16:28 26/04/2010

Thỏa ước lao động tập thể ngành dệt may: Ăn giữa ca tối thiểu 5.000 đồng

Vũ Quỳnh

Nhiều quyền lợi của người lao động sẽ được bảo vệ sau bản ký kết thỏa ước lao động tập thể

Lễ ký kết thỏa ước lao động tập thể ngành dệt may giữa Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Công đoàn Dệt may Việt Nam.
Lễ ký kết thỏa ước lao động tập thể ngành dệt may giữa Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Công đoàn Dệt may Việt Nam.
Sáng 26/4, tại Hà Nội đã diễn ra lễ ký kết thỏa ước lao động tập thể ngành dệt may giữa Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Công đoàn Dệt may Việt Nam. Đây là ngành đầu tiên ký thỏa ước lao động tập thể cấp ngành nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động, hạn chế đình công bất hợp pháp.

Thoả ước lao động tập thể ngành được xây dựng trên cơ sở thoả thuận thống nhất giữa người sử dụng lao động và người lao động thông qua các nghĩa vụ và quyền lợi cụ thể như chế độ tiền lương, thu nhập bình quân, văn hoá ứng xử trong doanh nghiệp, bình đẳng giới, tranh chấp lao động…

Cụ thể, liên quan đến chính sách tiền lương, thỏa ước lao động tập thể quy định, các đơn vị tự xây dựng thang bảng lương thì tiền lương ở các bậc lương của nhóm điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với điều kiện bình thường (quy định của Nhà nước là 5%); số bậc lương mỗi ngạch bậc lương hoặc nhóm lương thiết kế không quá 15 bậc (Nhà nước không quy định về bậc) và mức lương bậc 1 đối với các công việc đòi hỏi phải qua đào tạo nghề cao hơn ít nhất là 10% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định; sau một đến 2 năm phải xét nâng bậc lương.

Chế độ ăn giữa ca tùy theo hiệu quả sản xuất kinh doanh và giá sinh hoạt tại địa phương nhưng tối thiểu là 5.000 đồng/bữa và định kỳ 6 tháng hoặc một năm được xem xét điều chỉnh cho phù hợp.

Thu nhập bình quân của người lao động nếu làm việc đủ 12 tháng và đảm bảo định mức lao động và chất lượng, thì người sử dụng lao động bảo đảm mức thu nhập bình quân năm (bao gồm tiền lương, phụ cấp lương, tiền thưởng, không kể ăn ca và các khoản nộp bảo hiểm) tương ứng với các vùng được Nhà nước quy định về mức lương tối thiểu vùng. ( 1.700.000 đồng/người/tháng đối với vùng 1, 1.600.000 đồng/người/tháng đối với vùng 2, 1.500.000 đồng/người/tháng vùng 3 và thấp nhấp là 1.300.000 đồng/người/tháng đối với vùng 4).

Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam hy vọng sau khi thỏa ước được ký kết thì tranh chấp lao động trong ngành dệt may có thể sẽ giảm xuống. Kể cả những doanh nghiệp trong ngành không tham gia ký kết cũng phải có những điều chỉnh để phù hợp với xu thế.

Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng, trong thỏa ước này có qui định suất ăn tối thiểu cho người lao động là 5.000 đồng/bữa là hơi thấp. Với mức này, ở những vùng 3, 4 thì có thể chấp nhận được nhưng ở vùng 1, 2 thì bữa ăn này không đủ tái tạo sức lao động.