14:46 10/09/2014

Tiếp tục tranh cãi chuyện ngành nghề cấm kinh doanh

Nguyên Hà

Một trong 11 ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh được nêu tại dự thảo luật là kinh doanh mại dâm

Theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, nếu chỉ quy định cấm kinh doanh mại 
dâm là không đầy đủ, cần phải nghiên cứu quy định cho chặt chẽ thêm.
Theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, nếu chỉ quy định cấm kinh doanh mại dâm là không đầy đủ, cần phải nghiên cứu quy định cho chặt chẽ thêm.
Thời gian qua, đối với dịch vụ ngủ ôm hay thuê người yêu và thuê vợ thuê chồng, nhiều người nói vì Việt Nam không cấm nên vẫn kinh doanh, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh góp ý khi sửa Luật Đầu tư.

Thời gian thảo luận cho dự án luật này đã kết thúc vào buổi sáng 9/9, song chiều cùng ngày, một số vị đại biểu vẫn tiếp tục thể hiện chính kiến, xen kẽ với thảo luận dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Và trọng tâm thảo luận vẫn là các quy định liên quan đến ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Một trong 11 ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh được nêu tại dự thảo luật là kinh doanh mại dâm.

Theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, nếu chỉ quy định cấm kinh doanh mại dâm là không đầy đủ, cần phải nghiên cứu quy định cho chặt chẽ thêm. Vì thực tế có nhiều hoạt động gây bức xúc xã hội như đã nói trên, nhưng vẫn có người đăng ký và kinh doanh vì pháp luật không cấm.

Bà Khánh cũng đề nghị lần sửa luật này phải cấm ngành nghề có sử dụng bạo lực, để ngăn chặn việc đòi nợ thuê không được dẫn đến “khủng bố” đã từng xảy ra.

Vẫn liên quan đến quyền tự do kinh doanh, đại biểu Trương Minh Hoàng đề nghị cần mạnh dạn bỏ hết các quy định giao cho Chính phủ hoặc các tổ chức khác quy định về ngành nghề cấm  đầu tư kinh doanh và đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện này chỉ quy định trong luật chứ không nên giao Chính phủ định kỳ công bố danh mục cụ thể, sau khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Hoàng phát biểu.

Đây cũng là quan điểm nhận được sự đồng tình của nhiều vị đại biểu khác.

Tại phiên thảo luận buổi sáng, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, nên đưa tất cả điều cấm về ngành nghề kinh doanh từ các luật khác sang Luật Đầu tư để đảm bảo sự minh bạch.

Theo Phó chủ tịch, đã cấm có nghĩa là cấm tất cả các chủ thể, không loại trừ ai, kể cả nhà nước thì mới bình đẳng. Còn đã nói đến ngành nghề kinh doanh thì ngành nào cũng có điều kiện, vấn đề là hạn chế thế nào và cần thể hiện rõ hạn chế đó ở lần sửa đổi này.

Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, ông Bùi Văn Phương cho rằng luật cần đưa ra các tiêu chí để quy định các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh.

Vị đại biểu này cũng phàn nàn là đại biểu Quốc hội không phải am hiểu tất cả các lĩnh vực, cần tham vấn ý kiến chuyên gia và cử tri, nhưng khi đến hội nghị mới được phát tài liệu thì rất là khó để góp ý.

Cùng quan điểm với một số ý kiến khác, nỗi lo của đại biểu Phương còn ở khâu thực thi luật. Bởi ai cũng nhìn thấy thực tế nếu không có "bôi trơn" thì làm sao bộ phận cán bộ công chức có liên quan đến thủ tục hành chính cho doanh nghiệp có đời sống khác xa người khác.

Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM Trần Du Lịch cho rằng, nếu chỉ sửa luật mà bộ máy cán bộ công chức vẫn gây phiền hà cho doanh nghiệp thì không cải cách được triệt để.

"Một số doanh nghiệp nói với tôi là họ không cần hỗ trợ, mà chỉ cần đừng quấy rối để họ yên ổn làm ăn, thế là hỗ trợ lớn lắm rồi", ông Lịch phát biểu.

Để hạn chế sự phiền hà nhũng nhiễu thì cần quy định hết các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, chỉ riêng ở một Luật Đầu tư (sửa đổi). Tuy nhiên đây là việc làm rất phức tạp khó khăn, theo phân tích của nhiều nhà lập pháp.

Song, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhắn nhủ cả cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các vị đại biểu rằng hãy kiên trì bền bỉ dù có mất nhiều thời gian, để có thể tránh được tình trạng bộ nào cũng bảo vệ sân của mình, đẩy phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.