14:40 12/12/2013

Thêm một loạt công nhân chết trong nhà máy lắp ráp iPhone

An Huy

Thời gian làm việc dài và điều kiện sống chật chội được cho là những nguyên nhân

Pegatron, công ty có trụ sở ở Đài Loan, ngày 11/12 đã xác nhận có 4 
công nhân, trong đó có Shi, chết trong thời gian gần đây tại nhà máy của
 công ty ở Thượng Hải vì bị ốm - Ảnh: AP.<br>
Pegatron, công ty có trụ sở ở Đài Loan, ngày 11/12 đã xác nhận có 4 công nhân, trong đó có Shi, chết trong thời gian gần đây tại nhà máy của công ty ở Thượng Hải vì bị ốm - Ảnh: AP.<br>
Cái chết mới đây của một công nhân 15 tuổi và 3 công nhân khác tại một nhà máy lắp ráp điện thoại iPhone ở Thượng Hải một lần nữa cho thấy những thách thức mà Apple và các nhà cung cấp của hãng này phải đối mặt trong vấn đề duy trì an toàn lao động và không cho công nhân chưa đủ tuổi lọt vào nhà máy.

Theo tờ Wall Street Journal, vào tháng 9 vừa rồi, cậu bé Shi Zhaokun 15 tuổi bắt đầu vào làm việc tại nhà máy lắp ráp iPhone của công ty Pegatron Corp. ở Thượng Hải. Do chưa đủ tuổi để được thuê, Shi dùng một thẻ căn cước giả trên đó cho biết cậu 20 tuổi. Chỉ 1 tháng sau đó, Zhi chết bệnh viêm phổi. Thời gian làm việc dài và điều kiện sống chật chội được cho là những nguyên nhân góp phần dẫn tới việc Shi mắc bệnh và không giữ được tính mạng.

Pegatron, công ty có trụ sở ở Đài Loan, ngày 11/12 đã xác nhận có 4 công nhân, trong đó có Shi, chết trong thời gian gần đây tại nhà máy của công ty ở Thượng Hải vì bị ốm. Nhà máy này sử dụng khoảng 100.000 lao động.

Petragon và Apple cho biết, họ đã tiến hành điều tra và phát hiện thấy, các vụ công nhân bị chết nói trên không liên quan tới điều kiện làm việc. Sau khi Shi chết, vào tháng 11, Apple đã cử chuyên gia y tế độc lập từ Mỹ và Trung Quốc tới nhà máy của Pegatron để tiến hành một cuộc điều tra.

“Họ không tìm thấy bằng chứng nào về sự liên quan của những cái chết tới các điều kiện làm việc ở đó, nhưng chúng tôi hiểu, điều đó không thể giúp làm nguôi ngoai nỗi đau của các gia đình mất người thân”, phát ngôn viên Carolyn Wu của Apple nói.

Apple không đưa ra bất kỳ bình luận nào về việc nhà máy lắp ráp iPhone sử dụng công nhân chưa đủ tuổi, dù công ty này từ lâu vẫn tuyên bố sẽ kiên nhẫn áp dụng các quy định về độ tuổi công nhân tại nhà máy của các nhà cung cấp. Apple hiện đang làm việc với Pegatron để đảm bảo các điều kiện tại nhà máy lắp ráp của công ty này đáp ứng các tiêu chuẩn của Apple, bà Wu cho hay.

Về phần mình, Pegatron nói, công ty đã áp dụng các biện pháp chặt chẽ để xác định chính xác tuổi của người xin việc, nhưng cậu Shi đã dùng thẻ căn cước giả để chứng minh là cậu đã trên 16 tuổi, đủ tuổi vào làm việc. “không may, thẻ căn cước mà người này dùng khi xin việc là thẻ giả”, Petragon tuyên bố.

Mẹ của Shi, bà Yan Taixia, nói rằng, bà đã cảm thấy ngờ ngợ điều gì đó khi Shi nói rằng cậu sẽ đi Thượng Hải hồi tháng 9. Sau đó, Shi mới gọi điện về nhà và nói là cậu đang làm việc trong một nhà máy. Không rõ vì sao Shi rốt cục lại chết vì bệnh viêm phổi nặng chỉ một tháng sau đó. Gia đình Shi nói rằng, cậu hoàn toàn khỏe mạnh trong đợt kiểm tra sức khỏe ở nhà máy Pegatron hồi tháng 9.

Trước khi chết, Shi gọi điện về cho mẹ, nói là cậu bị cảm. Bà Yan đã khuyên con trai nên về nhà nghỉ ngơi, nhưng Shi nói rằng, cậu muốn làm việc cho tới khi nhận được lương. 5 ngày sau đó, một người của công ty gọi cho mẹ Shi, nói rằng con trai bà đang ốm rất nặng. Đến khi gia đình Shi tới được Thượng Hải sau 11 giờ đi xe, thì Shi đã chết.

Gia đình Shi cho biết, cậu phải làm việc theo ca, mỗi ca kéo dài 12 tiếng đồng hồ. Bảng phân công công việc của cậu đã cho thấy điều đó.

Thời gian làm việc kéo dài không còn là chuyện hiếm ở Trung Quốc. Thậm chí, nhiều công nhân còn làm thêm giờ nhiều hết sức có thể để kiếm thêm tiền. Theo nguồn tin thân cận, tháng 10 vừa qua, khi Pegatron cắt giảm thời gian làm ngoài giờ vì đơn hàng giảm, khoảng 20.000 công nhân của công ty này trong nhà máy ở Thượng Hải đã nghỉ việc.

Trong năm qua, Apple đã dịch chuyển một phần hoạt động sản xuất từ nhà cung cấp chính của hãng là tập đoàn Foxconn sang những công ty khác như Pegatron đề đa dạng hóa các nguồn cung cấp. Chính vì sự dịch chuyển này, Apple gặp nhiều khó khăn trong quản lý điều kiện lao động tại các dây chuyền lắp ráp sản phẩm. Năm 2010, một số công nhân Foxconn lắp ráp hàng cho Apple bị chết, thu hút mạnh mẽ sự chú ý của dư luận đối với các điều kiện làm việc tại các dây chuyền lắp ráp sản phẩm Apple ở Trung Quốc.

Là một nhà lắp ráp iPhone mới, năm nay, Pegatron đã phải tăng gấp đôi số công nhân trong nhà máy ở Thượng Hải lên con số trên 100.000 người để đáp ứng đơn hàng iPhone 5C. Pegatron thừa nhận, sự mở rộng nhanh chóng của nhà máy ở Thượng Hải dẫn tới điều kiện sống chật chội của công nhân và tình trạng xếp hàng dài dằng dặc chờ lấy cơm ở nhà ăn.

Phía Pegatron đề nghị bồi thường 90.000 Nhân dân tệ, tương đương khoảng 15.000 USD cho gia đình Shi. Tuy nhiên, gia đình Shi từ chối đề nghị này vì cho là mức bồi thường quá thấp. Trong khi đó, Pegatron nói rằng, Shi bị ốm không liên quan gì tới các điều kiện làm việc, và cái chết của cậu không phải là lỗi của công ty.