạch, chuẩn bị ra sao, cái gì làm trước, cái gì sau, nguyên liệu chính là gì, sẽ như thế nào... Đằng này...

Đó cũng là lần đầu tiên từ khi rời quê, Thọ lấy giấy bút đặt ra một kế hoạch sắp tới cho đời mình: “Thọ 2001: chưa có gì trong tay”, và một mũi tên chạy qua hết góc phải tờ giấy khoanh tròn chữ: “Thọ 2008: chủ một cơ sở”.

Gom góp toàn bộ số tiền còn lại, Thọ tìm mua một lô đất nhỏ nằm dưới dây điện cao thế mà ai cũng chê, xây lên ngôi nhà cấp 4. Thọ vừa là thợ hồ, thợ sơn, thợ đào móng, hì hục làm cả ngày đêm.

Khi ngôi nhà chưa xây xong, Thọ đăng rao bán ngôi nhà trên báo. Có 20 người đến xem nhà và một ông khách đặt cọc. Sướng quá, mình vừa mới “chết” mà nay trong vòng chưa được một tháng đã lời liền 10 lượng vàng. Đã có tiền đủ để nghĩ đến kế hoạch làm chủ một cơ sở nhỏ.

Thọ bắt đầu lại từ căn bản là đi học những khóa học của Đại học Kinh tế: chuyên viên kinh tế, giám đốc kinh doanh. Hằng ngày Thọ đi khắp các chợ xem người ta mua hàng như thế nào, cách mua ra sao, sau đó lên danh mục kinh doanh một số mặt hàng, trong đó nổi trội là sữa bột.

Thọ mạnh dạn bỏ tiền ra thuê cả một đội ngũ nghiên cứu thị trường đến từng nhà xem người ta thường sử dụng loại sữa gì, giá cả ra sao... Kế hoạch bài bản, đáp án cho những ngày Thọ dày công nghiên cứu thị trường, phân tích thị trường, nhu cầu khách hàng đã có: thị trường sữa bột có những “vùng” dành cho các công ty ra đời sau.

Ba năm nghiên cứu, chọn nguyên liệu nhập, mở xưởng đóng gói với gần 50 nhân viên từ công nhân đến đội ngũ tiếp thị, Thọ thành lập Công ty TNHH Thực phẩm Vina vào cuối năm 2005. Mục tiêu “Thọ 2008: chủ một cơ sở” đã đạt được, vượt kế hoạch ba năm!

Đến nay, Vinafood của Từ Ngọc Thọ đã có những sản phẩm sữa được nhiều người tiêu dùng cả nước biết đến như: DHA phát triển trí não, canxi tăng chiều cao, canxi cho người lớn tuổi, sản phẩm cho người gầy, sản phẩm cho người mang thai... Thọ nói nếu không có những thất bại đầu đời làm kinh nghiệm quí giá, anh sẽ không có thành công như hôm nay.