10:23 28/01/2013

Thị trường lao động 2013: “Suy thoái kinh tế là một sự điều chỉnh”

Vũ Quỳnh

Thừa thầy, thiếu thợ vẫn là bài toán mà thị trường lao động cần giải trong năm 2013

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành Công ty Tuyển dụng nhân sự Cấp cao Navigos Search.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành Công ty Tuyển dụng nhân sự Cấp cao Navigos Search.
“Thị trường lao động thường phản ánh rất rõ bức tranh của nền kinh tế. Theo tôi, sẽ không có những biến chuyển lớn trên thị trường lao động trong nửa đầu năm nay”. Đó là nhận định của bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành Công ty Tuyển dụng nhân sự Cấp cao Navigos Search, khi trao đổi với VnEconomy xung quanh dòng chảy nhân lực 2013.

Bà nói:

-  Các doanh nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn và còn mong đợi những giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ. GDP của toàn năm 2013 dự kiến khoảng 5,7%, một mức tăng trưởng khá thấp so với những năm gần đây của Việt Nam.

Điều đó có nghĩa là năm 2013, Việt Nam vẫn còn gặp rất nhiều thách thức và điều này ảnh hưởng đến thị trường lao động.

Suy thoái kinh tế đã làm thay đổi tương đối cái nhìn của xã hội về giá trị nghề nghiệp. Không ít những ngành nghề “hot” bị “rớt giá” thảm hại, trong khi một số nghề vẫn giữ được phong độ và cũng có những nghề trở nên có giá hơn nhờ khủng hoảng. Là một chuyên gia về nhân sự, quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?


Theo cá nhân tôi, phát triển đó là một quá trình và những gì đang xảy ra tại một thị trường đang phát triển như Việt Nam cũng đã xảy ra với các nền kinh tế đi trước. Quá trình phát triển bao giờ cũng có những giai đoạn điều chỉnh sao một thời gian tăng trưởng nóng. Suy thoái kinh tế hiện nay là một sự điều chỉnh.

Chúng ta hãy nói về sự thừa và thiếu của thị trường lao động. Sau một thời gian chạy theo sức nóng của các ngành kinh tế, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thị trường lao động thừa ra một số lượng lớn nhân sự trong các ngành này. Đặc biệt là số lượng những sinh viên mới ra trường hoặc có ít kinh nghiệm làm việc. Bởi, một vài năm trước đó, các trường đua nhau tăng chỉ tiêu tuyển sinh và đào tạo cho những ngành này.

Còn ở câu chuyện “thiếu”, thị trường lao động vẫn luôn thiếu nhân sự có tay nghề, đặc biệt trong những ngành sản xuất, kỹ thuật như cơ khí, công nghệ thông tin, năng lượng...

Chúng ta đã nghe rất nhiều về câu chuyện của Intel khi họ không tuyển đủ được những nhân sự đáp ứng được yêu cầu cho nhà máy của họ ở Tp.HCM. Hay câu chuyện một doanh nghiệp sản xuất phần mềm lớn của Việt Nam khi họ cần tuyển đến 2.500 nhân sự trong năm 2013 và họ đang thực sự không biết giải bài toán đó thế nào khi số lượng người học công nghệ thông tin thì quá nhỏ so với số lượng sinh viên theo học các ngành kinh tế, ngân hàng.

Đó là nói về số lượng. Còn chất lượng thì chỉ có một phần rất nhỏ mới đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng vì ngoài kiến thức chuyên ngành, sinh viên phải nói được ít nhất một ngoại ngữ, có kỹ năng làm việc theo nhóm, có kỹ năng thuyết trình...

Giải pháp cân bằng câu chuyện thừa, thiếu nói trên nằm ở đâu, thưa bà?


Quan sát những gì đang diễn ra trên thị trường lao động, cá nhân tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta nên suy nghĩ về sự phát triển bền vững và không chạy theo những bong bóng.

Ngành giáo dục đào tạo cần cải tổ lại theo hướng phát triển bền vững và có định hướng lâu dài và phối hợp với những định hướng phát triển của nền kinh tế. Công tác định hướng nghề nghiệp phải được thực hiện tốt hơn. Cá nhân mỗi người, mỗi gia đình khi chọn ngành, chọn nghề cũng không nên chạy theo số đông, chạy theo những ngành “hot”.

Tôi hy vọng, bài toán “thừa thầy, thiếu thợ” của thị trường lao động của Việt Nam sẽ sớm được giải quyết.

Vậy theo bà, những ngành nghề nào được dự báo sẽ có nhu cầu tuyển dụng tốt nhất trong năm 2013?


Như tôi đã chia sẻ ở trên, thì những nhân sự có tay nghề sẽ vẫn được tuyển dụng, đặc biệt trong những ngành công nghệ thông tin, sản xuất.

Các bạn cũng đã nghe tin từ tập đoàn Samsung, họ sẽ đầu tư để mở rộng sản xuất tại nhà máy của họ ở Việt Nam, chắc chắn họ sẽ cần rất nhiều thợ và kỹ sư lành nghề. Còn có rất nhiều các tập đoàn sản xuất khác nữa…

Ngoài ra, nhân sự quản lý cấp cao sẽ vẫn được tuyển dụng vì thị trường lao động Việt Nam vẫn thiếu rất nhiều ở phân khúc này cả về số lượng lẫn chất lượng.

Là nhà cung cấp các giải pháp tuyển dụng nhân sự cao cấp tại Việt Nam, bà có lời khuyên hay kinh nghiệm gì chia sẻ với doanh nghiệp tuyển dụng trong thời buổi kinh tế chật vật này?


Tôi nghĩ trong giai đoạn này, nếu doanh nghiệp nào muốn tuyển dụng thì lại có nhiều lựa chọn hơn. Tuy nhiên, đã đến lúc, các doanh nghiệp nên coi trọng và đặt công tác tuyển dụng vào vị trí chiến lược. Cần phải có chiến lược tuyển dụng một cách lâu dài.

Chúng ta có thể hiểu thế này, tuyển dụng cũng như là đầu vào của một quy trình sản xuất vậy, cần phải được làm cẩn thận và cần phải kiểm soát chất lượng. Tôi thấy, có rất nhiều công ty, ban lãnh đạo cấp cao hoàn toàn không quan tâm đến tuyển dụng, giao toàn quyền cho nhân viên tuyển dụng, muốn làm sao thì làm miễn là “có người lấp chỗ trống”.

Làm như thế chỉ giải quyết được tình thế trước mắt nhưng không giúp công ty có chiến lược tuyển dụng và phát triển nhân tài về mặt dài hạn.

Ngoài ra, tất cả những người tham gia vào quá trình tuyển dụng phải được đào tạo về kỹ năng: phỏng vấn như thế nào, đánh giá như thế nào...