14:02 25/05/2011

Thí điểm kiểm kê tài sản doanh nghiệp Nhà nước từ 1/7

Kim Tuấn

Tài sản đất đai, tiền mặt và các khoản đầu tư tài chính… của các doanh nghiệp thuộc diện kiểm kê và đánh giá lại từ 1/7/2011

Đối tượng kiểm kê là toàn bộ tài sản là hiện vật thuộc quyền quản lý và sử dụng của doanh nghiệp.
Đối tượng kiểm kê là toàn bộ tài sản là hiện vật thuộc quyền quản lý và sử dụng của doanh nghiệp.
Tài sản đất đai, tiền mặt và ngoại tệ, vàng và các khoản đầu tư tài chính cho đến nguyên vật liệu, công cụ… của các doanh nghiệp thí điểm thuộc diện kiểm kê và đánh giá lại từ ngày 1/7/2011.

Bộ Tài chính đang hoàn thiện thông tư hướng dẫn biểu mẫu, nguyên tắc chung và xử lý kết quả kiểm kê, đánh giá lại tài sản và vốn của một số doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ tại thời điểm 0 giờ ngày 1/7/2011 theo Quyết định số 352/QĐ-TTg ngày 10/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo dự thảo của thông tư, các doanh nghiệp thực hiện thí điểm kiểm kê và đánh giá lại tài sản và vốn vào thời điểm 1/7/2011 là các doanh nghiệp (do công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty giữ 100% vốn điều lệ) được các bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt trên cơ sở đề nghị của các tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ.

Đối tượng kiểm kê là toàn bộ tài sản là hiện vật thuộc quyền quản lý và sử dụng của doanh nghiệp.

Đối với tài sản cố định, sẽ kiểm kê toàn bộ tài sản hiện có tại doanh nghiệp, kể cả những tài sản đang cho thuê, tài sản gửi giữ hộ, tài sản được tặng biếu, viện trợ, tài sản vô chủ hiện có trong khu vực quản lý của doanh nghiệp.

Đối với công trình xây dựng cơ bản còn dở dang thì kiểm kê toàn bộ phần công trình, hạng mục công trình đầu tư tự làm. Nếu giao thầu cho bên B thì chỉ kiểm kê phần công trình, hạng mục công trình đã hoàn thành theo từng giai đoạn, bên B bàn giao cho bên A và được bên A chấp nhận thanh toán. Phần công trình xây dựng cơ bản dở dang bên A chưa chấp nhận thanh toán cho bên B được coi là tài sản lưu động (chi phí sản xuất kinh doanh dở dang) của bên B.

Đối với tài sản là đất, thực hiện kiểm kê đối với tất cả các diện tích đất do doanh nghiệp quản lý bao gồm đất được giao, nhận chuyển nhượng, đất thuê…

Đối với tài sản lưu động, kiểm kê toàn bộ các loại nguyên liệu, vật liệu tồn kho, công cụ, dụng cụ trong kho, hàng hoá, thành phẩm, bán thành phẩm tồn kho, công cụ và dụng cụ đang dùng, hàng mua đang đi trên đường, hàng gửi đi bán, các loại chi phí sản xuất kinh doanh dở dang...

Toàn bộ các loại vốn bằng tiền bao gồm tiền mặt tại quỹ, tiền đang chuyển, ngân phiếu, vàng, bạc, kim khí quí, đá quí, và các chứng chỉ có giá trị như tiền, các loại tiền gửi ở ngân hàng, kể cả tiền mang đi liên doanh, liên kết, các loại ngoại tệ tại quỹ và gửi ngân hàng... cũng thuộc diện kiểm kê theo dự thảo xác định.

Toàn bộ tài sản là các khoản đầu tư tài chính như đầu tư chứng khoán dài hạn, góp vốn liên doanh, các khoản đầu tư dài hạn khác, đầu tư chứng khoán ngắn hạn, đầu tư ngắn hạn khác; các khoản ký quỹ, ký cược ngắn hạn và dài hạn; các loại tài sản khác cũng thuộc diện kiểm kê; các khoản nợ phải thu của khách hàng, trả trước cho người bán, phải thu nội bộ, các khoản phải thu khác... cũng thuộc diện kiểm kê.

Việc kiểm kê cũng được thực hiện đối với nợ phải trả và nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.

Các khoản phải trả bao gồm nợ vay ngắn hạn và dài hạn, nợ dài hạn, phải trả cho người bán, người mua trả tiền trước, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước, phải trả công nhân viên, phải trả cho các đơn vị nội bộ, các khoản phải trả, phải nộp khác, nợ khác.

Toàn bộ nguồn vốn chủ sở hữu bao gồm vốn đầu tư của chủ sở hữu, thặng dư vốn cổ phần, vốn khác của chủ sở hữu, chênh lệch đánh giá lại tài sản, chênh lệch tỷ giá hối đoái, quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự phòng tài chính, quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nguồn kinh phí và quỹ khác.